(Congannghean.vn)-Trong những năm qua, mô hình nuôi ong lấy mật ở xã Tây Hiếu, TX Thái Hòa (Nghệ An) đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Được thiên nhiên ưu đãi về điều kiện tự nhiên, khí hậu trong lành, thảm thực vật phong phú, nghề nuôi ong ngày càng phát triển, sản phẩm mật ong xã Tây Hiếu được ưa chuộng, trở thành nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ gia đình.
Ông Nguyễn Trọng Hùng, Giám đốc Hợp tác xã nuôi ong Tây Hiếu kiểm tra đàn ong |
Nghề nuôi ong ở xã Tây Hiếu ban đầu chỉ là những hộ nhỏ lẻ nuôi theo phương pháp truyền thống, chủ yếu phục vụ nhu cầu gia đình. Qua quá trình phát triển, đến nay, toàn xã có hơn 400 người nuôi ong với khoảng 2.300 - 2.500 đàn. Người nuôi ong đã áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, sản phẩm từ ong được sản xuất theo tiêu chuẩn sạch, nhờ đó chất lượng ngày càng được nâng lên, khẳng định được thương hiệu, uy tín, đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu.
Chúng tôi đến thăm gia đình ông Hồ Hữu Tài ở xóm Phú Tân, xã Tây Hiếu, người nuôi ong mật có tiếng trong vùng. Hơn 25 năm nay, ông Tài thu đều đặn 200 lít mật ong/năm, tương đương số tiền hơn 100 triệu đồng. Gặp chúng tôi, ông Tài vui vẻ dẫn lên rừng, xem từng thùng ong đặt dưới gốc cây. Mới sang tháng 4, nắng xuân bừng ấm, hoa nở rộ cũng là lúc vào mùa con ong đi lấy mật.
Nhìn đàn ong vo ve ra, vào cửa tổ, ông Tài bắt đầu câu chuyện: “Năm 1990, trong một lần vào rừng, tình cờ phát hiện bọng ong mật nặng khoảng 2 kg, tôi nảy ý tưởng thuần hóa chúng mang về nhà nuôi. Sau ít tháng, thấy mật vàng mọng cầu, tôi mừng lắm. Từ đó, bén duyên với nghề nuôi ong”. Lúc đầu chưa có kinh nghiệm, ông chỉ dám nuôi vài đàn. Thấy nuôi ong đầu tư ít mà cho hiệu quả cao nên dần dần gia đình ông nhân lên 20 đàn rồi 40 đàn, có thời gian cao điểm được hơn 70 đàn ong.
Theo ông Tài, nghề nuôi ong vừa dễ lại vừa khó. Dễ bởi công việc này không đòi hỏi vốn đầu tư lớn, không vất vả như các công việc chân tay khác và ai cũng có thể làm được. Nuôi ong không tốn nhiều thời gian chăm sóc nhưng lại đòi hỏi sự khéo léo, cẩn thận và cần mẫn. Ông bảo nuôi ong như chăm con thơ. Chỉ cần vài ngày không theo dõi là có thể ong đã bị bệnh hoặc bỏ đi.
Với ưu điểm vốn đầu tư ban đầu không lớn, không tốn nhiều nhân lực, đem lại thu nhập cao, do đó không ít người đã mạnh dạn chuyển đổi các loại cây trồng, vật nuôi không hiệu quả để nuôi ong. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả, năng suất và chất lượng mật ong cao đòi hỏi nhiều kỹ thuật và tính cần mẫn.
Ông Trương Văn Cát ở xóm Hưng Tân, chủ 60 đàn ong cho biết: Muốn nuôi ong thành công phải học, hiểu về con ong và có lòng đam mê vì ong mật là loài sinh vật có tổ chức rất cao. Điều quan trọng nhất trong quá trình nuôi ong là chọn ong chúa, nếu ong chúa khỏe mạnh thì cả đàn ong và giống ong những lứa sau sẽ khỏe mạnh, cho mật nhiều nhất. Nguồn mật hoa cho ong phải là hoa nhãn, hoa táo… thì sẽ cho chất lượng mật tốt nhất. Ong sống trong quần thể lớn nên khả năng nhiễm và lây lan bệnh rất cao, do đó, việc phòng, chống bệnh cho ong, dập bệnh ngay tại thời điểm phát hiện cũng được đặt lên hàng đầu.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Trọng Hùng, Giám đốc Hợp tác xã nuôi ong Tây Hiếu cho biết: Người dân xã Tây Hiếu xác định rằng, nuôi ong là một nghề, muốn phát triển bền vững thì phải học, nắm vững các biện pháp kỹ thuật. Năm 2015, xã đã tổ chức 1 lớp dạy nghề nuôi ong, với số lượng 50 học viên. Hàng năm, Trạm khuyến nông thị xã cũng tổ chức nhiều lớp tập huấn nuôi ong. Hiện nay, xã Tây Hiếu có 20 xóm thì cả 20 xóm đều có người nuôi ong. Về giá trị kinh tế, với 2.500 đàn ong mỗi năm cho sản lượng gần 5 tấn mật ong, giá trị hiện tại khoảng 6 tỉ đồng.
Ngoài lợi ích kinh tế, ong mật còn thụ phấn trực tiếp cho cây trồng, làm tăng năng suất nhiều loại hoa quả và hạt. Do đó, khi nhân rộng nghề nuôi ong sang các vùng lân cận, nguồn phấn và mật hoa sẽ hạn chế dần việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, ưu tiên các sản phẩm hữu cơ thân thiện với môi trường. Ở Tây Hiếu, nghề nuôi ong đã phát huy hiệu quả, lan tỏa cả vùng Phủ Quỳ.