(Congannghean.vn)-Với tinh thần “phòng, chống dịch như chống giặc”, các địa phương, ban, ngành Nghệ An đang tập trung cao độ phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới (nCoV) gây ra. Dù dịch bệnh đang được kiểm soát chặt chẽ song các ngành chức năng khuyến cáo người dân không được chủ quan, tránh để nCoV lây lan trong cộng đồng.
Đoàn công tác UBND tỉnh đi kiểm tra và thăm sức khỏe bệnh nhân nghi nhiễm virus Corona - Ảnh: Hồ Hưng |
Quyết tâm kiểm soát, không để dịch lây lan, đồng thời, vẫn đảm bảo phát triển KT-XH, TTATXH, ổn định đời sống nhân dân và tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp thành công. Người đứng đầu cấp uỷ trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch; chỉ đạo các ngành, địa phương xây dựng kế hoạch, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất cho việc dự phòng, cách ly, điều trị, chuẩn bị đầy đủ trang, thiết bị, phòng hộ cho nhân dân; đảm bảo đầy đủ kinh phí, nhân lực cho công tác phòng, chống dịch theo phương châm tại chỗ. Đấu tranh và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân phát tán các thông tin không chính xác, gây hoang mang, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp thu gom, đầu cơ, tăng giá các vật tư, thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch bệnh.
Theo báo cáo của ngành Y tế, tính đến 12 giờ ngày 9/2, dịch bệnh đã lan ra nhiều thành phố của Trung Quốc và 27 quốc gia/vùng lãnh thổ ghi nhận trường hợp mắc bệnh. Thế giới có 37.552 người mắc bệnh, 811 người tử vong; Việt Nam có 14 người mắc virus nCoV, có 3 người điều trị khỏi và đã xuất viện. Ngoài ra, có 392 trường hợp sức khoẻ bình thường, không có dấu hiệu sốt, ho nhưng vẫn được cách ly theo dõi do có tiếp xúc gần với người nghi bị nhiễm virus nCoV. Bộ Y tế cũng chính thức ra mắt Trang tin điện tử về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra trên Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế có tên miền là https://ncov.moh.gov.vn/ và App thông tin về dịch bệnh nCoV có tên Sức khoẻ Việt Nam nhằm giúp người dân nắm bắt tình hình dịch bệnh và trang bị kiến thức phòng, chống dịch bệnh qua các hướng dẫn, khuyến cáo từ cơ quan y tế có chuyên môn để bảo vệ bản thân và cộng đồng.
Người bị nhiễm nCoV được điều trị miễn phí, bao gồm các chi phí nằm viện, thuốc điều trị, xét nghiệm. Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố chủ động phối hợp với Sở Y tế và các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người bệnh có thẻ BHYT được kịp thời khám, chữa bệnh hoặc chuyển tuyến khám, chữa bệnh BHYT khi nghi ngờ nhiễm virus Corona. BHXH Việt Nam cũng yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố thực hiện ngay việc tạm ứng kinh phí cho các cơ sở khám, chữa bệnh để đảm bảo hoạt động khám, chữa bệnh BHYT trên cơ sở nguồn kinh phí khám, chữa bệnh BHYT của quý 1/2020 đã được BHXH Việt Nam cấp đầy đủ.
Điều đáng mừng là, các nhà khoa học của Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương đã nuôi cấy và phân lập thành công virus Corona chủng mới trong phòng thí nghiệm. Theo lãnh đạo Bộ Y tế, việc nuôi cấy thành công này sẽ tạo điều kiện cho việc xét nghiệm nhanh các trường hợp nhiễm và nghi nhiễm virus nCoV. Với việc này, mỗi ngày tại Việt Nam sẽ có khả năng xét nghiệm hàng nghìn mẫu bệnh phẩm trong trường hợp cần thiết (hiện nay, Việt Nam đang có trên 1.000 người từ Trung Quốc trở về và gần 500 người có tiếp xúc gần với người nhiễm nCoV đang được cách ly, theo dõi, giám sát và chờ kết quả xét nghiệm). Đây sẽ là tiền đề cho việc nghiên cứu và phát triển vắc xin phòng, chống loại virus này trong tương lai và cũng giúp cho việc đưa ra các biện pháp dự phòng hiệu quả hơn. Còn đến thời điểm hiện tại Việt Nam vẫn đảm bảo cung ứng đủ sinh phẩm cho việc xét nghiệm.
