Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đang diễn ra, Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia. Dự thảo luật này do Bộ Y tế chủ trì soạn thảo và thời gian vừa qua đã thu hút được quan tâm rất lớn của xã hội. Bên cạnh những ý kiến đồng tình thì không ít doanh nghiệp, chuyên gia cho rằng nhiều điều trong dự luật trên cần được xem xét lại.
Bấm Play để xem Video (Độc giả cần mở loa để nghe lời bình)
Dự thảo quy định những địa điểm không được bán rượu bia bao gồm: Cơ sở y tế; cơ sở giáo dục; nơi làm việc cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; trường giáo dưỡng, trại giam, trại tạm giam; trên mạng internet, máy bán hàng tự động. Trong đó, theo các chuyên gia, quy định cấm bán rượu bia trên mạng internet này đã có những điểm không đồng nhất với Luật thương mại nên cần xem xét cụ thể.
Theo luật sư Nguyễn Thanh Hà cách tiếp cận của ban soạn thảo đưa ra các biện pháp hạn chế sản xuất và buôn bán rượu bia là không hợp lý, không giải quyết triệt để vấn đề mà còn gây ra thiệt hại về quảng cáo, méo mó về thị trường.
Trong 3 - 5 năm trở lại đây, tỷ lệ sử dụng rượu, bia ở nam giới của Việt Nam đứng thứ 10 châu Á và thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á. Rượu, bia là nguyên nhân gián tiếp của 200 bệnh tật cũng như nhiều vi phạm pháp luật. Với tác hại như vậy thì việc có Luật phòng chống tác hại của rượu bia hết sức cần thiết.
Thực tế việc cấm bán rượu trên mạng Internet đã được Chính phủ ban hành Nghị định 105 vào năm 2017. Thế nhưng, hiệu quả áp dụng vào thực tế đến nay gần như vẫn là con số không. Vì thế sẽ là khả thi hơn nếu Luật phòng chống tác hại của rượu bia tập trung thắt chặt quản lý hoạt động sản xuất và tiêu thụ đồ uống có cồn kém chất lượng thông qua các chế tài, hình thức xử phạt nghiêm khắc.
.