Kinh tế xã hội

Tình trạng trục lợi quỹ BHYT vẫn chưa 'hạ nhiệt'

09:07, 02/12/2017 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Ngày 29/11, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến cung cấp thông tin định kỳ về BHXH, BHYT tháng 11/2017, do ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam chủ trì. Tham dự còn có đại diện Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; các bộ, ngành liên quan cùng đông đảo phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí tại 63 điểm cầu trên cả nước. Tại Hội nghị, một số vấn đề như: Trục lợi quỹ BHYT; công tác phát triển đối tượng tham gia BHTN, BHYT hộ gia đình; nợ đọng BHXH… tiếp tục nhận được sự quan tâm của đông đảo dư luận.

Ông Lê Trường Giang, Giám đốc BHXH tỉnh Nghệ An cung cấp một số thông tin về việc thực hiện BHXH, BHYT trong thời gian qua
Ông Lê Trường Giang, Giám đốc BHXH tỉnh Nghệ An cung cấp một số thông tin về việc thực hiện BHXH, BHYT trong thời gian qua

Thời gian qua, BHXH Việt Nam đã bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai nhiều giải pháp để thực hiện nhiệm vụ được giao.

Tính đến hết tháng 10/2017, số người tham gia BHXH bắt buộc là 13,21 triệu người, đạt 95,2% so với kế hoạch giao, chiếm 24,2% so với lực lượng lao động, tăng 555 nghìn người (tương ứng với 4,4%) so với cùng kỳ năm 2016. Số người tham gia BHXH tự nguyện là 220 nghìn người, đạt 58,9% so với kế hoạch giao, tăng 23.500 người (12%) so với cùng kỳ năm 2016. BHTN là 11,39 triệu người, đạt 94,5% so với kế hoạch giao, chiếm 20,9% so với lực lượng lao động, tăng 511 nghìn người (4,7%) so với cùng kỳ năm 2016. BHYT là 79,7 triệu người, tăng 5,25 triệu người (7,1%) so với cùng kỳ năm 2016 và đạt tỉ lệ bao phủ BHYT 85,3% dân số cả nước. Tổng số thu BHXH là 227.119 tỉ đồng, đạt 80,2% so với kế hoạch giao, tăng 29.532 tỉ đồng (14,9%) so với cùng kỳ năm 2016. Ngoài ra, các chế độ, chính sách BHXH, BHYT và BHTN đã được giải quyết nhanh chóng, kịp thời, đúng đối tượng, đảm bảo lợi ích thiết thực cho người dân.

Một trong những vấn đề “nóng” được Hội nghị dành nhiều thời gian trao đổi, thảo luận đó là tình trạng trục lợi quỹ BHYT. Theo số liệu BHXH Việt Nam cung cấp, tính đến ngày 27/11, toàn quốc có hơn 149,7 triệu lượt khám, chữa bệnh; số tiền đề nghị quỹ BHYT chi trả là 77.547 tỉ đồng. Đến nay, có 41.321 người được quỹ chi trả từ 100 triệu đồng đến 1 tỉ đồng, 27 người được chi trả từ 1 tỉ đến 4,5 tỉ đồng. Riêng trong tháng 11/2017, có 5.409 người đi khám từ 50 lần trở lên. Cá biệt, có 1 phụ nữ đi khám đến 256 lượt, được quỹ BHYT thanh toán hơn 142 triệu đồng; 1 người đàn ông đi khám 201 lượt, được quỹ thanh toán hơn 57 triệu đồng.

