Kinh tế xã hội
Nỗi lo từ những hàng hóa 'siêu' rẻ
10:00, 10/08/2019 (GMT+7)
Lương thấp, việc làm bấp bênh, một bộ phận khá đông người thu nhập thấp tại các khu công nghiệp, khu dân cư nghèo, sinh viên… chấp nhận mua hàng giá rẻ, không rõ nguồn gốc để sử dụng. Bên cạnh đó, không ít người sính hàng hiệu cũng tậu cho mình nhiều loại hàng nhái, hàng giả bất chấp chất lượng và tác hại ra sao. Đó cũng là lý do vì sao hàng giả, hàng nhái được bày bán tràn lan trong các chợ đêm, trên hè phố… Những ngày đầu tháng 8-2019, chúng tôi đã tìm đến các chợ đêm và ghi nhận thực tế…
“Tiền nào của nấy”
Nhiều ngày liền, chúng tôi tìm đến chợ Hạnh Thông Tây trên đường Quang Trung, quận Gò Vấp (TP Hồ Chí Minh) khi màn đêm buông xuống. Tại nhiều sạp bán đồ ngủ, “thượng đế” chen chúc, lựa cho mình một bộ đồ giá rẻ. Hàng ở đây giá rẻ bất ngờ, chỉ từ 10 ngàn đến vài chục ngàn một chiếc nhưng kiểu dáng thì không thua gì hàng shop.
Chị Thanh, sinh viên Trường ĐH Công Nghiệp vừa lựa đồ, vừa chia sẻ: “Em hay ra đây để mua quần áo, đồ ở đây rất rẻ chỉ cần vài chục ngàn là đã có một món ưng ý. Sinh viên mà, đâu có nhiều tiền”. Gần đó chị Phương (công nhân) cũng đang cắm cúi lựa cho mình vài chiếc quần... Chỉ sau 10 phút, trên tay chị đã có khoảng chục chiếc quần đủ màu với giá chỉ có 10 ngàn/ 1 chiếc.
Rời khỏi gian hàng quần áo, khu vực bán mỹ phẩm thu hút khá nhiều bạn trẻ tìm đến. Cửa hàng trưng bày khá bắt mắt, một nửa diện tích dành để trưng bày sản phẩm đồng giá 10 ngàn đồng. Mặt hàng đa dạng như chì kẻ mày, phấn mắt, cọ trang điểm… đủ nhãn hiệu. Son môi có giá cao hơn một chút, nhưng so với thị trường bên ngoài thì giá nơi đây rẻ hơn rất nhiều. Không riêng quần áo, mỹ phẩm, những loại phụ kiện như mắt kính giá cũng rất “bèo”.
Mua bán tấp nập ở các chợ đêm giá rẻ. |
Đảo quanh nhiều gian hàng mắt kính, những thương hiệu nổi tiếng như Rayban, Gucci, Dior, Prada... đủ kiểu dáng được bày bán với giá vài chục ngàn đồng. Chọn cho mình chiếc mắt kính màu nâu hiệu Gucci, khi người bán báo giá 30 ngàn đồng/cái, hai cô gái ngạc nhiên đến lạ.
Cũng giống chợ Hạnh Thông Tây là chợ đêm Bắc Ninh nằm trên đường Nguyễn Bá Luật, phường Bình Thọ, quận Thủ Đức, được xem là thiên đường mua sắm của giới sinh viên, công nhân. Mỗi tối, chợ đón tiếp hàng ngàn lượt khách, toàn bộ tuyến đường trong thời gian họp chợ chỉ có người đi bộ.
Dọc 2 bên đường Nguyễn Bá Luật nhiều gian hàng nối tiếp nhau, hàng hoá đa số là hàng thời trang nữ, phụ kiện điện thoại. Hầu hết những mặt hàng quần áo, giày dép, túi xách này đều là hàng Trung Quốc, với giá từ vài chục ngàn đến hơn 100 ngàn đồng/cái. Balo nhãn hiệu Nice, Converce, túi xách Gucci… đồng giá 50 ngàn đồng được đổ đống trên tấm bạc. Theo người bán quảng cáo, đây là hàng công ty xả kho nhưng nhiều người mua khẳng định đều là hàng trôi nổi.
Chợ đêm Man Thiện ở phường Tăng Nhơn Phú A (quận 9) mở cửa tương đối sớm so với các chợ đêm khác, tầm 14h là bắt đầu. Khách của chợ chủ yếu là công nhân tại khu công nghệ cao, khi tan ca ghé vào chợ mua sắm.
Gian hàng san sát nhau, lối đi dành cho khách nhỏ hẹp khiến mọi người va nhau liên tục. Ở đây mặt hàng bán nhiều là quần áo, giày dép và một số ít gian hàng bán mỹ phẩm. Vì phục vụ chủ yếu cho giới công nhân, người có thu nhập thấp nên giá hàng hóa tại đây khá “mềm”… Tương tự là chợ Bình Chiểu, chợ Linh Trung (quận Thủ Đức) hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu của lượng lớn công nhân trên địa bàn. Mỗi ngày, cứ tầm 20-21h, chợ không còn chỗ bước…
Hàng “siêu” rẻ nên chất lượng cũng… “siêu” oải. Chị My, tạm trú ở quận Gò Vấp kể: “Một lần được người bạn mách về chợ giá rẻ Hạnh Thông Tây, thấy hàng rẻ mà đẹp quá nên chị mua khá nhiều. Về đem giặt mới tá hoả bộ đồ thun 35 ngàn rút lại như đồ em bé”. Chị Bảy Uyên, ngụ quận Thủ Đức, cũng một lần “dại” mua hàng giá rẻ 40 ngàn đồng cho một chiếc áo thun màu xanh tai thỏ xinh xắn. Mang về, chị quẳng luôn chiếc áo mới mua vào máy giặt.
