(Congannghean.vn)-Công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe người lao động (NLĐ), đảm bảo cho hoạt động sản xuất, thúc đẩy sự phát triển kinh tế của doanh nghiệp. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn chưa được chủ doanh nghiệp và NLĐ quan tâm.
Việc tổ chức diễn tập để ứng phó với các sự cố trong hoạt động sản xuất, kinh doanh phải thường xuyên được coi trọng. (Trong ảnh: Công nhân Công ty Xăng dầu Nghệ An diễn tập ứng cứu sự cố tràn dầu tại cảng nhập dầu, Kho xăng dầu Nghi Hương - bãi biển Cửa Lò) |
Vẫn còn lơ là, chủ quan
Trên địa bàn tỉnh hiện có trên 13.000 doanh nghiệp với khoảng trên 290.000 lao động, hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Để đảm bảo hoạt động, thúc đẩy sản xuất phát triển, ngoài việc chú trọng đổi mới chiến lược kinh doanh, nâng cấp máy móc, thiết bị… thì yếu tố đảm bảo ATVSLĐ - phòng, chống cháy, nổ (PCCN) luôn đóng vai trò quan trọng, quyết định thành công của mỗi đơn vị, doanh nghiệp.
Thời gian qua, các đơn vị, doanh nghiệp đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác ATVSLĐ thông qua việc đầu tư trang thiết bị, thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn lao động tại nơi làm việc. Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác ATVSLĐ nên còn để xảy ra tai nạn lao động.
Năm 2018, toàn tỉnh xảy ra ra 26 vụ tai nạn lao động làm 31 người bị nạn; trong đó có 7 người chết, 24 người bị thương, làm thiệt hại về vật chất hơn 1 tỉ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do người sử dụng lao động và NLĐ chủ quan, coi nhẹ công tác ATVSLĐ, chưa thực hiện đúng các quy định và biện pháp làm việc an toàn...
Như vụ tai nạn lao động xảy ra vào ngày 26/6, tại thôn Xuân Sơn, xã Hạ Sơn, huyện Quỳ Hợp làm 4 người chết và 3 người bị thương. Theo đó, vào hồi 17 giờ ngày 26/6, 7 người ở xã Hạ Sơn được một đơn vị viễn thông thuê thi công dựng cột viễn thông cho đường dây cáp đi qua thôn Xuân Sơn, xã Hạ Sơn tại điểm giữa 2 cột điện số 13 và 14 nhánh rẽ đường dây 372E15-3 vào một doanh nghiệp ở địa phương. Trong quá trình thi công, không may cột bê tông va vào đường dây điện 35 kV. Cú va đập mạnh khiến đường dây bị đứt và rơi xuống đất phóng điện trúng nhóm người đang thi công, gây tai nạn làm 4 người chết.
Đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho biết, các con số trên chưa phản ánh đúng về an toàn lao động trên địa bàn tỉnh. Nguyên do là nhiều đơn vị, doanh nghiệp chưa quan tâm báo cáo về ATVSLĐ - PCCN. Mặt khác, số vụ tai nạn không gây chết người trong lĩnh vực sản xuất nông - lâm nghiệp vẫn chưa được thống kê... Nếu công tác thông tin báo cáo thực hiện nghiêm, thì số vụ tai nạn lao động có thể sẽ nhiều hơn con số nêu trên.
Nguyên nhân chính của các vụ tai nạn lao động chủ yếu do NLĐ và người sử dụng lao động chưa thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật lao động, còn vi phạm các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình và biện pháp làm việc an toàn. Trong khi nhiều đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh còn xem nhẹ các yếu tố ảnh hưởng đến điều kiện, môi trường làm việc, đặc biệt là doanh nghiệp ngoài quốc doanh.
Bên cạnh đó, công tác kiểm tra và tự kiểm tra ở doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa thực hiện thường xuyên để loại trừ những yếu tố nguy hiểm, độc hại có nguy cơ gây tai nạn lao động. Có những cơ sở sản xuất chưa đảm bảo đủ điều kiện làm việc, gây ảnh hưởng đến sức khỏe NLĐ, nhất là ở các làng nghề, trong sản xuất nông nghiệp. Chưa kể đến thiết bị, công nghệ lạc hậu không đảm bảo ATVSLĐ. Và một nguyên nhân không hề nhỏ để xảy ra các vụ tai nạn lao động là do nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, các doanh nghiệp, làng nghề về công tác ATVSLĐ còn nhiều hạn chế. Ngoài ra, chế tài của Nhà nước về xử phạt các vi phạm trong lĩnh vực này chưa đủ mạnh, chủ yếu là nhắc nhở và yêu cầu doanh nghiệp tự khắc phục...