Như chúng ta đã biết, trên thực tế có rất nhiều trường hợp bị bệnh phải điều trị dài ngày, trong đó có những trường hợp chi phí khám, chữa bệnh lên tới hàng chục triệu đồng đã được quỹ BHYT thanh toán. Điều đó cho thấy, BHYT đã và đang phát huy được vai trò, ý nghĩa quan trọng trong đời sống xã hội. Trong lúc người lao động bị giảm hoặc mất khả năng lao động thì BHYT chính là một giải pháp cực kỳ hữu hiệu để giảm bớt gánh nặng về kinh tế cho người bệnh. Tuy nhiên, cũng chính vì những lợi ích thiết thực đó mà một bộ phận người dân đã lợi dụng để trục lợi quỹ BHYT. Mặc dù ngành BHXH đã có nhiều nỗ lực trong việc tuyên truyền, vận động, giải thích để người dân hiểu, tuy nhiên thời gian qua, tình trạng trên vẫn chưa “giảm nhiệt” ở nhiều địa phương và hiện đang là vấn đề nan giải đối với BHXH và các ngành liên quan.

Bên cạnh tình trạng trục lợi quỹ BHYT, công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện cũng được nhiều phóng viên của các cơ quan thông tấn báo chí đặt câu hỏi chất vấn ngành BHXH. Và, theo như ông Nguyễn Sỹ Đại, Trưởng Ban Thu, BHXH Việt Nam nhận xét thì con số 220 nghìn người trên cả nước tham gia (đạt 58,9% so với kế hoạch giao) tính đến thời điểm hiện nay chứng tỏ BHXH tự nguyện đang “dậm chân tại chỗ”, bởi so với đối tượng tham gia BHXH bắt buộc (13,21 triệu người) thì con số trên thấp hơn rất nhiều.

Theo đại diện BHXH Việt Nam, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do đối tượng tham gia BHXH tự nguyện phải đóng 100% phí; trong khi đối với đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, người lao động được cơ quan, đơn vị doanh nghiệp hỗ trợ đóng đến 70%, bản thân họ chỉ cần đóng 30%. Thực tế này cũng đã đặt ra một vấn đề đó là, muốn phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện thì ngành BHXH cần phải tạo cơ chế và điều kiện thuận lợi để thu hút đông đảo người dân tham gia.

Ngoài ra, tại Hội nghị lần này, một số vấn đề như: Đấu thầu thuốc quốc gia; tình trạng cố tình trốn đóng BHXH của các cơ quan, doanh nghiệp; công tác phát triển đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình… cũng đã nhận được sự quan tâm và phản hồi từ dư luận. Đại diện BHXH Việt Nam đã ghi nhận và giải đáp những ý kiến, thắc mắc của phóng viên; đồng thời, khẳng định trong thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan để khắc phục những vấn đề còn tồn tại, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp về các chế độ, chính sách BHXH, BHYT nhằm đảm bảo lợi ích cho người dân.

Tại điểm cầu Nghệ An, ông Lê Trường Giang, Giám đốc BHXH tỉnh cũng đã cung cấp một số thông tin liên quan đến việc thực hiện BHXH, BHYT. Theo đó, tính đến ngày 31/10, tỉ lệ bao phủ BHYT toàn tỉnh đạt 84,99%, tốt hơn so với mặt bằng chung của toàn quốc. 10 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 2.409 người tham gia BHXH tự nguyện, chiếm hơn 1/10 cả nước. Đây chính là kết quả vận động rất tốt của các cấp, ngành và chính quyền địa phương, đặc biệt là mạng lưới bảo hiểm. Đến thời điểm này, toàn tỉnh có 1.098 điểm thu bảo hiểm, bình quân mỗi xã có 2,3 điểm thu, tạo điều kiện để người dân tiếp cận tốt hơn với việc tham gia BHXH, BHYT. “Trong thời gian tới, BHXH tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường đối thoại trực tiếp để giải thích cho người dân hiểu các vấn đề liên quan; đồng thời, thông qua đó để tuyên truyền người dân tham gia BHXH, BHYT, hướng đến mục tiêu tăng tỉ lệ bao phủ trên toàn tỉnh”, ông Lê Trường Giang nhấn mạnh.

An Nhiên

Các tin khác