Kinh tế xã hội

Xăng dầu giảm giá 5 lần, cước vận tải vẫn 'án binh bất động'

14:39, 26/12/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN
Dù xăng dầu trong nước liên tục giảm giá 5 lần, nhưng cước vận tải vẫn “án binh bất động”. Nhiều doanh nghiệp viện đủ lý do chưa giảm giá cước.

Sau 5 lần giá xăng dầu liên tiếp giảm kể từ cuối tháng 6 đến nay, giá xăng giảm khoảng 4.000 đồng/lít, về dưới mức 17.000 đồng/lít. Cụ thể, giá bán mới của xăng E5RON92 sẽ còn tối đa 16.787 đồng/lít, xăng RON95-III xuống còn 18.141 đồng/lít. Dầu diesel 0.05S giảm còn 16.001 đồng/lít trong khi dầu hỏa giảm 249 đồng/lít xuống còn tối đa 15.003 đồng/lít bán lẻ.

xang dau giam gia 5 lan cuoc van tai van an binh bat dong hinh 1
Dù xăng dầu trong nước liên tục giảm giá 5 lần, nhưng cước vận tải vẫn “án binh bất động”. Nhiều doanh nghiệp viện đủ lý do chưa giảm giá cước...

 Mặc dù xăng dầu liên tục giảm giá, nhưng cước vận tải, cước taxi vẫn “án binh bất động”, chưa đơn vị nào có ý định giảm giá cước vận tải, kể cả vận tải hành khách lẫn hàng hóa.

Điệp khúc “xăng dầu giảm nhỏ giọt, khó điều chỉnh”

Khi được hỏi, sao lúc xăng tăng giá, cước taxi cũng tăng theo rất nhanh, khi xăng dầu 5 lần giảm, cước taxi vẫn “án binh bất động”, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội (Phó Tổng giám đốc Cty CP Mai Linh Đông Đô) cho rằng, với taxi truyền thống tại Thủ đô giá cước đã giữ từ tháng 2/2016 tới nay. Trong thời gian qua, giá xăng có thời điểm lên hơn 21.000 đồng, giá cước taxi vẫn giữ, nay giá xăng giảm xuống dưới 17.000 đồng, các hãng đang tiếp tục theo dõi.

Theo ông Hùng, hiện các hãng taxi truyền thống gặp không ít rào cản nếu muốn điều chỉnh giá, như phải dừng khai thác xe để điều chỉnh đồng hồ tính cước; chi phí điều chỉnh đồng hồ 110.000 đồng/xe, in lại biển thông báo giá cước hết 30.000 đồng/xe…Trong khi các đơn vị kinh doanh vận tải qua phần mềm điều chỉnh giá theo giờ, thì taxi truyền thống muốn điều chỉnh vướng quá nhiều thủ tục. Do đó, vị này đề xuất, để cước taxi linh hoạt, cần các quy định thông thoáng hơn, chi phí tiết kiệm hơn.

xang dau giam gia 5 lan cuoc van tai van an binh bat dong hinh 2
Đại diện các hãng taxi luôn với điệp khúc “xăng dầu giảm nhỏ giọt, khó điều chỉnh” để không điều chỉnh cước phí.

 “Giá xăng tăng hoặc giảm 10-15% giá cước taxi mới điều chỉnh. Tuy nhiên, giá xăng dầu giờ điều chỉnh mỗi lần 15 ngày, trong khi quy định cước taxi lại phức tạp, nên doanh nghiệp cũng khó đáp ứng kịp nhịp điều chỉnh giá xăng”, ông Hùng cho hay.

Còn ông Lê Văn Tiến - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa Hải Phòng cho rằng, trước đó, xăng tăng giá 6 lần, nhưng các đơn vị gần như không tăng giá cước.

“Sở dĩ, giá cước hàng hóa không thể giảm do nhiều chi phí đầu vào khác như giá nhân công, bến bãi, vỏ lốp…chiếm khoảng 60% giá cước chưa được điều chỉnh trong ngắn hạn. Việc giảm giá cước có thể thực hiện dựa trên sự thỏa thuận giữa doanh nghiệp với khách hàng”, ông Lê Văn Tiến cho biết.

Với vận tải hành khách tuyến cố định, Chủ nhiệm Hợp tác xã dịch vụ vận tải Thăng Long (Hà Nội), ông Bùi Danh Liên cho biết, trong 2 năm qua, giá xăng dầu tăng nhiều nhưng các doanh nghiệp vận tải chưa dám điều chỉnh. Hơn nữa, xe vận tải tuyến cố định hiện còn đang phải cạnh tranh khốc liệt với xe dù, bến cóc phát triển nhiều, nên cạnh tranh giữa xe vào bến và ngoài bến rất căng thẳng.

