Kinh tế xã hội

Hà Tĩnh: 'Gánh nặng' từ cây cao su ở Hương Khê

08:46, 01/08/2019 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Từng được ca tụng với nhiều mỹ từ như cây xóa đói giảm nghèo,vàng trắng... nhưng sau hơn 20 năm, hàng  ngàn ha cao su được trồng trên đất Hương Khê (Hà Tĩnh) vẫn gần như chưa đem lại lợi ích kinh tế thực sự nào. Cùng với đó, hiệu quả về mặt an sinh xã hội không như kỳ vọng, thậm chí còn gây áp lực căng thẳng cho hàng ngàn hộ dân sống ven bìa rừng nơi huyện miền núi xa xôi này.

Cấp tập phá rừng để trồng cao su

Huyện miền núi Hương Khê được xem là thủ phủ của cây cao su, bởi đây là nơi duy nhất ở Hà Tĩnh có đến hai công ty hoạt động. Công ty Cao su Hà Tĩnh được thành lập từ năm 1997, tiền thân là lâm trường Truông Bát, có trụ sở đóng tại địa bàn xã Hà Linh, huyện Hương Khê. Đến năm 2010, Tập đoàn Cao su Việt Nam quyết định chuyển đổi Công ty Cao su Hà Tĩnh thành Công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh. Ngay sau khi thành lập, đặc biệt từ năm 2010, nhờ “bầu sữa” từ tập đoàn, Công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh đã cấp tập chuyển đổi hàng ngàn ha rừng trải dài từ huyện Kỳ Anh đến huyện Hương Sơn để trồng cao su.

Vườn cao su 9 - 10 năm tuổi bị bỏ hoang, không khai thác chăm sóc, cây dại mọc um tùm
Vườn cao su 9 - 10 năm tuổi bị bỏ hoang, không khai thác chăm sóc, cây dại mọc um tùm

Không chịu “thua chị kém em” năm 2010, Công ty Lâm nông Công nghiệp Hà Tĩnh cũng “nhảy” vào công cuộc “đại cải cách” để “hợp duyên” với loại cây “kinh tế mũi nhọn” này và cũng trở thành một thành viên của Tập đoàn Cao su Việt Nam. Vậy là hàng loạt cánh rừng thông mấy chục năm tuổi đang trong thời kỳ khai thác nhựa bị xếp vào diện kém hiệu quả, lập tức bị đốn hạ. Theo báo cáo của UBND huyện Hương Khê, hiện trên địa bàn có hơn 3000 ha cao su, trong đó có hơn 2.500 ha do 2 công ty là Công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh và Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê quản lý.

Tuy nhiên, thời kỳ “tuần trăng mật” nhanh chóng đi qua, việc giá mủ cao su xuống thấp một cách thảm hại cùng với điều kiện thời tiết khắc nghiệt của dải đất Miền trung khiến nhiều người phải “giật mình” nhìn lại tính hiệu quả của loại cây này. Liên tục  nhiều năm từ 2015 cho đến nay, lợi nhuận khai thác mủ cao su hầu như không có, trong đó năm 2016 công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh lỗ 6 tỷ đồng. Cùng với việc thua lỗ, nhiều công nhân do mức thu nhập quá thấp đã phải bỏ việc, còn suất đầu tư cho diện tích trong giai đoạn KTCB giảm từ 170 triệu/ha/năm xuống còn 70 triệu/ha/năm.

Cùng nằm trong hoàn cảnh khó khăn chung, Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê, tuy phần lớn diện tích cao su đang trong giai đoạn KTCB nhưng cũng phải tiết giảm đầu tư, sắp xếp lại lực lượng nhân công...  thậm chí, Công ty này còn lập văn bản gửi các cơ quan chức năng xin chuyển 840 ha đã trồng cao su nhưng kém hiệu quả sang trồng keo nguyên liệu. Trước đó, Công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh cũng đã “nhanh tay” trồng 500 ha keo trên diện tích được giao.

Nhiều hộ dân sống cạnh bìa rừng nhưng không có đất để canh tác
Nhiều hộ dân sống cạnh bìa rừng nhưng không có đất để canh tác

“Bài toán” thất bại về kinh tế - xã hội?

