(Congannghean.vn)-Xây dựng TP Vinh trở thành “thủ phủ” khu vực Bắc Trung Bộ là trăn trở của lãnh đạo tỉnh, đồng thời, cũng là mục tiêu mà người dân mong muốn. Điều này hoàn toàn tương xứng với tiềm năng của địa phương trong quy hoạch chung. Tuy nhiên, khát vọng đó còn nhiều thử thách và khó khăn.
Quy hoạch chung của TP Vinh phải đảm bảo sự hài hòa giữa phát triển và thành phố xanh - sạch - văn minh |
Sau hơn 10 năm thực hiện Quyết định số 239/2005/QĐ-TTg ngày 30/9/2005 của Thủ tướng Chính phủ, TP Vinh đã có được một diện mạo, vai trò, vị thế mới đối với tỉnh Nghệ An và vùng Bắc Trung Bộ. Năm 2018, 21/22 chỉ tiêu kinh tế - xã hội của thành phố đạt và vượt kế hoạch đề ra. Kinh tế tăng trưởng khá, dự ước đạt 9,12%/KH 9-10%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 15.965 tỉ đồng, đạt 100,1% KH. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 84,6 triệu đồng/người/năm. Tổng thu ngân sách thành phố quản lý ước đạt 2.330 tỉ đồng, đạt 111% dự toán tỉnh giao. Huy động nguồn lực xây dựng hạ tầng kỹ thuật đạt 69,442 tỉ đồng/55-60 tỉ so với kế hoạch; Tỉ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,41%/0,52%. Thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về phát triển Nghệ An đến năm 2020, đến nay, TP Vinh đã hình thành yếu tố trung tâm vùng Bắc Trung Bộ với 5 lĩnh vực rõ nét: Khoa học công nghệ; giáo dục - đào tạo; y tế; công nghệ thông tin - truyền thông; du lịch.
Tuy vậy, kết quả phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong những năm qua vẫn chưa đạt được như mong muốn của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà, một số lĩnh vực như giáo dục - đào tạo, y tế, tài chính - tín dụng - ngân hàng, thương mại, công nghệ thông tin,... đang từng bước hình thành yếu tố trung tâm vùng nhưng chưa rõ nét, phạm vi, mức độ ảnh hưởng, tác động lan tỏa của Vinh đối với vùng còn hạn chế, chưa tương xứng với vai trò, vị thế mà Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị và Quyết định số 2468 của Thủ tướng Chính phủ đặt ra cho thành phố. Tính thiếu nổi trội trong tỉ lệ tăng trưởng kinh tế, mức sinh lợi đầu tư, thu nhập người dân và người lao động là điều đang tồn tại mà TP Vinh cần tập trung khắc phục.
Việc chủ động thu hút các nhà đầu tư, nhất là các doanh nghiệp chiến lược là nhiệm vụ mà Vinh còn phải tiếp tục khai phá. TP Vinh hiện có trên 5.700 doanh nghiệp và 22.000 hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động. Làm thế nào để “chuyển hóa sức mạnh” của các doanh nghiệp vào sự phát triển chung của thành phố. Với tâm niệm đồng hành cùng doanh nghiệp, UBND TP Vinh đã tổ chức Hội nghị gặp mặt các doanh nghiệp đang đồng hành cùng sự phát triển của thành phố. Đây được xem là hội nghị xúc tiến đầu tư quy mô lớn lần đầu được thành phố tổ chức. Ngay trong Hội nghị, UBND thành phố đã công bố danh mục 20 dự án trọng điểm đã được lập quy hoạch cần tìm kiếm nhà đầu tư. Cũng tại hội nghị, UBND TP Vinh đã đưa ra hàng loạt các chính sách để hỗ trợ nhà đầu tư khi tiến hành đầu tư các dự án này với mục tiêu, tạo sức bật cho TP Vinh trong phát triển KT-XH.
