Kinh tế xã hội

Thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở để hạn chế 'điểm nóng'

10:03, 30/03/2019 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Thời gian qua, việc đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) cơ sở không chỉ tạo sự đồng thuận rộng rãi trong nhân dân, hạn chế “điểm nóng” mà còn tạo nên sức mạnh trong thực hiện nhiệm vụ chính trị và các phong trào thi đua yêu nước ở mỗi cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở góp phần hạn chế “điểm nóng”, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh
Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở góp phần hạn chế “điểm nóng”, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh

Năm 2018, việc đẩy mạnh thực hiện QCDC đã có tác động tích cực trong việc góp phần thực hiện thành công các nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Trong năm, 90 điểm sáng về QCDC ở cơ sở đã được xây dựng; tại 21/21 huyện, thành, thị, 25 cơ quan, 15 doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức tập huấn nghiệp vụ QCDC và kiểm tra việc thực hiện QCDC.

Một trong những kết quả nổi bật là việc mở rộng hoạt động đối thoại trực tiếp giữa chính quyền cơ sở với người dân đã trở thành diễn đàn quan trọng phát huy QCDC ở cơ sở cũng như quyền làm chủ của nhân dân. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền cơ sở đã tổ chức thực hiện có hiệu quả những việc phải công khai để dân biết, dân bàn, quyết định và giám sát.

Trách nhiệm của UBND cấp xã, Chủ tịch UBND cấp xã, trưởng thôn, tổ trưởng dân phố về thực hiện QCDC ở cơ sở ngày càng thể hiện rõ nét, nhất là trong huy động sức dân, công khai các khoản đóng góp của dân. Toàn tỉnh có 480/480 xã, phường, thị trấn có Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng (trong đó 64% Ban giám sát đầu tư cộng đồng hoạt động hiệu quả). 100% cơ quan cấp tỉnh đều thành lập Ban thực hiện QCDC ở cơ sở, Ban thanh tra nhân dân; 100% cơ quan, đơn vị đã bổ sung, xây dựng quy chế công khai tài chính, quy chế chi tiêu nội bộ, quy định quản lý và sử dụng tài sản công, quy chế tuyển dụng, đề bạt, khen thưởng, kỷ luật cán bộ để thực hiện.

Cũng trong năm qua, việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở đã được cấp ủy, lãnh đạo, chủ các doanh nghiệp chú trọng thực hiện gắn với thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh. Đến nay, tỉ lệ công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH), công ty cổ phần có tổ chức Công đoàn đã xây dựng và ký kết thỏa ước lao động tập thể đạt 68%. Việc thực hiện và duy trì các cuộc đối thoại, hội nghị người lao động cũng đã được các doanh nghiệp Nhà nước và một số doanh nghiệp TNHH, tư nhân quan tâm; qua đó, củng cố mối quan hệ hài hòa giữa chủ sử dụng lao động và người lao động.

Bên cạnh những kết quả tích cực nói trên, thực tế vẫn còn một số vấn đề đáng bàn như việc thực hiện QCDC cơ sở trong khối cơ quan, doanh nghiệp còn hạn chế, có nơi còn mang tính hình thức. Đơn cử như tình trạng chưa công khai đầy đủ các quy trình, thủ tục giải quyết các vấn đề liên quan đến công dân và doanh nghiệp như các khoản thu, các loại phí, quỹ, các chế độ chính sách mà người dân được hưởng; quản lý sử dụng đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng…

Để việc thực hiện QCDC ở cơ sở tiếp tục đóng góp tích cực vào việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH trong thời gian tới, yêu cầu đặt ra là nâng cao hiệu quả công tác đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân. Ngoài ra, việc sửa đổi quy chế điều hành trong các cơ quan, đơn vị cần gắn với việc tổ chức Hội nghị dân chủ, lấy ý kiến cán bộ công chức, viên chức trước khi ban hành…

Để tiếp tục phát huy dân chủ, đẩy mạnh các phong trào thi đua, thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, các sở, ban, ngành cấp tỉnh, huyện, thành, thị tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chống tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ; gắn thực hiện QCDC ở cơ sở với phát triển KT-XH, nâng cao đời sống nhân dân, giữ vững quốc phòng - an ninh, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, công tác dân vận chính quyền; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện tốt việc giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể. Các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị tập trung giải quyết kịp thời các nhu cầu, mong muốn chính đáng của nhân dân, người lao động; gắn với tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát, nắm bắt kịp thời bức xúc nổi cộm, từ đó tham mưu cho cấp ủy, chính quyền giải quyết; hạn chế những bức xúc, “điểm nóng” có thể xảy ra do thực hiện không tốt QCDC cơ sở.

Thùy Dương

Các tin khác