Nâng cao ý thức đảm bảo an toàn lao động
Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của công tác an toàn lao động, thời gian qua, Sở LĐ-TB&XH đã tổ chức tập huấn triển khai Luật ATVSLĐ và các văn bản hướng dẫn cho hơn 300 cán bộ phụ trách lĩnh vực ATVSLĐ cấp huyện. Phối hợp với Trung tâm huấn luyện an toàn lao động (Cục An toàn lao động) tổ chức 3 lớp huấn luyện xây dựng hệ thống quản lý ATVSLĐ cho 152 người sử dụng lao động, người làm công tác ATVSLĐ trong 62 doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Sở còn chú trọng đổi mới phương pháp tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Trong tháng ATVSLĐ năm 2018 (tháng 5) với chủ đề: “Chủ động phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc để hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp”, Sở đã cung cấp các tài liệu, ấn phẩm tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, vai trò của công tác ATVSLĐ; treo băng rôn tuyên truyền trên các tuyến phố, khu, cụm công nghiệp và trung tâm thành phố. Đồng thời, tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành về ATVSLĐ tại các doanh nghiệp có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Mới đây, Sở LĐ-TB&XH tổ chức 114 lớp tập huấn, huấn luyện ATVSLĐ - PCCN cho 7.082 người sử dụng lao động, NLĐ trong các doanh nghiệp, làng nghề, hợp tác xã trên địa bàn toàn tỉnh; phối hợp với Trung tâm huấn luyện an toàn lao động, Trung tâm Kiểm định kỹ thuật an toàn khu vực 2 (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức 10 lớp tập huấn công tác ATVSLĐ cho 510 người sử dụng lao động, người làm công tác ATVSLĐ, NLĐ làm công việc nặng nhọc độc hại trong 113 doanh nghiệp, 56 hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.
Ông Đặng Cao Thắng , Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh cho biết, việc nâng cao ý thức của mỗi người dân, người lao động về công tác ATVSLĐ - PCCN là điều đầu tiên để hạn chế mức thấp nhất tai nạn lao động và cháy, nổ xảy ra. Bởi chỉ có việc chấp hành tốt và luôn chú ý đến công tác này mới có thể chủ động các biện pháp đảm bảo ATVSLĐ - PCCN đạt được hiệu quả cao nhất…
Để hướng tới môi trường làm việc an toàn và giảm tai nạn lao động, các đơn vị sử dụng lao động cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền; rà soát xây dựng nội quy, quy định về ATVSLĐ; tổ chức huấn luyện cho NLĐ; trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân và cải thiện đều kiện làm việc cho NLĐ. Bên cạnh đó, NLĐ cần chấp hành nghiêm túc nội quy ATVSLĐ tại doanh nghiệp.
Đối với cơ quan có liên quan đến công tác ATVSLĐ cũng cần tăng cường tuyên truyền, tập huấn chính sách; xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện quy định về ATVSLĐ một cách kịp thời, đầy đủ; bổ sung các chế tài với hành vi vi phạm mới nhằm đảm bảo tính tuân thủ của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp; tăng cường biên chế cho hoạt động thanh tra, xử lý vi phạm ATVSLĐ…
Công tác phòng chống cháy, nổ đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo ATVSLĐ cho người lao động (Trong ảnh: Cán bộ, công nhân huyện Tương Dương tập huấn về công tác phòng chống cháy, nổ) |
Hưởng ứng thực hiện Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2019, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành, các địa phương, đơn vị doanh nghiệp trong tỉnh thực hiện công tác đảm bảo an toàn lao động với chủ đề “Tăng cường đánh giá, quản lý các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc” nhằm hướng về doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, NLĐ trong khu vực có quan hệ lao động và không có quan hệ lao động đảm bảo thiết thực và hiệu quả.
Cùng với đó là phát động các cuộc thi tìm hiểu về Luật ATVSLĐ, tổ chức hội nghị đối thoại với doanh nghiệp và NLĐ về thực hiện công tác ATVSLĐ trong các cơ sở sản xuất kinh doanh, đơn vị, hợp tác xã; phát động phong trào thi đua cam kết đảm bảo ATVSLĐ và tổ chức cho các phân xưởng, tổ, đội sản xuất đăng ký đơn vị ATVSLĐ, không để xảy ra tai nạn lao động, sự cố sản xuất, cháy, nổ...
Với những giải pháp, hành động thiết thực cùng sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị mà nòng cốt là các đơn vị, doanh nghiệp đang sử dụng lao động và đông đảo NLĐ thì công tác ATVSLĐ ngày càng hiệu quả, giảm thiểu nguy cơ mất an toàn lao động, hạn chế tối đa các vụ tai nạn lao động xảy ra, góp phần đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững của mỗi đơn vị, doanh nghiệp nói riêng và cộng đồng xã hội nói chung, tạo tiền đề vững chắc thúc đẩy kinh tế - xã hội ngày càng phát triển.
Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, trong giai đoạn 2015 - 2018, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 544 người chết do tai nạn lao động (bao gồm NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động và NLĐ tự do đi làm việc trên cả nước và lao động đi làm việc ở nước ngoài). |