(Congannghean.vn)-Giai đoạn 2016 - 2018, các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi đã được tỉnh chú trọng thực hiện. Đặc biệt, nhiều dự án trọng điểm đã góp phần nâng cao năng lực sản xuất, giải quyết việc làm cũng như tạo ra nhiều khởi sắc mới trong đời sống tinh thần của người dân.
Chính sách hỗ trợ lương thực cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi tự nguyện nhận trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng phát huy hiệu quả thiết thực |
Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và các chính sách hỗ trợ, KT-XH vùng DTTS và miền núi có bước tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt khoảng 8,26%, thu nhập bình quân đầu người năm 2017 đạt khoảng 24 triệu đồng, bằng 75% thu nhập bình quân đầu người toàn tỉnh. Thu ngân sách tăng bình quân 28,8%/năm, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng khá, với mức bình quân khoảng 11%/năm. Góp phần quan trọng vào kết quả trên là nhờ việc đẩy mạnh các giải pháp đầu tư cơ sở hạ tầng, qua đó, tạo thuận lợi về giao thương để phục vụ quá trình phát triển KT-XH trên địa bàn.
Từ năm 2016 đến tháng 11/2018, thông qua Chương trình 30a, vùng DTTS và miền núi của tỉnh đã hoàn thiện 28 công trình hạ tầng, duy tu bảo dưỡng 15 công trình. Qua Chương trình 135, tỉnh cũng đưa vào sử dụng hiệu quả 2.203 công trình; trong đó, phần lớn là công trình giao thông, công trình thủy lợi và nước sạch, trường lớp học, công trình nhà văn hóa và nhà sinh hoạt cộng đồng.
Trên lĩnh vực nông nghiệp, dấu ấn nổi bật là việc hình thành các vùng sản xuất cây nguyên liệu, chăn nuôi tập trung, quy mô lớn gắn với phát triển công nghiệp chế biến. Cùng với đó, các tiềm năng, thế mạnh về công nghiệp như thủy điện, khoáng sản, chế biến nông, lâm sản cũng được khai thác hợp lý, hiệu quả; tạo nền tảng thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu và nâng cao hiệu quả kinh tế. Với nhiều nỗ lực trong thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản, thủy điện, sản xuất vật liệu xây dựng..., bộ mặt khu vực vùng DTTS và miền núi ngày càng trở nên năng động hơn với guồng quay hiệu quả của nhiều dự án lớn.
Liên quan đến công tác giảm nghèo, trong thời gian qua, việc triển khai thực hiện Chương trình 30a đã tạo điều kiện để người dân tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần tạo việc làm, nâng cao dân trí và chất lượng nguồn lao động. Các địa phương đặc biệt chú trọng đến việc hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng nhiều mô hình, dự án chăn nuôi, dự án trồng các đặc sản bản địa như mận tam hoa, chanh leo, bưởi da xanh, bưởi diễn... Cùng với đó, việc hỗ trợ giao khoán chăm sóc, bảo vệ rừng, giao đất, giao rừng; tăng cường hỗ trợ cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ DTTS đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài cũng tạo ra nhiều chuyển biến tích cực.
Không thể phủ nhận những kết quả giảm nghèo mà các địa phương đã đạt được, song trên thực tế, tỉ lệ hộ nghèo của tỉnh còn cao hơn mức bình quân cả nước; đời sống của người dân vùng DTTS và miền núi vẫn còn nhiều khó khăn. Do vậy, bên cạnh việc tiếp tục hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng các mô hình giảm nghèo, đối với nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp từ Chương trình 135, cần ưu tiên thực hiện xây dựng các công trình thiết yếu phục vụ cho số đông người dân được hưởng lợi như: Giao thông nông thôn, thủy lợi, nhà sinh hoạt cộng đồng, công trình y tế, văn hóa, trường học; duy tu, bảo dưỡng các công trình cơ sở hạ tầng.
Nhằm đảm bảo các chính sách hỗ trợ đến người dân nhanh nhất và hiệu quả nhất, các địa phương cần thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách, chương trình, dự án vùng DTTS và miền núi theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”.
Theo đó, cần chú trọng việc phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị, xã hội trong công tác giám sát, phản biện xã hội cũng như vận động nhân dân thi đua lao động sản xuất, thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH, quốc phòng - an ninh, xóa đói, giảm nghèo và xây dựng đời sống văn hóa.
Đồng hành với người dân vùng DTTS và miền núi trên chặng đường giảm nghèo, các cơ quan, đơn vị cũng cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả các hoạt động nhận giúp đỡ 108 xã nghèo miền Tây theo phân công của UBND tỉnh; vận động ủng hộ “Quỹ vì người nghèo”, “Tết vì người nghèo”... Qua đó, góp phần tăng thêm nguồn lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững của tỉnh.