Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201811/buoc-chuyen-qua-5-nam-thuc-hien-tai-co-cau-nganh-nong-nghiep-825552/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201811/buoc-chuyen-qua-5-nam-thuc-hien-tai-co-cau-nganh-nong-nghiep-825552/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Bước chuyển qua 5 năm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Bảy, 24/11/2018, 16:38 [GMT+7]

Bước chuyển qua 5 năm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp

(Congannghean.vn)-5 năm qua, chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp được triển khai đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực; trong đó xác định rõ hơn định hướng phát triển gắn với thị trường tiêu thụ, từng bước đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất tiên tiến, hiệu quả, theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

 Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng tăng tỉ trọng ngành chăn nuôi là hướng đi mang lại hiệu quả cao
Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng tăng tỉ trọng ngành chăn nuôi là hướng đi mang lại hiệu quả cao

Thực hiện tái cơ cấu (TCC) ngành nông nghiệp, Nghệ An đối mặt với nhiều khó khăn về điều kiện tự nhiên như địa hình, khí hậu; cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn còn nhiều hạn chế, nguồn lực đầu tư chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có; hình thức tổ chức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún… Tuy nhiên, qua 5 năm thực hiện Đề án “Cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Nghệ An theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2013 - 2020”, sự chung tay gắng sức của các cấp, ngành, địa phương đã mang lại nhiều kết quả khả quan. Cơ cấu kinh tế nội ngành chuyển dịch tích cực, theo hướng giảm dần tỉ trọng trồng trọt, tăng dần tỉ trọng chăn nuôi và dịch vụ. Thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn tăng 1,42 lần, tỉ lệ hộ nghèo năm 2017 là 7,54%, giảm 12,24% so với năm 2013...

Về chăn nuôi, tính đến hết năm 2017, giá trị sản xuất tăng 28,21% so với năm 2013, đáp ứng cơ bản nhu cầu các loại thực phẩm cho tiêu dùng trong tỉnh và bước đầu phục vụ xuất khẩu. Theo đó, công tác đẩy mạnh, nhân rộng các quy trình chăn nuôi tiên tiến, ứng dụng công nghệ cao, kết hợp với quản lý nâng cao chất lượng giống được đặc biệt chú trọng. Nhằm phát triển theo hướng bền vững, TCC được thực hiện dưới hình thức chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi công nghiệp, trang trại, gia trại ứng dựng công nghệ cao (toàn tỉnh hiện có hơn 320 trang trại chăn nuôi, trong đó có 226 trang trại được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại).

Trên lĩnh vực trồng trọt, đã thực hiện chuyển đổi 8.949 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác cho giá trị kinh tế cao hơn, cơ cấu thay đổi theo hướng giảm diện tích lúa lai, tập trung sản xuất lúa chất lượng, có giá trị cao và dễ tiêu thụ. Năm 2017, giá trị sản xuất lĩnh vực trồng trọt tăng 26,46% so với năm 2013; thu nhập bình quân/ha đất trồng trọt năm 2017 đạt khoảng 80 triệu đồng, tăng 15,42 triệu đồng so với năm 2013. Nhiều cây trồng đã đem lại thu nhập cho các hộ nông dân trên 1 tỉ đồng/ha/năm như: Cam, quýt, chanh leo…

Để đạt được kết quả trên, các địa phương đã chú trọng đẩy mạnh liên kết sản xuất, đặc biệt là các sản phẩm có lợi thế của tỉnh (lúa, ngô, lạc, chè, mía...) theo chuỗi giá trị, trong đó doanh nghiệp là trung tâm. Cùng với đó, tích cực ứng dụng tiến bộ KH-CN, các quy trình sản xuất tiên tiến, ứng dụng cơ giới hoá và các loại giống có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Đến nay, đã hình thành và phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô trên 9.500 ha.

Góp phần quan trọng làm nên nhiều chuyển biến lớn trong thực hiện TCC ngành nông nghiệp phải kể đến những kết quả trong công tác thu hút đầu tư, kêu gọi doanh nghiệp tham gia theo hình thức tổ chức sản xuất khép kín, liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giảm thiểu chi phí, tăng giá trị thu nhập. Giai đoạn 2013 - 2018, tỉnh Nghệ An đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho hơn 40 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Thông qua đó, nhiều dự án có quy mô lớn, công nghệ cao đã được triển khai thực hiện.

Trên cơ sở xác định lộ trình TCC ngành nông nghiệp và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới phải có mối quan hệ chặt chẽ, bổ trợ cho nhau, những bước chuyển quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn mà tỉnh đạt được không chỉ góp phần thúc đẩy sự phát triển KT-XH mà còn đảm bảo an sinh xã hội bền vững. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn ngày càng được cải thiện, nhiều miền quê đã trở thành vùng đất đáng sống. Đó cũng là minh chứng rõ nét nhất cho hiệu quả mà chủ trương TCC ngành nông nghiệp của tỉnh đạt được trong 5 năm qua.

.

Thùy Dương

.