Kinh tế xã hội

Trường nghề tiền tỉ phơi sương

14:44, 28/09/2017 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Những năm gần đây, nhu cầu học nghề ngày càng ít đi, đặc biệt là trình độ đào tạo hệ trung cấp. Tuy nhiên, nhiều trường học, cơ sở dạy nghề vẫn được đầu tư hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng. Hệ quả là nhiều dự án hoàn thiện nhưng vắng bóng người học, một số dự án khác xây dựng dở dang, phơi nắng phơi sương vì cạn vốn.

Trường Trung cấp nghề Kinh tế - Kỹ thuật miền Tây Nghệ An dở dang vì cạn vốn
Trường Trung cấp nghề Kinh tế - Kỹ thuật miền Tây Nghệ An dở dang vì cạn vốn

Dự án trường nghề phơi sương vì cạn vốn

Trường Trung cấp nghề (TCN) Kinh tế - Kỹ thuật miền Tây Nghệ An, trụ sở tại phường Long Sơn, TX Thái Hòa, được thành lập từ năm 1999 với mục đích tạo điều kiện trong công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho khu vực Tây Bắc Nghệ An. Năm 2014, tại cơ sở mới ở xã Tây Hiếu, TX Thái Hòa, chủ đầu tư là Trường TCN Kinh tế - Kỹ thuật miền Tây Nghệ An trực thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) đã tổ chức khởi công dự án xây dựng trụ sở mới với tổng mức đầu tư hơn 35,9 tỉ đồng, đơn vị thi công là Công ty CP xây dựng Tân An (TP Vinh). Nguồn vốn để thực hiện dự án được trích từ Ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu, Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và dạy nghề, ngân sách địa phương cân đối và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Tiến độ thực hiện dự án, dự tính đến năm 2016 sẽ hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, đến nay chỉ mới giải ngân được hơn 20 tỉ đồng, do không có vốn để thi công tiếp nên từ nhiều tháng nay, nhà thầu đã rút khỏi công trình. Quan sát của phóng viên cho thấy, dự án chỉ mới hoàn thiện phần thô của dãy nhà 5 tầng và phần cổng trường cùng một dãy hàng rào. Khuôn viên nhà trường được người dân xung quanh tận dụng để trồng sắn, trồng ngô, những phần đất không sử dụng đến nơi cỏ dại mọc um tùm. Hiện, chủ đầu tư là Trường TCN Kinh tế - Kỹ thuật miền Tây Nghệ An đang phải thuê người trông coi công trình, và cũng chẳng biết đến khi nào có vốn để tiêp tục thi công, đưa công trình vào sử dụng.

Một dự án trường nghề khác, là cơ sở 2 của Trường TCN Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Nghệ An, được xây dựng trên địa bàn xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Lưu. Dự án được UBND tỉnh phê duyệt vào tháng 10/2010, với kinh phí hơn 100 tỉ đồng, do Bộ LĐ,TB&XH đầu tư. Dự án được chia làm 3 giai đoạn, gồm các công trình 2 nhà học 4 tầng, 3 nhà xưởng thực hành, 3 khu ký túc xá với 1.200 chỗ ở, nhà làm việc, cùng hệ thống nhà ươm giống thủy sản, thư viện, phòng truyền thống có thể đáp ứng được nhu cầu học tập cho hơn 2.000 học sinh. Tuy nhiên sau 7 năm, công trình vẫn chưa hoàn thành, thậm chí nơi đây còn trở thành nơi tập kết vật liệu xây dựng, làm bãi chăn thả trâu bò của người dân địa phương.

Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Hoa cho biết: 7 năm trước, nơi đây là vùng đất sản xuất nông nghiệp lâu năm, trước mục tiêu thiết thực của dự án, người dân đã tự nguyện bàn giao 4,7 ha để xây dựng trường nghề. Tuy nhiên, đến nay dự án dang dở là một sự lãng phí rất lớn đối với địa phương.

Qua tìm hiểu tại Sở LĐ,TB&XH Nghệ An, được biết dự án dở dang, chậm tiến độ là do thiếu vốn. Do nguồn vốn rót về không đồng bộ nên các hạng mục cũng triển khai thiếu đồng bộ, dở dang. Ông Chu Minh Lợi, Phó Hiệu trưởng Trường TCN Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Nghệ An cho biết, cơ sở vật chất tại cơ sở 1 của Trường đóng tại thị trấn Cầu Giát, hiện nay chỉ đáp ứng đào tạo cho khoảng 300 người. Trong khi đó hàng năm số lượng học sinh đăng ký học nghề luôn vượt quá con số này, nên việc dự án chậm tiến độ vừa không giải quyết được nhu cầu học tập, vừa gây lãng phí kinh tế, tạo nên những khó khăn nhất định cho nhà trường trong quá trình đào tạo nghề.

