Kinh tế xã hội
Tăng cường quản lý công tác giao đất, giao rừng
(Congannghean.vn)-Thời gian qua, công tác giao đất, giao rừng trên địa bàn tỉnh còn bộc lộ nhiều bất cập, gây thất thoát tài nguyên rừng. Điều đáng nói, những sai phạm liên quan đến vấn đề này diễn ra trên diện rộng, với nhiều diễn biến phức tạp. Trước thực tế trên, tại Kỳ họp HĐND tỉnh diễn ra từ ngày 18/12/2017, HĐND tỉnh sẽ chất vấn nội dung thực hiện công tác giao đất, giao rừng cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng trên địa bàn tỉnh.
Cần sớm điều chỉnh các chính sách, quy định của pháp luật liên quan đến công tác giao đất, giao rừng đảm bảo phù hợp với thực tế |
Theo Quyết định số 1731/QĐ-UBND ngày 21/4/2016 của UBND tỉnh về việc phê duyệt kết quả kiểm kê rừng tỉnh Nghệ An năm 2015, toàn tỉnh có 1.236.259,31 ha rừng và đất lâm nghiệp. Trong số đó, đã bàn giao trên 240.000 ha cho các hộ gia đình, cá nhân quản lý theo Nghị định số 02/CP và Nghị định 163/1999/NĐ-CP; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp đạt tỉ lệ khoảng gần 51%.
Đầu tháng 10 vừa qua, trước tình trạng rừng tự nhiên bị xâm hại trên diện rộng và diễn biến phức tạp, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 4558/QĐ-UBND, chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tiến hành việc kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn toàn tỉnh.
Kết quả điều tra, xác minh của Sở NN&PTNT cho thấy, tình trạng sử dụng sai mục đích, mua bán, chuyển nhượng trái phép đất lâm nghiệp xảy ra ở phần lớn các địa phương trên địa bàn tỉnh với tính chất nghiêm trọng và phức tạp. Theo đó, tổng diện tích đất lâm nghiệp bị mua bán, chuyển nhượng và sử dụng sai mục đích lên tới 10.038,497 ha. Trong đó, diện tích đã bị mua bán, chuyển nhượng trái phép là 5.398,469 ha, bị sử dụng sai mục đích là 4.640,029 ha.
Đáng lưu ý, ở các huyện thực hiện chính sách giao đất, giao rừng cho các hộ gia đình theo Nghị định 163 đã diễn ra tình trạng chuyển nhượng, chuyển đổi đất rừng trái phép, sau đó phá rừng tự nhiên để trồng rừng nguyên liệu (trồng keo). Các “điểm nóng” có thể kể đến như các huyện Quế Phong, Tân Kỳ, Quỳ Châu, Con Cuông...
Một trong nhiều vụ việc nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận xảy ra tại 2 xã Nam Sơn, Bắc Sơn, huyện Quỳ Hợp liên quan đến những sai phạm, bất cập trong quá trình giao đất, giao rừng. Theo đó, người dân đã tự ý đốt, phát rừng trái phép trên diện tích đất được Nhà nước giao theo Nghị định 163/1999/NĐ-CP của Chính phủ.
Cùng với đó, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng trái phép từ rừng tự nhiên sản xuất sang trồng rừng nguyên liệu; trong khi đây là diện tích đất rừng tự nhiên được Nhà nước giao theo Nghị định 163 để sử dụng mang tính ổn định, lâu dài, phục vụ mục đích liên quan đến lâm nghiệp. Thế nhưng, sai phạm vẫn diễn ra trên quy mô rộng, với tổng trữ lượng lâm sản bị đốt, phát, khai thác trái phép lên tới 3.952,32 m3.
Cũng liên quan đến công tác giao đất, giao rừng, thời gian qua đã xảy ra tình trạng xâm lấn đất rừng phòng hộ. Cụ thể như tình trạng nhiều hộ dân các xã của huyện Yên Thành tiếp giáp với huyện Tân Kỳ lén lút sang địa bàn xã Kỳ Tân, huyện Tân Kỳ xâm canh đất rừng trong 7 năm qua. Việc xâm lấn này nhằm phục vụ mục đích kinh tế của các hộ, cá nhân vi phạm. Đơn cử như việc trồng keo trên diện tích xâm lấn, thậm chí làm đường nối liền 2 địa phương để “tiện” vi phạm.
Một vấn đề đáng báo động khác là tình trạng mua bán, chuyển nhượng "chui", chuyển đổi trái phép mục đích sử dụng đất rừng. Nhiều hộ dân đã ngang nhiên chuyển nhượng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng cho các doanh nghiệp. Sau khi có trong tay giấy chứng nhận này, doanh nghiệp nhanh chóng tiến hành việc đưa nhân lực, máy móc, phương tiện vào diện tích đất rừng để phát rừng và trồng keo trên diện rộng. Đơn cử như tại huyện Quỳ Châu, tình trạng mua bán, chuyển nhượng và chuyển đổi trái phép đất rừng diễn ra tại 11/12 xã trên địa bàn, với gần 500 hộ tham gia. Diện tích đất lâm nghiệp bị chuyển nhượng trái phép lên đến 3.433 ha.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên. Ngoài vấn đề “muôn thủa” xuất phát từ ý thức còn hạn chế của người dân trong công tác quản lý, sử dụng đất rừng, phải kể đến những bất cập từ sự chồng chéo trong các quy định của pháp luật. Trên thực tế, mặc dù hộ gia đình được giao đất nhưng lại không gắn với giao rừng. Trong khi đó, đất theo Nghị định 163 đều được xác nhận là đất có rừng và việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Nghị định 163 cho hộ dân là công nhận phần đất chứ không phải tài sản trên đất (rừng).
Thực tế trên đặt ra yêu cầu cấp thiết liên quan đến công tác giao đất, giao rừng là ngoài việc tăng cường ngăn chặn, xử lý nghiêm các vụ việc mua bán, chuyển nhượng và chuyển đổi trái phép đất rừng, cần thực hiện nhiều việc làm đồng bộ như nâng cao nhận thức, ý thức người dân. Trong đó, giải pháp mang tính căn cơ cần sớm thực hiện là nghiên cứu điều chỉnh các chính sách cũng như quy định của pháp luật đảm bảo phù hợp với thực tế cuộc sống.
Hồng Hạnh