(Congannghean.vn)-Mặc dù các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, song chủ đầu tư kéo dài hàng chục năm không triển khai xây dựng, gây lãng phí quỹ đất, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường đầu tư của tỉnh. Đến nay, theo ngành thuế Nghệ An cho biết, riêng trên địa bàn TP Vinh có 13 dự án nợ tiền sử dụng đất (SDĐ), với số tiền 247.109.863.723 đồng; trong đó có 6 dự án nợ tiền SDĐ lớn, dây dưa kéo dài nhiều năm.
Dự án BMC tại phường Quán Bàu, TP Vinh bỏ hoang nhiều năm, hiện đang nợ hơn 40 tỉ đồng tiền sử dụng đất |
Cụ thể, Dự án khu nhà ở liền kề và văn phòng làm việc của Công ty CP Xây dựng số 16 Vinaconex đang nợ 30 tỉ đồng. Dự án BMC Vinh Plaza ở phường Quán Bàu, TP Vinh của Công ty TNHH MTV Vật liệu xây dựng và xây lắp thương mại BMC nợ 41 tỉ đồng. Dự án khu đô thị Sơn Hà tại xã Nghi Liên, TP Vinh của Công ty CP xây dựng Sơn Hà nợ hơn 37 tỉ đồng. Dự án khu nhà ở chung cư và văn phòng làm việc tại phường Hưng Bình, TP Vinh do Công ty CP Đầu tư sản xuất thương mại Thành Vinh nợ gần 10 tỉ đồng, hạn nộp tiền SDĐ của Công ty này là ngày 26/7/2016, tuy nhiên đến nay vẫn chưa nộp và cũng không liên hệ được với đơn vị này. Dự án xây dựng khu dân cư tại xã Nghi Liên cũng đang nợ gần 12 tỉ đồng, theo thông báo nộp thuế, đến ngày 10/8/2016 phải nộp xong nhưng đến nay vẫn chưa nộp. Dự án xây dựng nhà ở xã hội tại phường Hà Huy Tập của Công ty CP Xây dựng 9.1 nợ hơn 4,3 tỉ đồng, tiền chậm nộp 805.542.048 đồng.
Được biết, cả 6 dự án nói trên, khi liên hệ đều không nhận được phản hồi của chủ đầu tư và khi cơ quan chức năng gửi công văn về việc thanh toán nợ tiền SDĐ cũng không nhận được câu trả lời. Ngoài ra, còn có 7 dự án khác nợ hàng chục tỉ đồng tiền SDĐ.
Theo Chi cục Thuế TP Vinh cho biết, rất khó thực hiện biện pháp cưỡng chế bằng biện pháp kê biên tài sản, bán đấu giá để thu đủ tiền SDĐ và tiền chậm nộp do các dự án này đều có số tiền SDĐ nợ lớn; doanh nghiệp nợ tiền SDĐ không có tài sản hoặc tài sản đã thế chấp cho ngân hàng. Chi cục Thuế đã áp dụng một số biện pháp cưỡng chế, nhưng đến nay vẫn chưa thu được tiền SDĐ và tiền chậm nộp.
Trước tình hình trên, Cục Thuế Nghệ An đã kiến nghị UBND tỉnh xem xét chấm dứt hoạt động dự án, thu hồi đất đối với các dự án nợ tiền SDĐ dây dưa kéo dài, như: Dự án Khu đô thị Sơn Hà tại xã Nghi Liên, TP Vinh, do Công ty CP xây dựng Sơn Hà làm chủ đầu tư; Dự án xây dựng khu dân cư tại xã Nghi Liên do Công ty TNHH Tiến Thanh làm chủ đầu tư; Dự án BMC Vinh Plaza tại phường Quán Bàu do Công ty TNHH MTV Vật liệu xây dựng và Xây lắp thương mại BMC làm chủ đầu tư. Đây là đơn vị “đi đầu” trong việc chây ì nộp tiền thuế khi tính đến ngày 30/4/2018 đang nợ 41.468.520.141 đồng tiền thuế, tiền chậm nộp đối với dự án nêu trên. Trong đó, tiền SDĐ: 28.041.923.736 đồng; tiền chậm nộp: 13.282.537.631 đồng; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp: 144.058.774 đồng.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An, từ năm 2014 - 2017, UBND tỉnh đã thành lập 4 đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành 357 lượt kiểm tra đối với 310 dự án (trong đó có 168 dự án đã được giao đất, cho thuê đất và 142 dự án chưa được giao đất, cho thuê đất). Kết quả, có 84 dự án đã bị thu hồi, hủy bỏ (trong đó có 19 dự án đã được giao đất, cho thuê đất và 65 dự án chưa được giao đất, cho thuê đất).
Trong những năm qua, Nghệ An liên tục kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp có năng lực vào thực hiện các dự án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thương mại…, giải quyết công ăn việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Bên cạnh các doanh nghiệp đã và đang triển khai các dự án đầu tư, góp phần thay đổi diện mạo của Nghệ An, giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm nghìn lao động, tăng nguồn thu ngân sách cho tỉnh thì vẫn còn nhiều doanh nghiệp mặc dù đã được tỉnh tạo điều kiện hết sức, song vẫn chây ì không thực hiện dự án, nợ tiền SDĐ, nợ tiền thuế kéo dài hàng chục năm, gây lãng phí quỹ đất, cản trở ý định đầu tư của doanh nghiệp khác, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh.
Để các dự án đầu tư mang lại hiệu quả, cần nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành và đặc biệt là các địa phương trong việc theo dõi, đôn đốc tình hình thực hiện các dự án đầu tư. Trong đó, cần chú ý kiểm tra, rà soát các dự án chậm tiến độ, kịp thời báo cáo UBND tỉnh để có các giải pháp quyết liệt hơn, tránh tình trạng dù năng lực yếu nhưng lại “găm đất” trục lợi khi có điều kiện.