(Congannghean.vn)-Từ khi ra đời, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) được kỳ vọng sẽ tạo sức bật cho nông sản và đặc sản xứ Nghệ. Với sự vào cuộc của các ngành, địa phương, OCOP đang được doanh nghiệp và bà con mong chờ là “bà đỡ”, tạo sức bật cho ngành Nông nghiệp tỉnh nhà.
OCOP góp phần đưa sản phẩm tới người tiêu dùng |
Trên toàn quốc, Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên triển khai chương trình OCOP dựa trên các kinh nghiệm học hỏi từ OVOP (Mỗi làng một sản phẩm) quốc tế và thực tiễn về sản phẩm tại cộng đồng và đã đạt được những kết quả quan trọng sau hơn 4 năm triển khai thực hiện. Từ năm 2008, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai thí điểm mô hình “Mỗi làng một nghề” ở một số địa phương. Ngày 7/5/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg phê duyệt chương trình OCOP giai đoạn 2018 - 2020 để triển khai thực hiện trên phạm vi cả nước.
Là địa phương giàu tiềm năng và thế mạnh về nông sản, việc triển khai chương trình OCOP trong xây dựng nông thôn mới tại Nghệ An là hết sức cần thiết, phù hợp với quá trình tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, góp phần tăng thu nhập, nâng cao giá trị sản phẩm và bảo vệ môi trường. Nhiều sản phẩm lợi thế của địa phương có thể kể đến như: Tương, sen, bột sắn dây Nam Đàn; nhút, trám Thanh Chương; cam Vinh; bưởi hồng Quang Tiến; gà đồi Yên Thành; cá thu Cửa Lò; tôm nõn Diễn Châu… Nghệ An hiện có 182 sản phẩm nông nghiệp lợi thế (lâm nghiệp, thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ), thuộc 6 nhóm sản phẩm. Tuy nhiên, mới có 49 sản phẩm có đăng ký, công bố tiêu chuẩn chất lượng, chiếm 26,9% tổng số sản phẩm hiện có; 32 sản phẩm có đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, chiếm 17,6% tổng số sản phẩm hiện có.
Ý thức rõ vai trò quan trọng của OCOP với địa phương, trong năm 2019, đặc biệt là vào những tháng cuối năm, nhiều chương trình, kế hoạch đã được tỉnh triển khai đồng bộ. Vừa qua, Nghệ An tổ chức “Hội chợ Nông nghiệp, sản phẩm OCOP các tỉnh miền Trung và sản phẩm xanh khu vực Hợp tác xã, làng nghề tỉnh Nghệ An năm 2019”. Hội chợ là sự kiện xúc tiến thương mại quan trọng của ngành Nông nghiệp của vùng và tỉnh Nghệ An.
Hội chợ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề của các tỉnh, thành quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường đến khách tham quan Hội chợ. Hội chợ còn là cơ hội hợp tác đầu tư giữa tỉnh Nghệ An và các tỉnh, thành trong cả nước về lĩnh vực khai thác, bảo quản, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm thủy hải sản, sản phẩm chăn nuôi, sản phẩm lâm sản nhằm nâng cao giá trị gia tăng, tăng cường mối liên kết theo chuỗi trong sản xuất nông nghiệp.
UBND tỉnh cũng ban hành Kế hoạch số 740/KH-UBND về tổ chức đánh giá, phân hạng và công nhận sản phẩm OCOP tỉnh Nghệ An. Để đánh giá, phân hạng và công nhận sản phẩm OCOP, tỉnh sẽ thành lập Hội đồng đánh giá, phân hạng và công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, cấp huyện. Hội đồng cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành đánh giá, phân hạng sản phẩm; đánh giá, phân hạng sản phẩm tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm hàng năm theo quy định của Bộ tiêu chí tại Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày 21/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ; xem xét giải quyết các thắc mắc, khiếu nại liên quan đến đánh giá, phân hạng sản phẩm.
Hội đồng cấp huyện có trách nhiệm xây dựng và ban hành quy chế cụ thể để tổ chức đánh giá, phân hạng các sản phẩm theo Bộ tiêu chí; các sản phẩm đánh giá là các sản phẩm tham gia chương trình OCOP; lựa chọn các sản phẩm đạt 3 sao trở lên, hoàn chỉnh hồ sơ nộp về tỉnh (qua Chi cục Phát triển nông thôn) để tham gia đánh giá, phân loại cấp tỉnh. Ngày 19/12, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm chương trình OCOP Nghệ An tổ chức khai mạc hội thi đánh giá, phân hạng các sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2019. Đã có hơn 50 sản phẩm của các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất ở 11 huyện, thành, thị.
Tuy nhiên, mọi việc vẫn đang ở giai đoạn bước đầu. Khó khăn vẫn đang hiện hữu, nhất là khi doanh nghiệp, người dân chưa ý thức rõ vai trò trong quảng bá sản phẩm tới tay người tiêu dùng. Kỹ năng quảng bá, giới thiệu sản phẩm, nguồn nguyên liệu thiếu ổn định, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, việc tiếp cận nguồn vốn để cải tiến dây chuyền sản xuất còn khó khăn... chính là “rào cản” trong việc tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm thế mạnh của địa phương trên thị trường.
Những giải pháp đồng bộ cần được thực hiện: Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn về OCOP, nhận đăng ký ý tưởng sản phẩm, phương án, dự án sản xuất kinh doanh, tổ chức phát triển sản phẩm OCOP, xây dựng hệ thống quản lý, giám sát, đánh giá, xây dựng thương hiệu sản phẩm, hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, xúc tiến thương mại, xây dựng hệ thống trung tâm bán hàng và giới thiệu sản phẩm OCOP, hình thành hệ thống cơ sở hạ tầng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại các khu du lịch, khu dân cư, siêu thị, chợ truyền thống, trung tâm hành chính cấp tỉnh và huyện…