Kinh tế xã hội

Công tác bảo vệ rừng: Nhiều chuyển biến tích cực

08:15, 10/04/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Nhìn chung, công tác bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, các cấp, ngành và địa phương cần quan tâm hơn nữa tới nhiệm vụ bảo vệ tốt rừng tự nhiên, khai thác đúng luân kỳ đối với rừng trồng và tăng độ che phủ nhằm phục vụ sự phát triển bền vững của tỉnh nhà.

Cán bộ Kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, huyện Quế Phong tuần tra bảo vệ rừng - Ảnh: Văn Cương
Cán bộ Kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, huyện Quế Phong tuần tra bảo vệ rừng - Ảnh: Văn Cương

Năm 2017, Nghệ An đã bảo vệ tốt 941.846 ha diện tích rừng hiện có; tổng diện tích rừng trồng tập trung trên địa bàn tỉnh đạt 18.112 ha. Tình trạng lấn chiếm rừng và canh tác nương rẫy trái phép được kiểm soát chặt chẽ. Nhiều tụ điểm về phá rừng được xóa bỏ. Với vai trò chủ công, lực lượng Kiểm lâm đã phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức hơn 4.530 đợt tuần tra rừng, hơn 9.000 đợt tuần tra kiểm soát lâm sản. Qua đó, 901 vụ vi phạm lâm luật bị xử lý hành chính, thu nộp ngân sách 13,169 tỉ đồng.

Để rừng mang lại hiệu quả kinh tế lớn, phục vụ tốt sự phát triển của địa phương, thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều đề án, chính sách về lâm nghiệp. Một trong số đó là việc tổ chức thực hiện trồng rừng thay thế bằng nguồn kinh phí thu từ các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tại Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng để bù đắp diện tích rừng phải chuyển đổi sang mục đích khác phục vụ xây dựng các dự án thủy điện, thủy lợi...

Riêng năm 2017, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã chi trả gần 9,2 tỉ đồng để trồng 266 ha rừng và chăm sóc rừng trồng các năm trước. Thời gian tới, Quỹ sẽ tiếp tục chi trả hơn 14,8 tỉ đồng phục vụ công tác trồng, chăm sóc rừng trồng theo tiến độ thực hiện cho các dự án đã được UBND tỉnh phân bổ kế hoạch và được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt.

Bên cạnh đó, để tạo niềm tin cho người dân tham gia trồng rừng và tạo điều kiện để họ chủ động khâu tiêu thụ, ký kết hợp đồng với các đối tác thu sản phẩm gỗ, tỉnh đã ban hành Đề án phát triển rừng nguyên liệu có chứng chỉ rừng bền vững (FSC) gắn với chế biến gỗ chất lượng cao tỉnh Nghệ An giai đoạn 2017 - 2020, với mục tiêu xây dựng vùng nguyên liệu khoảng 15.000 ha rừng trồng được cấp chứng chỉ.

Cũng trong những năm qua, một số huyện và các đơn vị chủ rừng đã chú trọng trồng cây gỗ lớn, vừa phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến gỗ và xuất khẩu, vừa nâng cao giá trị kinh tế.

Với trồng rừng gỗ lớn, UBND tỉnh đã có cơ chế chính sách hỗ trợ 50% giá cây giống keo lá tràm, keo tai tượng, sao đen đạt tiêu chuẩn cũng như các giống cây bản địa (lim xanh, lát hoa, trám) cho hộ nông dân trồng rừng trên diện tích đất lâm nghiệp được giao, hoặc cho thuê trong vùng quy hoạch sản xuất kinh doanh rừng gỗ lớn được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thực tế cho thấy, những chính sách của tỉnh về trồng rừng và lâm nghiệp đã phát huy hiệu quả cao trong việc khuyến khích người dân gắn bó với rừng, tạo sinh kế bền vững và phục vụ tốt sự phát triển kinh tế địa phương.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả khả quan, song trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh, tình trạng khai thác gỗ trái phép tại vùng giàu tài nguyên, khu vực biên giới giáp ranh với Lào và hành vi chặt phá rừng tự nhiên, trong đó có rừng nghèo, rừng phục hồi vẫn diễn biến khá phức tạp. Nếu không có biện pháp giải quyết triệt để, thực tế trên sẽ đe dọa trực tiếp tới sự an toàn của các khu rừng tự nhiên cũng như ảnh hưởng xấu tới môi trường sống của cả cộng đồng.

Để “kịch bản” đó không xảy ra, thời gian tới, cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp như: Tăng cường công tác tuyên truyền, thanh, kiểm tra việc thực hiện phương án bảo vệ rừng tại các địa phương và chủ rừng; chỉ đạo thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các lực lượng liên quan trong phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm. Ngoài ra, các chủ rừng cần chủ động xây dựng phương án bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) phù hợp với điều kiện thực tế.

Hiện, mùa khô và nắng nóng đang đến gần. Vì vậy, lực lượng Kiểm lâm và các địa phương cần tăng cường chỉ đạo, đôn đốc thực hiện các biện pháp PCCCR một cách chủ động; đồng thời, bố trí lực lượng tuần tra canh gác ở những vùng rừng trọng điểm dễ cháy và thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ trong PCCCR nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng.

Bảo Châu

Các tin khác