Mua thuốc như mua mớ rau, con cá – Việt Nam được đánh giá là quốc gia có hệ thống quản lý bán lẻ thuốc vào loại lỏng lẻo nhất trên thế giới!
Theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ kháng kháng sinh cao nhất thế giới, thậm chí đã phải sử dụng đến kháng sinh thế hệ 3, thế hệ 4. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là do những bất cập từ hệ thống bán lẻ thuốc. Việc mua bán thuốc tự do, không kiểm soát đã và đang gây nhiều hệ lụy khôn lường đến sức khỏe người sử dụng cũng như làm “rối ren” thị trường thuốc.
88% khu vực đô thị bán thuốc kháng sinh không cần đơn, còn tại khu vực nông thôn là 91% – con số thống kê này chắc chắn sẽ là thông tin sốc ở rất nhiều quốc gia, vậy nhưng ở Việt Nam, đây lại là thực trạng rất đỗi bình thường. Từ những bệnh thông thường với những loại thuốc thông thường, cho đến những bệnh cần đến những loại thuốc kháng sinh vào loại đặc trị, người dân đều dễ dàng tìm mua ở các hiệu thuốc mà không cần đến đơn của bác sỹ.
Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ kháng kháng sinh cao nhất thế giới, có nguyên nhân từ việc mua thuốc không cần hóa đơn. |
Mua thuốc như mua mớ rau, con cá – thực tế này đã và đang tồn tại ở Việt Nam, quốc gia được đánh giá là có hệ thống quản lý bán lẻ thuốc vào loại lỏng lẻo nhất trên thế giới! Cũng chính vì sự lỏng lẻo này đã dẫn đến rất nhiều những hệ lụy khôn lường. Người dân mua thuốc đắt nhưng không sử dụng, không điều trị được bệnh do thuốc không phù hợp với bệnh, dẫn đến “tiền mất tật mang”. Hệ thống phân phối thuốc qua quá nhiều khâu trung gian, gây khó khăn trong việc truy xuất nguồn gốc và kiểm soát chất lượng thuốc. Chưa kể thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc giả, thuốc kém chất lượng có điều kiện “tung hoành” trên thị trường.
Theo thống kê, thị trường dược phẩm Việt Nam hiện có khoảng 22.000 loại thuốc đang được lưu hành với nhiều tên gọi khác nhau, vậy nhưng giá cả ra sao, chất lượng thế nào, gần như các cơ quan chức năng “bó tay” trong việc quản lý bởi không có công cụ nào để biết rõ được đường đi, xuất xứ, hạn sử dụng, công dụng của thuốc. Hệ thống bán lẻ thuốc bị thả nổi - kết cục, người sử dụng lãnh đủ!
Cũng do việc quản lý lỏng lẻo, các cửa hàng thuốc mọc lên nhan nhản khắp nơi. Vì lợi nhuận, họ bất chấp, “xé rào”, bán thuốc theo yêu cầu người mua, bỏ qua quy định phải bán theo đơn – với những trường hợp sử dụng kháng sinh, thuốc đặc trị. Sự thờ ơ của người bán, cộng với sự tùy tiện của người mua đã dẫn đến một trong những hiểm họa đặc biệt nghiêm trọng với sức khỏe người dân, đó là tình trạng kháng thuốc kháng sinh.
Thống kê của Bệnh viện Nhi Trung ương cho thấy, có tới 30% bệnh nhi nhập viện có vi khuẩn kháng thuốc. Thậm chí đã xuất hiện những trường hợp bệnh nhi nhiễm siêu vi khuẩn đa kháng, kháng tất cả các loại kháng sinh nuôi cấy. Nguyên nhân không gì khác chính là tình trạng tự do trong mua bán, sử dụng thuốc.
Rõ ràng, hệ thống cung ứng, bán lẻ thuốc của ta đang tồn tại nhiều vấn đề bất cập. Giải pháp căn cơ nhất để chấn chỉnh thực trạng này chính là xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm để răn đe. Vậy nhưng đây lại là việc “khó nhằn” với các cơ quan chức năng khi chế tài xử phạt mỗi lần chỉ từ 200 - 500 nghìn đồng, cộng thêm quy định gián tiếp “tạo điều kiện” cho các cửa hàng bán lẻ thuốc từ Bộ Y tế: không thanh kiểm tra quá 1 lần trong 1 năm cùng một nội dung, trước khi xuống kiểm tra phải báo cáo. Vậy là, tình trạng vi phạm vẫn diễn ra “như cơm bữa”, còn việc thanh kiểm tra, chỉ như “cưỡi ngựa xem hoa”!
Việt Nam là một trong số ít nước trên thế giới còn tồn tại việc mua thuốc không cần đơn. Trong khi thuốc - vốn là con dao hai lưỡi, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân. Yêu cầu ngành y tế cần triển khai ngay việc kết nối hệ thống công nghệ thông tin quản lý toàn bộ các nhà thuốc trên cả nước của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong hội nghị trực tuyến về triển khai ứng dụng công nghệ thông tin kết nối các cơ sở cung ứng thuốc do Bộ Y tế tổ chức vừa qua, thiết nghĩ chính là giải pháp để ngành y sớm ổn định lại “trật tự” của hệ thống bán lẻ thuốc, dần dần loại bỏ tình trạng mua thuốc không cần đơn, loại bỏ mọi hành vi gian lận trong việc sản xuất và kinh doanh thuốc, đưa hệ thống bán lẻ thuốc đi vào đúng “quỹ đạo”.
.