Trường tiền tỉ vắng bóng người học

Đối với những dự án đang xây mới, dở dang và “đắp chiếu” vì thiếu vốn, song với những trường dạy nghề đã hoàn thiện, đưa vào sử dụng cùng nhiều trang thiết bị hiện đại nhưng cũng hoạt động cầm chừng vì không có người học. Năm 2008, dự án Trường TCN Dân tộc nội trú Nghệ An được thành lập, đặt tại xã Bồng Khê, huyện Con Cuông, số tiền đầu tư xây dựng khoảng 60 tỉ đồng, với kỳ vọng sẽ là cái nôi đào tạo nghề cho con em các huyện Tây Nam của tỉnh Nghệ An.

Dường như chưa thỏa mãn với khối cơ sở vật chất đã được xây dựng tại đây, năm 2016, Sở LĐ,TB&XH tiếp tục đầu tư hàng chục tỉ đồng để xây mới nhiều cơ sở hạ tầng tại ngôi trường này như tòa nhà đa năng, 2 nhà xưởng, nhà nội trú, thư viện. Số công trình này hiện vẫn trong quá trình xây dựng. Nghịch lý ở chỗ, trường được đầu tư hoành tráng bao nhiêu thì số lượng học viên theo học lại tỉ lệ nghịch bấy nhiêu.

Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú Nghệ An vắng bóng học viên
Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú Nghệ An vắng bóng học viên

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Hiệu trưởng nhà trường thì năm học 2010 - 2011, Trường bắt đầu tuyển sinh nhưng chỉ có khoảng 100 em khóa đầu. Đến kỳ tốt nghiệp, do các em bỏ học giữa chừng nhiều nên chỉ có khoảng 40 em được cấp chứng chỉ. Thời điểm này, Nhà trường có gần 40 giáo viên, bình quân mỗi học viên được 1 giáo viên dạy nghề. Năm học 2015 - 2016, Nhà trường tuyển được 405 học sinh nhưng 9 tháng sau đó, đã có 145 em bỏ học. Thống kê cho thấy, năm nhiều nhất trường nghề này cũng chỉ cấp chứng chỉ được cho hơn 100 học viên. Trong khi đó, hiện nay trường có 38 cán bộ và giáo viên, mỗi năm Ngân sách Nhà nước cấp 4 tỉ đồng để phục vụ việc giảng dạy.

Thực trạng ở Trường TCN Dân tộc nội trú Nghệ An cũng là tình trạng chung của 67 cơ sở dạy nghề trên địa bàn toàn tỉnh hiện nay. Về lý thuyết, hàng năm số lượng học sinh tốt nghiệp cấp 3 không đăng ký thi đại học, cao đẳng ngày càng tăng, đồng nghĩa với việc nhu cầu học nghề ngày càng nhiều. Cùng với đó, với gần 70 trường nghề trên toàn tỉnh, hàng năm có đến gần 2.000 chỉ tiêu tuyển sinh, luôn là con số lý tưởng để mở rộng các trường nghề. Tuy nhiên, thực tế không phải như vậy, do số lượng cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh nhiều nhưng quy mô còn nhỏ, chất lượng đào tạo nghề tại các trường hiện nay chưa chuyên sâu, chỉ mới chạy theo chỉ tiêu, số lượng nên không thu hút được học viên.

Đơn cử, năm 2016, Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Nghi Lộc phối hợp với Trường TCN Kinh tế - Kỹ thuật huyện này, mở 2 lớp hàn và nấu ăn cho học sinh theo dạng liên kết. Thế nhưng sau 1 năm học, các em đã bỏ lớp hơn một nửa, vì không hứng thú với chương trình đào tạo. Hay như Trường TCN Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp Vinh, mỗi năm chỉ khoảng 200 chỉ tiêu, nhưng Nhà trường phải “đỏ mắt” mời gọi, thậm chí mở rộng phạm vi chiêu sinh tại các huyện miền núi, với nhiều ưu đãi đặc biệt trong quá trình đào tạo.

Nhu cầu đào tạo nghề hiện nay là rất lớn, tuy nhiên bất cập chính từ các cơ sở khi đào tạo chưa sát với thực tế, không chuyên sâu, nhiều cơ sở đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là nhà xưởng, trang thiết bị... chính là rào cản đưa người học đến với trường nghề như hiện nay. Hệ lụy là lao động tay nghề giỏi không nhiều, trong khi nhiều cơ sở đào tạo xây dựng dở dang, một số cơ sở khác đầu tư khang trang nhưng không có người học, gây nên sự lãng phí rất lớn cho ngân sách Nhà nước cũng như cơ sở hạ tầng tại địa phương.

Thiên Thảo

Các tin khác