Kinh tế xã hội
Chuyển động từ các vùng kinh tế trọng điểm
08:14, 17/03/2020 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Trong chiến lược phát triển, Nghệ An chủ trương xây dựng 3 vùng kinh tế trọng điểm làm nhiệm vụ trung tâm, đầu tàu thúc đẩy KT-XH phát triển. Gần 5 năm qua, các cực tăng trưởng này ghi nhận bước phát triển rõ rệt và hứa hẹn sẽ khẳng định ngày càng rõ nét vai trò dẫn dắt bức tranh KT-XH của địa phương.
Theo đó, 3 vùng kinh tế trọng điểm của Nghệ An gồm: TP Vinh - TX Cửa Lò - các huyện Đông Nam của tỉnh gắn với vùng Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh; vùng Hoàng Mai - Quỳnh Lưu gắn với vùng Nam Thanh Hóa - Bắc Nghệ An và vùng miền Tây Nghệ An, trọng điểm vùng là Tân Kỳ - Con Cuông - Nghĩa Đàn - TX Thái Hòa - Quỳ Hợp. Sau hơn 3 năm thực hiện Đề án phát triển hạ tầng giao thông kết nối các vùng kinh tế trọng điểm giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh đã có 21 công trình, dự án hoàn thành, đưa vào hoạt động với tổng mức đầu tư 8.625 tỉ đồng.
Hệ thống máy móc hiện đại giúp nâng cao năng suất thu hoạch vùng nguyên liệu của Tập đoàn TH True Milk tại huyện Nghĩa Đàn |
Cụ thể, đối với đường bộ, các tuyến kết nối vùng kinh tế TP Vinh - TX Cửa Lò - các huyện Đông Nam của tỉnh gắn với vùng Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh (vùng kinh tế 1) với vùng miền Tây Nghệ An (vùng kinh tế 3), có 5 dự án; điển hình là đường giao thông nối đường N5 - Khu kinh tế Đông Nam đến Hòa Sơn (Đô Lương), dài 28,5 km. Đây là tuyến giao thông huyết mạch, phục vụ nhu cầu vận chuyển nguyên liệu và các sản phẩm từ các khu công nghiệp, nhà máy thuộc các huyện phía Tây Nghệ An về các huyện đồng bằng. Về các tuyến kết nối vùng kinh tế Hoàng Mai - Quỳnh Lưu gắn với vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ (vùng kinh tế 2) với miền Tây Nghệ An, có 5 dự án; trong đó có đường nối Quốc lộ 46 với đường ven sông Lam (TP Vinh) với chiều dài khoảng 8,25 km.
Giai đoạn 2015 - 2020, với nhiệm vụ phát triển TP Vinh - TX Cửa Lò - các huyện Đông Nam của tỉnh gắn với vùng Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh, tỉnh đã phối hợp với Hà Tĩnh lập quy hoạch vùng Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh thành vùng kinh tế trọng điểm theo định hướng của Nghị quyết 26 là xây dựng vùng công nghiệp sạch, trung tâm thương mại, du lịch, tài chính và dịch vụ, với vai trò là hạt nhân thúc đẩy phát triển các vùng nông thôn. Về hạ tầng, cùng với Tỉnh lộ 558, Quốc lộ 15A và hệ thống hạ tầng các huyện Nam Đàn, Đức Thọ, cầu Yên Xuân nối huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) với huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) được xây dựng đã hình thành mạng lưới đường bộ hoàn chỉnh, ngắn nhất nối TP Vinh đến cửa khẩu biên giới Việt - Lào. Riêng với TP Vinh cũng ghi nhận nhiều bước phát triển. Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 8,63%, giá trị gia tăng chiếm khoảng 24,6% tổng giá trị gia tăng của tỉnh. Đến nay, vai trò là trung tâm vùng của thành phố từng bước được định hình qua một số lĩnh vực như giáo dục - đào tạo, y tế, du lịch.
Đối với vùng Hoàng Mai - Quỳnh Lưu gắn với vùng Nam Thanh Hóa - Bắc Nghệ An, tỉnh đã phối hợp với tỉnh Thanh Hóa triển khai quy hoạch vùng Nam Thanh Hóa - Bắc Nghệ An, gắn không gian Khu công nghiệp Hoàng Mai và Đông Hồi (Nghệ An) với Khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa). Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép điều chỉnh các Khu công nghiệp Hoàng Mai, Đông Hồi vào Khu kinh tế Đông Nam. Đến nay, nhiều dự án công nghiệp có quy mô lớn đã và đang đầu tư vào khu vực này như: sản xuất tôn thép, xi măng… Với vùng miền Tây Nghệ An, quy mô kinh tế của cả vùng ngày càng được nâng lên. Đặc biệt, lĩnh vực nông nghiệp phát triển khá toàn diện, với việc hình thành một số vùng sản xuất cây nguyên liệu tập trung quy mô lớn gắn với phát triển công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm; chăn nuôi phát triển theo hướng quy mô trang trại gắn với công nghiệp chế biến. Riêng huyện Nghĩa Đàn đang trở thành hạt nhân quan trọng trong chiến lược phát triển ngành sữa Việt Nam.
Trên cơ sở những kết quả nói trên, giai đoạn tới, để góp phần tích cực vào sự phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông, cảng biển. Đơn cử như Dự án cầu Cửa Hội, Dự án tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Nghệ An; đầu tư xây dựng cảng Đông Hồi chuyển đổi thành cảng tổng hợp công suất 30 triệu tấn… Những định hướng, bước đi nói trên nhằm thực hiện đúng tinh thần tại Thông báo số 55 của Bộ Chính trị về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị khóa XI về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020.
Thùy Dương