Qua việc xin chuyển đổi sang trồng keo này, nếu “nhạy cảm” một chút có thể thấy  chính những người “trong cuộc” cũng đã thừa nhận sự thất bại của cây cao su. Theo tính toán của một số chuyên gia kinh tế, với suất đầu tư trung bình 170 triệu/ha/năm đem nhân cho 7 năm đầu của thời kỳ KTCB thì đến chu kỳ khai thác, mỗi ha cao su đã tiêu tốn mất gần 1,2 tỷ đồng. Với sản lượng ở mức cao nhất 1 tấn/ha/năm và giá mủ 30 triệu/1 tấn như hiện nay thì phải mất đến hơn 40 năm mới thu hồi lại vốn ban đầu, đấy là chưa tính đến tiền lương nhân công hàng tháng, tiền phân bón chăm sóc...

Về nguyên nhân, ngoài việc giá quá thấp, theo một số nhà chuyên môn về ngành lâm nghiệp, chuyện cây “vàng trắng” không phát huy hiệu quả là điều có thể nhìn thấy từ rất lâu trước đó. Bởi do đặc điểm địa hình đồi dốc của vùng đất miền Trung, cộng với ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt đều là những “kẻ thù” của cây cao su. “Người Pháp đã có ý định đưa cây cao su trồng ở Miền trung, tuy nhiên sau khi tham vấn cơ quan chuyên môn của ngành khí tượng về các chỉ số nhiệt độ, gió bão, cuối cùng dự án đã không được triển khai”, một kỹ sư lâm nghiệp cho biết.

Trong khi “bài toán”  về cây cao su đang có nhiều ý kiến trái chiều thì thực tế cho thấy nhiều mô hình sản xuất nông lâm kết hợp của người dân tại huyện miền núi Hương Khê lại đang phát huy hiệu quả. Đơn cử như mô hình trang trại hơn 2ha trồng cây có múi kết hợp chăn nuôi lợn của ông Thái Công Danh, trú tại xóm 16, xã Hà Linh đang cho doanh thu 1 tỷ/năm, nếu trừ chi phí cũng lãi ròng 600 triệu/năm. Hay như trang trại rộng 2 ha của ông Nguyễn Đăng An, xóm 16, trồng 700 cây cam kết hợp nuôi gà cũng thu lãi ròng trên 300 triệu/năm...

“Lợi thế của địa bàn xã Hà Linh là phát triển kinh tế vườn đồi, nhưng phần lớn diện tích đất rừng đã được giao cho các công ty cao su, người dân không có tư liệu sản xuất nên đời sống còn nhiều khó khăn. Vừa qua, khi có thông tin các công ty cao su xin chuyển đổi đất trồng cao su sang trồng keo, chúng tôi cũng đã có ý kiến với UBND huyện Hương khê giao số diện tích đó về cho xã quản lý để giao lại cho dân”. Ông Lê Xuân Phú, Chủ tịch UBND xã Hà Linh, cho biết.

Ông Phú cũng cho biết thêm, trước đây nhờ một số dự án chăn nuôi bò thu mua nguyên liệu làm thức ăn nên xã tập trung chỉ đạo nhân dân tăng sản lượng, tăng vụ trồng các loại cây như ngô, đậu... để tăng thu nhập. Tuy nhiên, vài năm lại nay do cung vượt cầu, vì vậy việc thâm canh gặp khó khăn.

Chính vì sống gần rừng nhưng lại không có đất sản xuất đã khiến nhiều người dân bức xúc dẫn đến chuyện tranh chấp đất đai. Điển hình như vụ 55 hộ dân ở xã Hòa Hải, huyện Hương Khê bị tố lấn chiếm hơn 270 ha rừng thuộc Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê. Hay như vụ kiện ông Lê Hữu Chí, trú tại xóm 3, xã Hương Giang (Hương Khê), chiếm dụng đất lâm nghiệp trái phép (cũng thuộc công ty cao cu Hương Khê) đã dẫn đến một cuộc chiến pháp lý kéo dài khiến nhiều người cho rằng cả hai bên “đều thua”...

Hiệu quả kinh tế từ cây cao su, nếu xét về hiện tượng thì rõ ràng đây là một thất bại. Tuy nhiên, về bản chất, rất cần một sự  minh bạch của chính ngay những người trong cuộc và đặc biệt từ các cơ quan chuyên môn ở Hà Tĩnh. Từ đó có những đánh giá khách quan đúng đắn, thấu đáo cho chiến lược phát triển ổn định lâu dài nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân nơi huyện miền núi còn nhiều khó khăn này./. 

Đức Phú - Gia Bảo

Các tin khác