Một hướng đi mà nhiều nhà nghiên cứu đang nhấn mạnh, đó là kết nối về phía Đông, khai thác toàn bộ kinh tế biển (cảng biển, du lịch, dịch vụ...) làm tăng thế mạnh và tính cạnh tranh của TP Vinh so với nhiều đô thị khác của Việt Nam. Hiện, Đại lộ Vinh - Cửa Lò đang được tập trung đẩy nhanh tiến độ. Tổng thể phát triển kinh tế xã hội của thành phố gắn với quy hoạch phát triển vùng Nam Nghệ - Bắc Hà. Vì thế, thành phố sẽ phải trở thành đô thị ven biển của Việt Nam, là nơi giao thương kinh tế và phát triển kết cấu hạ tầng với Khu kinh tế Đông Nam. Từ đó, tạo thành cực tăng trưởng và mũi nhọn tăng trưởng của tỉnh, tạo thành kết nối đô thị Vinh - Cửa Lò - Cửa Hội - sông Lam với quy hoạch và xây dựng cụm cảng biển quốc tế Cửa Lò.
Hiện nay, bài toán “quá tải” vì quy hoạch thiếu đồng bộ đang xảy ra ở nhiều thành phố. Làm thế nào vừa phát triển lại đảm bảo sự đồng nhất, tôn trọng tổng thể dài hạn là nhiệm vụ không đơn giản. Vì thế, trong quy hoạch chung, UBND tỉnh đã chỉ thị không cho xây dựng thêm các nhà cao tầng để tránh hiện tượng quá tải cho thành phố, ưu tiên mở rộng trục Vinh - Cửa Lò và đường ven sông Lam tạo ra không gian phát triển thành phố thoáng đãng hơn, vừa hiện đại vừa hài hòa.
Ngoài việc xây dựng thành trung tâm thì tỉnh cũng sẽ quan tâm đầu tư xây dựng các đô thị vệ tinh quanh TP Vinh như Diễn Châu, Nghi Lộc, TX Cửa Lò, Nam Đàn, Hưng Nguyên, đồng thời tăng cường liên kết vùng giữa TP Vinh với Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Các công trình như đường 72 m nối ngã ba Quán Bàu (nay là ngã 5 Quán Bàu) lên Hưng Nguyên và sẽ nối với Cửa Lò là trục hành lang Đông Tây lớn nhất của thành phố không chỉ tạo ra hạ tầng khang trang, giao thông thuận tiện đi lại từ Nam Đàn, Hưng Nguyên xuống Vinh, Cửa Lò, mà còn tạo ra một quỹ đất rộng lớn hai bên đường là cơ hội đầu tư mới trong tương lai cho các doanh nghiệp.
Cũng vì nhu cầu phát triển về mọi mặt, việc TP Vinh trở thành trung tâm của vùng về nguồn nhân lực là yêu cầu bức thiết. Trong quy hoạch TP Vinh đến tầm nhìn 2030, mục tiêu đặt ra đó là phải cải tạo, nâng cấp các mạng lưới công trình đào tạo hiện có như Đại học Vinh, Đại học Y khoa Vinh, Đại học Sư phạm kỹ thuật Vinh, Đại học Kinh tế Nghệ An,… và mạng lưới các trường học phổ thông các cấp tại các khu vực đô thị và nông thôn đạt quy chuẩn hiện hành. Phát triển chuỗi cơ sở giáo dục - đào tạo mới: Khu đô thị đại học mới tại TX Cửa Lò, các trường cao đẳng dạy nghề và trường đại học quốc tế, xây dựng một số trường học phổ thông quốc tế ở các khu vực đô thị mới và trong khu trung tâm nghiên cứu tại xã Hưng Hòa. Điều này vừa góp phần đào tạo nguồn nhân lực cao, vừa đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương.
Nghị quyết đã rõ, mục tiêu đã đặt ra, quan trọng là con đường đi mà TP Vinh cần tập trung thực hiện. Việc giải “bài toán” đưa TP Vinh thành “thủ phủ” khu vực Bắc Trung Bộ là trách nhiệm của lãnh đạo địa phương trong việc tìm những cách làm sáng tạo, thiết thực, phù hợp với quy luật phát triển chung của tỉnh nhà. Từ đó, phát huy giá trị tinh thần, yếu tố lịch sử mà chỉ thành Vinh mới có.