Nhằm cung cấp những thông tin cơ bản về dự toán ngân sách Nhà nước (NSNN) đến người dân, Bộ Tài chính đã công bố “Báo cáo ngân sách dành cho công dân về Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019 trình Quốc hội”.
Ảnh minh họa |
Trong báo cáo ngân sách dành cho công dân, Bộ Tài chính cũng thông tin về kế hoạch tài chính – NSNN 3 năm quốc gia 2019 - 2021. Cụ thể: Tỷ lệ động viên NSNN bình quân khoảng 23% GDP; huy động từ thuế, phí đạt khoảng 20% GDP; Tỷ trọng thu nội địa đạt 84%, tỷ trọng thu ngân sách trung ương 56-57% tổng thu NSNN; Tỷ trọng chi đầu tư phát triển đạt trên 26% tổng chi NSNN; tỷ trọng chi thường xuyên giảm dần, đến năm 2021 còn khoảng 63,4% tổng chi NSNN; Bội chi NSNN giảm dần, năm 2019 là 3,6% GDP, năm 2020 là 3,4% GDP, năm 2021 khoảng 3,4-3,5% GDP; Các chỉ tiêu nợ công trong giới hạn quy định và có bước cải thiện tích cực, cuối năm 2021 dự kiến dư nợ công là 60,6% GDP…
Để hoàn thành kế hoạch tài chính – ngân sách 3 năm 2019-2021, Bộ Tài chính cũng đưa ra giải pháp thực hiện cụ thể. Theo đó, hoàn thiện thể chế, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, tăng cường ổn định vĩ mô. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống chính sách thu, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận tiện, bình đẳng, minh bạch, cạnh tranh, hấp dẫn, đồng thời thu đúng, đủ, kịp thời các nguồn thu của NSNN.
Đồng thời, đẩy mạnh đổi mới quản lý chi NSNN đồng bộ với đổi mới phương thức quản lý tài chính các lĩnh vực; phân định rõ vai trò, phương thức quản lý tài chính các lĩnh vực; phân định rõ vai trò, chức năng của Nhà nước và thị trường; tăng cường cơ chế đấu thầu, đặt hàng, khoán kinh phí theo nhiệm vụ; tăng cường quản lý ngân sách trung hạn gắn với quản lý nợ công, chi đầu tư công trung hạn; kiên quyết kiểm soát bội chi ngân sách và nợ công trong giới hạn cho phép.
Đặc biệt sẽ tích cực siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách trên cơ sở hoàn thiện thể chế, đặc biệt là trong quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, tài sản công, đầu tư xây dựng cơ bản; củng cố hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; quản lý chặt chẽ ngân sách nhà nước từ khâu dự toán đến điều hành, quyết toán; thực hiện nghiêm yêu cầu tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tham nhũng;...
Đây là năm thứ 5 liên tiếp Bộ Tài chính xuất bản Báo cáo ngân sách dành cho công dân kể từ năm ngân sách 2015. Báo cáo cung cấp cho người dân những thông tin, số liệu cơ bản nhất về các căn cứ vĩ mô cơ bản xây dựng dự toán, mục tiêu, nhiệm vụ ngân sách nhà nước năm 2019, cũng như dự toán thu chi ngân sách, cân đối ngân sách, cơ cấu các khoản nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia. Ngoài ra, báo cáo còn cung cấp thêm các thông tin về kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2019-2021 và giải pháp triển khai thực hiện.
Việc công khai Báo cáo ngân sách nhà nước dành cho công dân hàng năm cũng được coi là một trong những hình thức quan trọng góp phần thúc đẩy công khai, minh bạch ngân sách ở Việt Nam.
Ông Võ Thành Hưng - Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính khẳng định: “Quy định của Luật Ngân sách nhà nước không yêu cầu phải xây dựng báo cáo này, tuy nhiên với nỗ lực của Bộ Tài chính trong việc công khai minh bạch ngân sách theo chuẩn mực quốc tế thì Bộ Tài chính đã chủ động thực hiện Báo cáo ngân sách nhà nước dành cho công dân từ năm ngân sách 2015”.
“Chúng tôi đã thực hiện việc công bố này được 5 năm và sẽ tiếp tục thực hiện trong thời gian tới, đồng thời khuyến khích các địa phương triển khai thực hiện công bố báo cáo ngân sách dành cho công dân. Đây là thông lệ tốt để người dân tại các địa phương có thể thông qua đó nắm được thông tin cơ bản về ngân sách của từng địa phương, và cũng có thể đóng góp tiếng nói thông qua Hội đồng nhân dân khi quyết định ngân sách địa phương mình”, ông Võ Thành Hưng cho biết.
Báo cáo ngân sách nhà nước dành cho công dân hiện được Bộ Tài chính đăng tải công khai tại Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính, phát hành ấn phẩm và công bố rộng rãi thông qua các phương tiện thông tin đại chúng./.
.