Kinh tế xã hội
Tăng cường thanh, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên địa bàn tỉnh
(Congannghean.vn)-Sau 2 năm, từ khi Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra 9 khuyến nghị chính thức về chống khai thác hải sản bất hợp pháp (IUU), công tác quản lý nghề cá trên địa bàn tỉnh ghi nhận những chuyển biến tích cực. Để góp phần khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” IUU đối với thủy sản, Nghệ An đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp; trong đó chú trọng tổ chức thanh, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên địa bàn tỉnh.
Việc tăng cường thanh, kiểm tra, kiểm soát nghề cá góp phần thúc đẩy nghề cá phát triển bền vững, đảm bảo sinh kế lâu dài cho ngư dân |
Thực hiện Chỉ thị số 45 ngày 13/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, kế hoạch hành động nhằm tăng cường công tác chống khai thác IUU. Đặc biệt, nhằm đẩy mạnh triển khai, chỉ đạo các hoạt động khắc phục “thẻ vàng”, ngày 26/9/2019, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 3787 về việc thành lập Ban Chỉ đạo tỉnh Nghệ An về IUU với các thành viên là lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh, lãnh đạo UBND các huyện, thị ven biển.
Thực hiện Quyết định, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập Tổ công tác liên ngành thanh tra, kiểm soát nghề cá tại các cảng cá Cửa Hội, Lạch Vạn và Lạch Quèn; với nhiệm vụ tổ chức giám sát khi tàu cập cảng, rời bến, kiểm tra việc ghi, nộp nhật ký khai thác thủy sản, giấy đăng ký tàu cá, giấy an toàn kỹ thuật, giấy phép khai thác thủy sản, văn bằng chứng chỉ, trang thiết bị đảm bảo an toàn, giám sát hành trình… Qua đó, lượng tàu cá xuất, nhập cảng cơ bản được kiểm soát, công tác ghi, nộp nhật ký khai thác cũng được ngư dân thực hiện; hiện tượng tàu cá hoạt động tại vùng biển nước ngoài được khắc phục…
Nhằm góp phần thực hiện tốt các quy định của pháp luật Việt Nam và khu vực về chống khai thác IUU, mới đây, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Kế hoạch số 628 về thanh, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên địa bàn tỉnh nhằm ngăn chặn các hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; đồng thời đảm bảo tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế cũng như các biện pháp bảo tồn và quản lý nguồn lợi, gắn với kế hoạch quản lý nghề cá, kiểm soát cường lực khai thác hải sản, đảm bảo sử dụng bền vững nguồn lợi thủy sản.
Theo đó, tỉnh sẽ tổ chức thanh, kiểm tra, kiểm soát tại các cảng cá được chỉ định, tại các cửa lạch, trên vùng biển ven bờ và vùng biển lộng; các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động khai thác nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh. Các tổ kiểm tra liên ngành sẽ tổ chức kiểm tra tàu cá cập cảng và rời cảng cá; kiểm tra tàu cá ra và vào các cửa lạch; giám sát việc bốc dỡ thủy sản qua cảng cá; tuần tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác thủy sản trên vùng biển ven bờ, vùng lộng…
Cụ thể, tổ kiểm tra sẽ tổ chức thanh, kiểm tra tất cả tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 m trở lên. Đối với tàu có chiều dài lớn nhất dưới 24 m thì sẽ kiểm tra tối thiểu 20% đối với tàu làm nghề khai thác cá ngừ, tối thiểu 10% đối với tàu làm nghề lưới kéo, tối thiểu 5% tàu làm nghề khác trên tổng số tàu các cấp cảng bốc dỡ thủy sản qua cảng. Đồng thời, sẽ kiểm tra tàu cá có dấu hiệu vi phạm quy định về khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định.
Thực hiện Kế hoạch 628, Chi cục Thủy sản tổ chức tập huấn, hướng dẫn các bước, quy trình, nội dung thực hiện thanh, kiểm tra, kiểm soát hoạt động nghề cá trên các vùng biển và tại các cảng cá; thực hiện tốt quy chế phối hợp với Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh… Ban Quản lý Cảng cá Nghệ An cập nhật, báo cáo Tổng cục Thủy sản mẫu dấu và chữ ký của người có thẩm quyền xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác để đăng tải, thông báo trên trang thông tin điện tử của Tổng cục Thủy sản; đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm tại cảng cá theo quy định… Tổ liên ngành thanh tra, kiểm soát nghề cá tại các cảng cá chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các hoạt động thanh, kiểm tra, kiểm soát đối với các tàu cập bến, xuất bến theo đúng quy định của kế hoạch, làm cơ sở để thực hiện việc xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác theo quy định…
Rõ ràng, cùng với sự chỉ đạo toàn diện của tỉnh trong việc thanh, kiểm tra, kiểm soát nghề cá, sự tham gia chủ động của ngư dân đóng vai trò hết sức quan trọng nhằm góp phần đưa nghề khai thác thủy sản trở thành nghề kinh tế có trách nhiệm, thân thiện với môi trường nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường trong bối cảnh hội nhập cũng như đảm bảo sinh kế bền vững cho ngư dân.
Thùy Dương