Sáng nay, 26-10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế xã hội.
Cảm nhận về một Chính phủ gần dân, thương dân, trọng dân
Chia sẻ ấn tượng khi 12 chỉ tiêu kinh tế xã hội năm 2018 đều đạt và vượt, ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An nhắc lại những bề bộn khó khăn của kinh tế Việt Nam ở thời điểm đầu nhiệm kỳ với nợ công tăng cao, dư địa tài khoá tiền tệ trong nước hạn hẹp, biến đổi thiên tai khí hậu thường xuyên, tâm trạng xã hội bất an…
Theo đại biểu, khi đó ông cùng nhiều ĐBQH hết sức lo lắng, không biết Chính phủ có nhanh chóng vượt qua được những thách thức đó không. “Bây giờ đứng trên thành công nhìn lại, chúng tôi quả thực khâm phục với những bước phát triển ngoạn mục của nửa đầu nhiệm kỳ vừa qua”, ông nói.
ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu. Ảnh: quochoi.vn |
Đại biểu liệt kê hàng loạt những thành tựu, như bình quân GDP tăng trưởng từ 5,91% giai đoạn 2011-2015 thì đến nay là 6,57%; quy mô nền kinh tế tăng gấp 1,3 lần so với 2015, dự trữ ngoại tệ đạt kỷ lục 60 tỷ USD; nợ công giảm hai con số từ 73,7% năm 2016 xuống còn hơn 61,4% năm 2018…
Theo Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, cử tri vui mừng trước thành tựu phát triển của đất nước, đồng thời trân trọng biết ơn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ dù bận rộn nhiều công việc nhưng đã đến có mặt kịp thời với bà con khi thiên tai bão lũ, kịp thời thăm hỏi động viên, đối thoại với cử tri khi gặp khó khăn. “Cảm nhận về một Chính phủ gần dân, thương dân, trọng dân đang có sức lan toả trong lòng cử tri cả nước” – ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu khẳng định.
Tuy nhiên bên cạnh đó đại biểu cho rằng vẫn còn những băn khoăn, thất thoát lãng phí trong đầu tư công, như các dự án thua lỗ nghìn tỷ của Bộ Công Thương; và hiện giờ là một số dự án hạ tầng do Bộ Giao thông vận tải (GTVT) quản lý.
Cao tốc 3.400 tỷ vừa thông xe, sau vài trận mưa đã hỏng
Ông dẫn chứng, dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hơn 34.000 tỷ đồng “vừa nghiệm thu, thông xe chỉ sau vài trận mưa đã hỏng”; dự án đường sắt Hà Đông - Cát Linh đội vốn hơn 18.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào 2013 nhưng đã quá 6 năm vẫn chưa kết thúc.
Còn dự án đường sắt đô thị tuyến Bến Thành - Suối Tiên (TP.Hồ Chí Minh) cũng đội vốn hơn 47.325 tỷ, tăng 272%, và hiện mới hoàn thành 52% khối lượng công việc. Theo Kiểm toán Nhà nước, Bộ Giao thông vận tải có 27/42 dự án điều chỉnh tăng thêm vốn, tương đương 97,2 triệu USD…
ĐBQH Phạm Xuân Thăng. Ảnh: quochoi.vn |
“Cứ tình trạng điều chỉnh vốn như vậy, thời gian kéo dài, thất thoát lãng phí là nhiều vô kể. Cử tri đòi hỏi Chính phủ, Quốc hội xử lý nghiêm những sai phạm này, nếu không tới đây Nhà nước giao Bộ GTVT quản lý, xây dựng dự án sân bay Long Thành, đường cao tốc Bắc Nam và nhiều công trình giao thông quan trọng của đất nước với tổng mức đầu tư rất lớn thì thất thoát là điều khó tránh khỏi”, đại biểu lo ngại.
Trong khi đó, ĐBQH Phạm Xuân Thăng (Hải Dương) nhận xét, vừa qua Chính phủ triển khai Nghị quyết về tinh giản biên chế của Quốc hội khá quyết liệt, Thủ tướng cũng ban hành nhiều quyết định liên quan. Việc giảm số lượng cấp phó, giảm đầu mối bên trong các đơn vị, giảm biên chế người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước... tạo ra chuyển biến tích cực. Tính chung thời gian qua đã tinh giản được trên 16.000 biên chế, trong đó có hơn 12.000 biên chế công chức…
Song ông cũng nêu ra một số hạn chế: Việc tinh giản biên chế khó đạt mục tiêu giảm tối tiểu 10% từ nay đến năm 2021. Số đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ cả về tài chính và chi thường xuyên mới chiếm 0,2%.
Tổ chức bộ máy bên trong của một số bộ, cơ quan bộ thuộc chính phủ và cơ quan chuyên môn thuộc UBND còn nhiều đầu mối, nhiều tầng nấc, chưa tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Việc xã hội hóa, giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập còn hạn chế, việc sắp xếp tổ chức bộ máy chưa thật sự quyết liệt...
Chưa tinh giản được đối tượng đạo đức, trình độ yếu kém
Cũng đánh giá việc tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy thời gian qua đạt nhiều kết quả nhưng ĐBQH Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) nhận định việc này diễn ra còn chậm, bộ máy nhà nước còn cồng kềnh, chưa tinh giản được những đối tượng có đạo đức công vụ, trình độ năng lực yếu kém, ngân sách nhà nước chi cho lương vẫn chiếm tỷ lệ lớn.
Ông Hạ cho rằng, tinh gọn bộ máy không thể làm trong ngày một ngày hai vì là lĩnh vực vừa phức tạp, vừa nhạy cảm. “Nhưng đã đến lúc phải nhận thức rõ tiền thuế của nhân dân không thể chịu nổi khi hàng năm chi thường xuyên chiếm hơn 60% ngân sách nhà nước”, đại biểu Hạ nói, băn khoăn như vậy còn đâu cho chi đầu tư phát triển?
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: quochoi.vn |
ĐBQH Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) nêu nguyên nhân, do chưa có hướng dẫn cụ thể cũng như thiếu cơ sở pháp lý đầy đủ nên việc tổ chức thực hiện và triển khai trong thực tế thời gian qua ở các bộ, ngành, địa phương chưa đồng bộ, thiếu thống nhất và nhiều nơi còn lúng túng.
“Mỗi nơi làm một cách khác nhau, trong khi chúng ta chưa tổ chức thí điểm mô hình tổng kết đánh giá để nhân lên diện rộng. Nhiều băn khoăn, vướng mắc chưa được tháo gỡ, việc giảm đầu mối và tinh giản bộ máy còn nặng tính cơ học…” - đại biểu đề nghị Chính phủ sự chỉ đạo đồng bộ để thực hiện thống nhất trên toàn quốc.