Thế là, màu từ chiếc áo lan đều ra những loại đồ khác khiến phải than trời. Đau khổ hơn là xài mỹ phẩm dỏm, chị Linh ngụ quận Gò Vấp vẫn chưa hết bàng hoàng kể lại: “Tháng trước em mua hộp phấn Essance giá 40 ngàn ở chợ đêm về sử dụng. Đánh lên tầm 30 phút mặt em bắt đầu ngứa, sang ngày hôm sau thì mụn nổi chi chít cả khuôn mặt, vừa ngứa vừa khó chịu. Em phải tìm đến bệnh viện da liễu để điều trị”...
Tâm lý sính “ngoại”
Bên cạnh những người có thu nhập thấp, biết hàng nhái, hàng giả vẫn mua sử dụng còn có nhiều người vì sính hàng hiệu cho “bằng chị bằng em”.
Nắm bắt tâm lý đó, nhiều sản phẩm trôi nổi được gắn mác thương hiệu nổi tiếng ồ ạt tung ra thị trường. Tại cửa hàng hay siêu thị, quần lót Triumph rẻ nhất đã có giá 70 ngàn đồng, nhưng ở chợ Hạnh Thông Tây, 1 chiếc quần lót mang nhãn hiệu Triumph chỉ có 10 ngàn đồng. Tem của những chiếc quần nhãn hiệu Triumph này nếu đem so với tem chính hãng thì rất khó phát hiện bằng mắt thường. Có lẽ nhờ vậy mà chủ gian hàng tại chợ giá rẻ đã mạnh dạn giới thiệu “hàng xả kho của Triumph, lâu lâu mới có 1 đợt…”.
Nhưng ai thường đến chợ thì thấy các chủ tiệm xả kho liên tục ngày này qua tháng nọ. Bởi thực chất đây là hàng giả các thương hiệu nổi tiếng mà thôi.
Tương tự, chiếc quần jean mang nhãn hiệu Lacoste dành cho nam có giá 120 ngàn, balo túi xách được giới thiệu là hàng xưởng cũng được gắn mác nhãn hiệu nước ngoài như Adidas, Nike, Reebok… bán với giá từ 120 ngàn đến 220 ngàn 1 chiếc. Muốn sở hữu một thỏi son Bourjois Velvet chính hãng bạn sẽ phải bỏ ra hơn 200 ngàn đồng nhưng tại các chợ đêm giá chỉ 90 ngàn đồng. Khi chúng tôi hỏi đây có phải hàng chính hãng, chủ sạp tỏ ra khó chịu và… im lặng.
Người tiêu dùng Việt hẳn chưa quên sự cố về những chiếc áo ngực có nguồn gốc Trung Quốc có chứa dầu khoáng và hạt nhựa gây hoang mang dư luận vào năm 2012. Mặc dù cơ quan chuyên môn khẳng định hạt nhựa trong áo ngực không ảnh hưởng đến sức khỏe.
Nhưng vẫn cảnh báo trong dịch lỏng chứa dầu khoáng có chứa tạp chất nếu không kiểm soát sẽ có nguy cơ gây ung thư. Thế nhưng thị trường hàng nhái, hàng giả thì vẫn sôi động mặc dù cơ quan quản lý thị trường cũng thường xuyên kiểm tra, phát hiện. Đáng nói hơn, những loại hàng này không chỉ có trong chợ đêm bình dân mà còn tồn tại ngay các chợ lớn, trung tâm thương mại.
Mới đây, ngày 11 và 12-7, Cục QLTT TP Hồ Chí Minh kiểm tra một số điểm ở chợ Bến Thành và Trung tâm Thương mại Sài Gòn Square đã phát hiện 1.834 sản phẩm là túi xách, bóp, ví, dây nịt, đồng hồ, bút, giày dép, quần áo, nón có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Longchamp, Under Armour, Rolex, Bvlgari, Chopard, Patek Philippe, Hermes, Burberry, Chanel… số hàng hóa trên đều không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, không có đăng ký kinh doanh với tổng trị giá số hàng hóa vi phạm trị giá hơn 256 triệu đồng.
“Việc kiểm tra phát hiện và xử lý được làm thường xuyên nhưng thực trạng vẫn không thuyên giảm một phần xuất phát từ nhu cầu thực tế của người tiêu dùng. Do vậy việc chống hàng giả, hàng nhái không chỉ là trách nhiệm của cơ quan chức năng mà rất cần người tiêu dùng nói không với hàng nhái, hàng giả”, một lãnh đạo của Cục QLTT TP Hồ Chí Minh cho biết.
Nguồn: CAND