Kinh tế xã hội
Nhiều bất cập trong đào tạo nguồn nhân lực du lịch
(Congannghean.vn)-Nguồn nhân lực chất lượng cao được xem là yếu tố quyết định hiệu quả của các chương trình, dự án phát triển kinh tế. Với một lĩnh vực có nhiều đặc thù như du lịch, đòi hỏi trên càng trở nên cấp thiết và quan trọng hơn bao giờ hết.
Hướng dẫn viên giới thiệu với khách du lịch về quê hương, thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích Kim Liên, huyện Nam Đàn |
Một trong những nhiệm vụ cần triển khai của Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là đào tạo nhân lực du lịch chất lượng cao một cách đồng bộ và hiệu quả. Cụ thể nhiệm vụ phát triển ngành du lịch, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An cũng đã ban hành Nghị quyết 05 về phát triển du lịch Nghệ An giai đoạn 2011 - 2020.
Theo đó, trong những năm tới, Nghệ An sẽ tiếp tục triển khai nhiều biện pháp để đẩy mạnh phát triển du lịch, phấn đấu đến năm 2020, lượng khách du lịch đạt 5 - 5,5 triệu lượt, doanh thu tăng từ 17 - 18% năm, GDP du lịch chiếm 4,5 - 5% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, tạo việc làm cho 45.000 lao động, đưa Nghệ An trở thành trung tâm du lịch vùng Bắc Trung Bộ.
Về đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực du lịch, thực hiện phương châm Nhà nước, doanh nghiệp cùng tham gia đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch, nâng cao chất lượng đào tạo nghề trong du lịch, đặc biệt là kỹ năng thực hành, đạt tiêu chuẩn quốc gia và thông lệ quốc tế; đồng thời, có chính sách thu hút nhân tài, nghệ nhân, chuyên gia tham gia và phát triển kinh tế của tỉnh.
Trong thời gian qua, du lịch Nghệ An đã từng bước có sự chuyển dịch rõ ràng. Hiện nay, trên địa bàn có hơn 1.000 đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực “ngành công nghiệp không khói” này. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung của cả nước và nhu cầu thực tiễn của địa phương, nguồn nhân lực tham gia du lịch vẫn còn nhiều bất cập.
Thực tế doanh nghiệp trong ngành du lịch đang rất "khát" nhân lực, trong khi đó hầu hết sinh viên ra trường kỹ năng làm việc còn rất yếu. Tình trạng phổ biến hiện nay là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch còn thiếu lao động lành nghề, nhưng sau khi tuyển dụng học sinh, sinh viên vừa tốt nghiệp ở các cơ sở đào tạo, nhiều doanh nghiệp phải tổ chức bồi dưỡng, đào tạo lại. Thiếu kỹ năng nghiệp vụ và ngoại ngữ là những hạn chế của nhiều người làm du lịch hiện nay. Sau khi tốt nghiệp tại các cơ sở đào tạo, nhiều sinh viên nắm lý thuyết rất giỏi, nhưng lại chưa có hiểu biết về thực tiễn.
Thực trạng này dẫn đến tình trạng nhiều nhà hàng, khách sạn do không tuyển được nhân viên đã chấp nhận sử dụng lao động chưa qua đào tạo, nhưng lại có kinh nghiệm và đã thạo việc. Hiện, các đơn vị đào tạo nghiệp vụ du lịch mới chỉ chú trọng đào tạo nhân sự, nhân viên du lịch mà "quên" việc đào tạo các nghệ nhân, giám đốc, cùng những chức danh quản lý cao cấp khác. Do vậy, đội ngũ quản lý cấp cao về du lịch còn rất hạn chế.
