Chủ Nhật, 12/05/2019, 08:46 [GMT+7]

Tăng cường bảo vệ khoáng sản chưa khai thác

(Congannghean.vn)-Nghệ An là tỉnh có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, đa dạng. Kết quả điều tra địa chất, thăm dò khoáng sản cho thấy, các loại khoáng sản có giá trị kinh tế và tiềm năng như: Quặng thiếc, vàng, chì - kẽm, mangan, sắt; đá hoa trắng, barit, than bùn, than đá, phosphorit; sét gốm, kaolin, felspat, dolomit, bột màu; corindon, rubi, saphir, granat, thạch anh, nước khoáng; đá vôi, sét xi măng, bazan phụ gia xi măng, sắt phụ gia xi măng, cát silic, đá xây dựng, đá ốp lát, cát sỏi xây dựng, laterit, sét gạch ngói, đất san lấp, phân bố rộng khắp trên toàn tỉnh.

Tình trạng khai thác khoáng sản ồ ạt làm cho nguồn tài nguyên ngày càng cạn kiệt
Tình trạng khai thác khoáng sản ồ ạt làm cho nguồn tài nguyên ngày càng cạn kiệt

Thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực khoáng sản đã được các cấp, ngành quan tâm triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, kịp thời và hiệu quả, tạo nhiều chuyển biến tích cực. Hoạt động khoáng sản đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế chung, đáp ứng nguyên vật liệu phục vụ các dự án công trình trọng điểm, hạ tầng kỹ thuật, xây dựng nông thôn mới, phục vụ dân sinh, góp phần tăng ngân sách của tỉnh, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo ở vùng nông thôn, miền núi.

Công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác đã được các cơ quan chức năng, cơ quan bảo vệ pháp luật quan tâm thực hiện, nên tình trạng khai thác khoáng sản trái phép cơ bản đã được xử lý và từng bước được kiểm soát chặt chẽ. Tuy nhiên, hoạt động khai thác khoáng sản trái phép đối với một số loại khoáng sản (đất san lấp, cát sỏi xây dựng lòng sông...) ở một số khu vực vẫn tiềm ẩn nguy cơ tái phát.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, khoáng sản chưa khai thác cần được bảo vệ bao gồm: Khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia; khu vực đã và đang thực hiện điều tra, đánh giá khoáng sản; khu vực đã thực hiện đóng cửa mỏ; khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ đã được công bố; khu vực được cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản; khu vực cấm và tạm thời cấm hoạt động khoáng sản; khu vực thuộc quy hoạch khoáng sản của địa phương và Trung ương; các khu vực có tiềm năng, triển vọng về khoáng sản.

Để siết chặt hoạt động khai thác các loại tài nguyên khoáng sản nói trên, thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến tận người dân và các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện nghiêm các quy định pháp luật liên quan đến bảo vệ khoáng sản chưa khai thác. Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý quy hoạch khoáng sản và công khai bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; đồng thời, tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm các hoạt động khoáng sản trái phép. Tiếp tục nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các sở, ngành với UBND cấp huyện và UBND cấp xã. Đặc biệt là tổ chức ký quy chế quản lý khoáng sản các khu vực giáp ranh tỉnh (Nghệ An - Hà Tỉnh, Nghệ An - Thanh Hóa), giáp ranh giữa các huyện, giáp ranh giữa các xã.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần sớm được tháo gỡ, giải quyết. Trong đó, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản chủ yếu tập trung vào đối tượng là cán bộ quản lý, các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khoáng sản, chưa tổ chức tuyên truyền sâu rộng, thường xuyên, liên tục đến mọi người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng có khoáng sản.

Công tác kiểm tra, xử lý hoạt động khoáng sản trái phép đã được tăng cường nhưng việc xử lý sau kiểm tra chưa triệt để. Sự phối hợp giữa các sở, ngành liên quan với UBND các huyện, thành phố, thị xã và UBND các xã, phường, thị trấn  trong công tác kiểm tra, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác vẫn còn hạn chế. Một số cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương (cấp huyện, xã) chưa thật sự quan tâm tới công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa cấp phép, còn có hiện tượng né tránh trong việc xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.

Bên cạnh đó, một số tổ chức, cá nhân vì lợi nhuận đã bất chấp pháp luật hoặc lợi dụng các kẽ hở của pháp luật để tiến hành khai thác khoáng sản trái phép. Nhiều người dân vùng sâu, vùng xa thường sống bằng nghề đào đãi khoáng sản; ở một số vùng sông nước dân cư sống bằng nghề khai thác cát qua nhiều thế hệ, lấy khai thác cát, sỏi làm nghề sinh sống hàng ngày. Vì vậy, để xử lý dứt điểm tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, đòi hỏi phải có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh.

.

Ngọc Anh

.