(Congannghean.vn)-Đất chính chủ, không tranh chấp, sử dụng ổn định hàng chục năm nhưng đến khi đo đạc, lập hồ sơ địa chính đất lâm nghiệp để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) thì gặp khó khăn. Đó là thực trạng từ nhiều năm nay tại các huyện miền núi của tỉnh Nghệ An.
Nhiều diện tích đất lâm nghiệp của người dân chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất |
Ngày 25/6/2014, UBND huyện Quỳ Châu phê duyệt Thiết kế kỹ thuật - Dự toán về việc trích đo, chỉnh lý bản đồ địa chính kê khai đăng ký, lập hồ sơ địa chính, cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An tại Quyết định số 689/QĐ-UBND. UBND huyện Quỳ Châu làm chủ đầu tư và hợp đồng với 3 đơn vị tư vấn thực hiện năm 2014, bao gồm Chi nhánh Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư và Công nghệ Môi trường HQ Miền Trung, Công ty TNHH Hồng Linh và Công ty CP Xây dựng và Chuyển giao Công nghệ Môi trường để tổ chức thực hiện trên địa bàn 10/12 xã.
Tuy nhiên, công tác cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp cho nhân dân chưa được UBND huyện tổ chức thực hiện do thiếu nguồn kinh phí chi trả cho các đơn vị tư vấn. Theo đại diện lãnh đạo UBND huyện Quỳ Châu, hướng giải quyết sắp tới là huyện sẽ có kế hoạch tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhân dân về vấn đề xã hội hóa nguồn kinh phí phục vụ công tác giao đất, cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp trên địa bàn huyện. Rà soát, thu hồi số diện tích đất giao tạm cho các cộng đồng bản??? quản lý nhưng nay không có hiệu quả để lấn chiếm, sử dụng không đúng mục đích.
Tương tự, tại địa bàn huyện Anh Sơn, tổng số GCNQSDĐ giao theo Nghị định số 163/1999/NĐ-CP ngày 16/11/1999 của Chính phủ trên địa bàn huyện chỉ mới đạt 72,5%. Đơn cử, theo Quyết định số 148/QĐ-UBND.ĐC, ngày 2/6/2010, UBND tỉnh đã thu hồi tại bản Cao Vều, xã Phúc Sơn diện tích 15.367.805 m2 do Công ty Lâm nghiệp Anh Sơn quản lý, sử dụng để bàn giao lại cho địa phương quản lý và sử dụng. Tuy nhiên, đến nay tại khu vực này, UBND huyện Anh Sơn chưa tổ chức việc trích đo, chỉnh lý bản đồ để cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân. Lý do mà huyện này đưa ra là do chưa có nguồn kinh phí để thực hiện.
Trong khi đó, tại địa bàn huyện Quỳnh Lưu, trong khi tỉ lệ cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp tại đây đạt 92%, là một trong những huyện có tỉ lệ cấp bìa đất lâm nghiệp khá cao trong toàn tỉnh thì việc cấp GCNQSDĐ đối với đất ở và đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân lại chưa đạt được như kỳ vọng của nhân dân. Đến nay, huyện Quỳnh Lưu đang tiến hành công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính, kê khai đăng ký, lập hồ sơ địa chính và cấp GCNQSDĐ tại 33 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Trong đó, 4 xã đã được UBND tỉnh phê duyệt nhưng chưa triển khai đo đạc, 9 xã chưa hoàn thành việc đo đạc và 20 xã, thị trấn đang thực hiện kê khai đăng ký, xét duyệt, thẩm định hồ sơ và cấp GCNQSDĐ.
Về vấn đề này, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An cho rằng, công tác cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân cần có sự tham gia vào cuộc của cấp tỉnh, huyện, xã, ngành thuế và đơn vị tư vấn. Tiến độ, kế hoạch thực hiện do UBND huyện và UBND các xã tổ chức thực hiện theo yêu cầu quản lý và nhu cầu của người dân tại địa bàn.
Để giải quyết quyền lợi của nhân dân và làm rõ trách nhiệm của các bên tham gia việc cấp GCNQSDĐ nhằm đẩy nhanh tiến độ, UBND tỉnh đã giao trách nhiệm cho Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND các huyện Quỳ Châu, Anh Sơn và Quỳnh Lưu để hướng dẫn, giải quyết kịp thời các vướng mắc liên quan đến chuyên môn kỹ thuật, trình tự, thủ tục lập hồ sơ cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp và các phát sinh khác trong quá trình thực hiện. Các đơn vị liên quan phải làm việc cụ thể tại UBND từng xã để giải quyết các vướng mắc và thống nhất lập kế hoạch, trách nhiệm thực hiện và thời gian hoàn thành công tác cấp GCNQSDĐ.
.