Trong năm 2016, số lượng sinh viên được đào tạo trong lĩnh vực du lịch cũng không nhiều. Trong đó, tập trung vào 3 Trường: Cao đẳng Du lịch - Thương mại Nghệ An (hệ cao đẳng và trung cấp); Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An (hệ trung cấp) và Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật công nghệ Việt Anh (hệ trung cấp) với 277 sinh viên - một con số quá khiêm tốn so với nhu cầu và tình hình phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, hiện nay, các trường đại học và cao đẳng chuyên nghiệp có chương trình đào tạo ngành học du lịch trên cả nước chưa thống nhất cơ bản được chương trình khung đào tạo; hệ đào tạo nghề du lịch cũng đang tồn tại nhiều hệ thống tiêu chuẩn khác nhau: Hệ thống tiêu chuẩn nghề quốc gia có 8 nghề thuộc nhóm du lịch, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành, hệ thống tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch VTOS gồm 10 nghề do Dự án EU hỗ trợ xây dựng, hệ thống tiêu chuẩn kỹ năng nghề ASEAN gồm 6 nghề đã được bộ trưởng các nước ASEAN ký cam kết thực hiện. Việc tồn tại cùng lúc nhiều hệ thống tiêu chuẩn như vậy gây khó khăn cho việc giảng dạy tại các trường cũng như việc tiếp nhận của các doanh nghiệp.
Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và tạo ra những tiêu chuẩn chung cho ngành du lịch khách sạn, năm 2013, Tổng cục Du lịch Việt Nam đã đưa ra bộ tiêu chuẩn nghề VTOS; trong đó quy định những kỹ năng, kiến thức, hành vi, thái độ cần thiết để đáp ứng yêu cầu công việc trong cả lĩnh vực khách sạn và lữ hành.
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, mỗi năm, toàn ngành cần thêm gần 40.000 lao động; nhưng chỉ có khoảng 20.000 lao động tốt nghiệp từ các cơ sở đào tạo, trong số đó chỉ có khoảng 1.800 sinh viên đại học, cao đẳng chuyên nghiệp, 2.100 sinh viên cao đẳng nghề du lịch, còn lại là học sinh trung cấp, sơ cấp và đào tạo ngắn hạn dưới 3 tháng. Các con số này cho thấy, nguồn nhân lực không những thiếu về số lượng mà còn thiếu trầm trọng đội ngũ được đào tạo bài bản. Hiện, cả nước có hơn 5.000 người tham gia đào tạo về du lịch, trong đó có 2.000 giảng viên, giáo viên, 2.580 đào tạo viên và 540 cán bộ quản lý, phục vụ đào tạo các cấp. Đội ngũ này cũng chưa có trình độ chuyên sâu về du lịch. Nhiều giảng viên chuyển từ ngành khác sang giảng dạy nên thiếu sự hiểu biết sâu sắc và toàn diện về lý luận cũng như kinh nghiệm thực tế.
Thực tiễn đó cho thấy, để thực hiện chiến lược phát triển du lịch bền vững, yêu cầu cấp thiết đặt ra là cần quy hoạch lại hệ thống cơ sở đào tạo, dạy nghề và cơ sở nghiên cứu về du lịch; đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo của các trường, trung tâm. Bên cạnh đó, cần xã hội hóa trong vấn đề đào tạo để thu hút nguồn đầu tư của các tổ chức, cá nhân; thông qua hội nhập, hợp tác quốc tế để huy động thêm các nguồn tài trợ cả về vật chất lẫn kiến thức, kinh nghiệm phát triển nguồn nhân lực du lịch của các nước trên thế giới.
Bên cạnh đó, việc xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo cũng là khâu quan trọng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Theo đó, trên kinh nghiệm, thực tiễn, các doanh nghiệp có thể chủ động cung cấp kế hoạch nhu cầu tuyển dụng với cơ sở đào tạo; cùng phối hợp xây dựng kế hoạch đào tạo ngắn hạn, đánh giá thực chất hiệu quả sinh viên thực tập... Nếu không, câu chuyện khập khiễng về “cung - cầu” trong đào tạo nguồn nhân lực du lịch sẽ còn kéo dài, trong khi thực tiễn du lịch tỉnh nhà đang đứng trước nhiều cơ hội và những thách thức.
Tuệ Trang