Kinh tế xã hội
Tránh tình trạng 'cứng hóa' nông thôn
08:02, 27/08/2019 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Tại nhiều vùng quê trên địa bàn tỉnh Nghệ An, quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM) đã góp phần thay đổi diện mạo của địa phương. Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu xây dựng cơ sở làng xóm khang trang, hiện đại gắn với bảo tồn nét đẹp văn hóa làng quê, còn nhiều vấn đề đặt ra đối với các cấp chính quyền và chính người dân.
Theo báo cáo đánh giá về kết quả xây dựng NTM của UBND tỉnh Nghệ An, sau quá trình xây dựng NTM, phần lớn hạ tầng kinh tế - xã hội của các xã trên địa bàn tỉnh được sửa chữa, cải tạo, nâng cấp và xây mới khá đồng bộ, kết nối với hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh. Bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp, văn minh. Điều kiện sống, đi lại, học tập, sinh hoạt của người dân nông thôn thuận lợi hơn, hiệu quả hơn.
Năm 2010, toàn tỉnh có 431 xã thực hiện chương trình với xuất phát điểm thấp, chỉ đạt bình quân 3,64 tiêu chí/xã. Sau 10 năm phấn đấu, đến nay, tỉnh Nghệ An đã có 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM; 226/431 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 4 xã thuộc huyện nghèo 30a, 2 xã biên giới và 30 xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Số tiêu chí bình quân toàn tỉnh đạt 15,64 tiêu chí/xã. Đặc biệt, để phù hợp với tình hình thực tiễn tại các xã miền núi khó khăn, năm 2016, Nghệ An đã có chủ trương xây dựng thôn/bản NTM. Qua 3 năm thực hiện, đã có 667 thôn/bản đạt chuẩn NTM theo tiêu chí của tỉnh. Các huyện có nhiều thôn bản đã về đích NTM nhiều nhất là Tân Kỳ (19 thôn, bản), Anh Sơn (15 thôn, bản), Nghĩa Đàn (14 thôn, bản)... Năm 2019, Nghệ An phấn đấu có thêm 25 thôn, bản đạt chuẩn NTM theo bộ tiêu chí của tỉnh.
Diện mạo nhiều làng quê thay đổi sau thực hiện xây dựng nông thôn mới |
Nghệ An phấn đấu năm 2020 có 265 xã đạt chuẩn NTM; bằng 61,5% số xã trên toàn tỉnh, bình quân đạt 16,59 tiêu chí, không còn xã dưới 7 tiêu chí, có ít nhất 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM. Đời sống vật chất, tinh thần của đại bộ phận cư dân nông thôn được nâng lên đáng kể. Thu nhập bình quân khu vực nông thôn từ 12 triệu đồng/người/năm, nay đã tăng lên 24,8 triệu đồng/người/năm. Trong những năm qua, đã có hàng trăm nghìn km đường nông thôn trên khắp các miền quê được xây dựng, góp phần làm sáng đẹp nông thôn, tạo thuận lợi trong lưu thông, vận chuyển hàng hóa.
Tuy nhiên, trong “cơn say” của việc thực hiện NTM, những con đường bằng bê tông được xây dựng khắp các thôn xóm. Không thể phủ nhận sự thuận lợi để bà con tham gia giao thông, di chuyển, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Song, việc quá lạm dụng bê tông, xi măng trong xây dựng đã khiến nhiều làng quê mất đi những nét đặc trưng vốn có. Là cây đa, giếng nước, sân đình, là hàng cây xanh mát để mỗi người nhớ về sau mỗi lần xa quê. Thế nhưng, thay cho những cánh cổng gỗ tre là cổng sắt, thay cho những bờ rào bằng cây xanh là những bức tường gạch đá kiên cố. Thực tế cho thấy, kiến trúc nông thôn và người nông dân đang bị lãng quên. Những đề án phát triển nông thôn dường như chỉ tập trung vào những chỉ số phát triển kinh tế, hoặc theo kiểu “điện - đường - trường - trạm” mà bỏ quên cái lõi của nông thôn là cấu trúc làng, không gian làng.
Các bản quy hoạch chưa đi sâu vào yếu tố then chốt là văn hóa, để có điểm tựa cho phát triển. Không có quy hoạch, không có hướng dẫn, không có thiết chế, người dân ở nông thôn mạnh ai nấy làm. Những khoảng đất lưu không (có thể thuộc sở hữu của người dân hay công cộng) dần bị tận dụng để xây dựng công trình; ao hồ, kênh mương bị lấp… Quan sát nhiều thôn, xóm, dễ dàng nhận thấy, đã xuất hiện những “gương mặt phố trong làng” với những ngôi nhà thiết kế na ná nhau, với cửa cổng sắt kiên cố, với bờ xi măng kéo dài... Cùng với đó, cơ sở văn hóa tập trung của người dân ở các vùng quê cũng đã bị thay đổi nhiều, thiếu nét đặc trưng và khác biệt. Điều này đặt ra những thách thức với các cấp chính quyền trong việc phát triển kinh tế với bảo tồn giá trị văn hóa. Điều này không phải là chưa được nhận ra, nhưng cần có những giải pháp tổng thể và có chiều sâu hơn.
Ngày 17/8 vừa qua, tại Nghệ An, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì Hội nghị tổng kết chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ giai đoạn 2010 - 2020. Phó Thủ tướng đánh giá chương trình trên đã tác động tích cực đến cơ cấu sản xuất, lao động khu vực nông thôn, góp phần nâng cao đời sống nhân dân về vật chất, tinh thần và đẩy mạnh công tác giảm nghèo. Tuy nhiên, xây dựng NTM ở đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ mất cân xứng khi vẫn còn huyện chưa có xã đạt chuẩn NTM; vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn là thách thức lớn; người dân chưa khai thác hết tiềm năng đất đai để sản xuất; tình trạng "bê tông hoá" nông thôn, gắn kết cộng đồng lỏng lẻo...
Mục tiêu của xây dựng NTM là tạo dựng cơ sở khang trang, hiện đại, vừa hòa hợp với vẻ đẹp làng quê. Trong quá trình hội nhập và phát triển, chúng ta không thể đòi hỏi người dân phải dùng bếp củi thay vì bếp gas, phải đi trên những con đường đất thay vì những tuyến đường khang trạng, phải ra sân đình mỗi lần hội họp. Nhưng có một thực tế mà các nhà quy hoạch và các cấp chính quyền phải thừa nhận, có một sự “đứt gãy”, thiếu chiều sâu trong quá trình triển khai. Mục tiêu tổng quát của Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn” đó là xây dựng “xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc”. Người được hưởng lợi nhất sau quá trình xây dựng NTM, vẫn chính là người nông dân. Bởi thế, thay vì “cơn say” bê tông hóa hoàn toàn nông thôn, hãy để cho làng quê giữ lại những bản sắc thuộc về chính mình.
TUỆ TRANG