Những xe vào bến lượng khách ngày càng giảm, nên giá xăng dầu tăng các đơn vị cũng không dám điều chỉnh vì mất khách, như tuyến Hà Nội - Vinh vẫn giữ 180.000 đồng/vé từ 3-4 năm qua. Thực tế, hợp tác xã này đã có 30% số xe dừng hoạt động, hoặc chuyển ra chạy vào các bến cóc để kéo khách”, ông Liên nói.

Phải vận hành theo cơ chế thị trường, có tăng, có giảm

Chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, câu chuyện giá xăng tăng mọi thứ tăng theo, nhưng giá xăng xuống thì mọi thứ không giảm đã thành “bài ca muôn thuở”. Tâm lý chung của doanh nghiệp là đã tăng, không ai muốn giảm. Do đó, kinh tế thị trường nhưng nếu không có điều tiết của nhà nước sẽ không kiểm soát được giá cả, đặc biệt giá dịch vụ vận tải, vì liên quan tới lưu thông hàng hóa cho nền kinh tế. Để kiểm soát giá cả hàng hóa dịch vụ, cần sự vào cuộc của cả Bộ Tài chính, Công Thương và Giao thông Vận tải (Bộ GTVT).
xang dau giam gia 5 lan cuoc van tai van an binh bat dong hinh 3
Đã vào mùa cao điểm vận tải Tết, các cơ quan chức năng nên sớm vào cuộc, giảm giá cước vận tải để tránh chi phí cao dịp Tết.

Với dịch vụ vận tải (vận tải cả hành khách và hàng hóa), theo ông Thủy, Bộ GTVT phải có cơ chế, chế tài giám sát, xử lý các trường hợp sai phạm.

“Khi giá xăng tăng giá dịch vụ tăng, nhưng khi giá xăng giảm giá dịch vụ không giảm, điều đó chứng tỏ sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước chưa tốt. Phải đảm bảo công bằng với người tiêu dùng, không lộn xộn, cạnh tranh công bằng, đó là trách nhiệm cơ quan quản lý”, ông Thủy nói.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, cơ quan điều hành giá, quản lý nhà nước (các Bộ: Tài chính, Công Thương, Giao thông Vận tải) phải xem xét, yêu cầu các hiệp hội, DN vận tải điều chỉnh giảm giá cước.

“Phải xem xét, tính toán với việc giảm giá xăng sâu như vậy thì giá cước vận tải phải điều chỉnh giảm bao nhiêu cho hợp lý. Nếu DN, hiệp hội vận tải không đồng ý đề nghị họ phải giải trình thuyết phục. Còn các cơ quan quản lý không vào cuộc thể hiện sự thiếu trách nhiệm, buông lỏng”, vị chuyên gia này nói.

Kêu gọi các doanh nghiệp vận tải thay đổi giá cước

Không chỉ lo ngại trước cơ chế xăng tăng giá ầm ầm, nhưng giảm lại nhỏ giọt, cả doanh nghiệp vận tải và Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đều than gặp khó nếu giá xăng biến động theo chu kỳ 10 - 15 ngày/lần.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, nếu giá xăng biến động nhiều, cứ 15 ngày thay đổi một lần, người tiêu dùng sẽ rất hoan nghênh còn các doanh nghiệp taxi sẽ chịu ảnh hưởng lớn, coi như mất đứt một ngày không kinh doanh, chưa kể phải tốn nhiều tiền thuê kiểm định phá kẹp chì đồng hồ.

Ông Quyền lấy ví dụ, taxi phải cài đặt lại đồng hồ tính tiền; vận tải khách phải in lại vé và phát hành lại. Trong vận tải hàng hóa do hợp đồng với chủ hàng đã được ký trước theo thời gian dài, khi điều chỉnh giá cước phải đàm phán với chủ hàng.

“Với xăng dầu, tăng và giảm giá  nên có mức độ thích hợp, không nên tăng vài nghìn đồng nhưng chỉ giảm vài trăm đồng. Doanh nghiệp vận tải mong muốn ổn định chu kỳ tăng giảm giá xăng dầu. Doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này cũng phải theo cơ chế thị trường, khi giá nhập khẩu tăng phải tăng và ngược lại. Chúng tôi đang nghiên cứu cách hướng dẫn các doanh nghiệp vận tải thay đổi giá cước sao cho phù hợp với các biến động từ giá xăng dầu trong thời gian tới”, ông Nguyễn Văn Quyền nói./.

Nguồn: vov.vn

Các tin khác