Ngày 7/2/2019, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý chủ trì giao ban trực tuyến phòng, chống virus Corona với 21 huyện, thành, thị. Theo báo cáo của Sở Y tế Nghệ An, tính đến sáng 7/2, Nghệ An triển khai cách ly và tiến hành lấy mẫu xét nghiệm nCoV tổng cộng 13 trường hợp. Trong đó có 2 trường hợp được Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương loại do không thuộc diện giám sát và 10 trường hợp âm tính. Sở Y tế Nghệ An chỉ đạo các bệnh viện chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị, nhân lực cho tình huống xấu nhất là dịch lan rộng. Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, tình hình dịch bệnh rất nguy hiểm, đây là một bệnh truyền nhiễm có khả năng lây lan nhanh, phát tán rộng và tỉ lệ tử vong cao nên không chủ quan, không lơ là, mà phải tập trung cao, coi đây là nhiệm vụ cấp bách, gắn với trách nhiệm người đứng đầu và thực hiện chủ trương 4 tại chỗ.
UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo tạm dừng tổ chức các lễ hội chưa khai mạc; đối với các lễ hội đã tổ chức khai mạc phải giảm quy mô, thời gian tổ chức lễ hội, giảm các hoạt động trong lễ hội; hạn chế tổ chức các hoạt động tập trung đông người tham gia, đảm bảo các điều kiện về phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Yêu cầu người dân phải đeo khẩu trang khi tham gia các hoạt động tại lễ hội, di tích. Sở Văn hóa và Thể thao thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn để việc tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh đảm bảo đúng quy định pháp luật, đảm bảo sức khỏe và tính mạng của nhân dân. Trước đó, từ ngày 7/2, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã cho học sinh toàn tỉnh nghỉ học để phòng, chống dịch nCoV. Trong thời gian nghỉ học, ngành Giáo dục triển khai cho các nhà trường phối hợp với gia đình để nắm tình hình học sinh, khuyến cáo, thông tin phòng, chống dịch bệnh; đồng thời tiến hành tiêu độc, khử trùng trường, lớp.
Nghệ An là tỉnh có diện tích rộng và mật độ dân số đông; có hệ thống giao thông đường biển, đường bộ, đường hàng không phát triển; có cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn. Trong khi đó, hiện nay với điều kiện khí hậu mùa đông xuân lạnh ẩm rất thuận lợi cho tác nhân gây bệnh phát sinh và phát triển. Vì thế, ngoài sự vào cuộc chủ động, tích cực, quyết liệt của các cấp chính quyền, người dân cần ý thức rõ trách nhiệm của mình trong phòng, chống dịch bệnh. Theo đó, ngành Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả. Tránh đi lại, du lịch nếu đang có sốt, ho hoặc khó thở. Đến ngay cơ sở y tế khi có triệu chứng nghi ngờ. Tránh tiếp xúc với người bị sốt, ho. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, tránh chạm tay vào mắt, mũi, miệng. Nếu thấy có dấu hiệu ốm khi đi lại, du lịch cần chủ động liên hệ cơ sở y tế càng sớm càng tốt. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng. Tránh tiếp xúc gần với các động vật nuôi hoặc hoang dã. Chủ động đeo khẩu trang khi đi đến chỗ đông người hoặc khi tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh.
Cán bộ, giáo viên vệ sinh, khử trùng trường học |
Thời gian vừa qua, lợi dụng diễn biến phức tạp của dịch viêm đường hô hấp cấp do virus nCoV, nhiều đối tượng đã lợi dụng không gian mạng, tung tin giả, thông tin sai sự thật về bệnh dịch. Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương đấu tranh xử lý theo quy định của pháp luật. Việc tung các tin đồn thất thiệt, gây hoang mang cho cộng đồng nhất là trong thời điểm dịch bệnh đang “nóng” là hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Các hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 174/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.
Cụ thể, theo Điểm a, Khoản 3, Điều 64 Nghị định 174/2013/NĐ-CP (ngày 13/11/2013), người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng với hành vi “cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân”. Điểm g, Khoản 3, Điều 66 Nghị định cũng quy định xử phạt 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi “cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác”.
.