Kinh tế xã hội
Dự án 'chết yểu', thành viên góp vốn kiện ra tòa
(Congannghean.vn)-Cùng góp vốn thực hiện 2 dự án trên địa bàn huyện Nam Đàn và TP Vinh, thế nhưng sau gần 10 năm, các dự án này vẫn chưa thể triển khai nên thành viên góp vốn đã thỏa thuận rút vốn, tỉ lệ 50%. Sau nhiều năm không đạt được thỏa thuận, phía Công ty đã bị khởi kiện ra tòa án để đòi quyền lợi.
Hiện trạng Dự án xây dựng Văn phòng làm việc và Trung tâm giới thiệu sản phẩm của Công ty TNHH Đại Thành Lộc tại xã Nghi Phú (TP Vinh) |
Khúc mắc tài chính từ những dự án tiền tỉ
Ông Hồ Quốc Sỹ (SN 1962) trú tại TP Vinh phản ánh: Cuối năm 2007, bản thân ông có hợp đồng góp vốn với Công ty TNHH Đại Thành Lộc, trụ sở tại khu phố 3, phường Xuân Thanh, TX Long Khánh (Đồng Nai) để thực hiện 2 dự án tại Nghệ An, bao gồm Dự án Khu du lịch sinh thái hồ Thanh Thủy tại các xã Vân Diên và Nam Thái, huyện Nam Đàn và Dự án xây dựng Văn phòng làm việc và Trung tâm giới thiệu sản phẩm tại xã Nghi Phú, TP Vinh. Tổng mức đầu tư ban đầu của các dự án này là 9 tỉ đồng, trong đó ông Nguyễn Hữu Đảm, Giám đốc Công ty TNHH Đại Thành Lộc đóng góp 4,792 tỉ đồng (chiếm 53,2%) và ông Hồ Quốc Sỹ đóng góp 4,205 tỉ đồng (chiếm 46,7%).
Tại giấy xác nhận đầu tư ngày 5/4/2011 đã đưa ra quy định: Những lợi ích phát sinh từ 2 dự án nêu trên, bao gồm cả quyền sử dụng đất tại Dự án Văn phòng làm việc ở xã Nghi Phú và Khu du lịch sinh thái và những tài sản khác hình thành từ vốn đầu tư của Dự án thuộc quyền sở hữu chung của hai bên, theo tỉ lệ góp vốn.
Tuy nhiên, ông Hồ Quốc Sỹ cho rằng, đến năm 2010, UBND tỉnh Nghệ An đã có quyết định cấp đất cho Dự án nhưng phía Công ty TNHH Đại Thành Lộc đã không thông báo, sau đó tự ý mang toàn bộ giấy tờ về Đồng Nai. Nhiều lần sau đó, ông Sỹ đã liên hệ để giải quyết nhưng không nhận được sự hợp tác. Sau cùng, do Dự án không triển khai được nên đến ngày 19/12/2011, ông Nguyễn Hữu Đảm và ông Hồ Quốc Sỹ đã có biên bản thỏa thuận thanh toán số tiền đóng góp thực hiện các dự án này.
Tính đến thời điểm này, hai bên thống nhất xác định tổng mức đầu tư của 2 dự án nêu trên là 17 tỉ đồng và hai bên cũng đã thỏa thuận việc để cho ông Sỹ rút vốn đầu tư khỏi Dự án. Theo đó, phía Công ty TNHH Đại Thành Lộc sẽ trả cho ông Sỹ số tiền là 8,45 tỉ đồng, thanh toán theo 4 đợt, trong thời gian từ tháng 2 đến tháng 5/2012 (âm lịch). Thỏa thuận cũng ghi rõ, trong trường hợp nếu đến hạn mà chưa thanh toán hết số tiền nêu trên thì sẽ được tính lãi theo lãi suất ngân hàng.
Dự án “chết yểu”, tiến độ siêu rùa bò
Thỏa thuận là vậy, song theo phản ánh thì từ khi ký kết thỏa thuận đến tháng 8/2015, phía Đại Thành Lộc chỉ mới trả cho ông Sỹ số tiền 3,316 tỉ đồng, nếu tính cả lãi suất theo thỏa thuận thì đến nay, số tiền phía Công ty phải trả cho ông Sỹ là trên 9 tỉ đồng. Sau nhiều lần liên hệ đòi lại tiền nhưng không thành công, tháng 4/2016, ông Hồ Ngọc Sỹ đã gửi đơn khởi kiện đến TAND huyện Nam Đàn.
Ông Sỹ cho biết, bản thân là người đồng sáng lập ra Dự án tại Đại Thành Lộc, thời điểm hai bên ngồi lại với nhau để bàn giải pháp, bản thân ông rất muốn trả tiền cho công ty để mình thực hiện Dự án, nhưng phía Đại Thành Lộc không chấp nhận. Hệ quả là cho đến nay, Dự án Khu du lịch sinh thái hồ Thanh Thủy đã “chết yểu” hoàn toàn, còn Dự án xây dựng Văn phòng tại xã Nghi Phú cũng đã chuyển nhượng, sau gần 10 năm vẫn là một bãi đất hoang hóa giữa khu “đất vàng” của TP Vinh.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Đảm, Giám đốc Công ty TNHH Đại Thành Lộc xác nhận, có sự hợp tác đầu tư với ông Hồ Quốc Sỹ. Tuy nhiên, tại thời điểm xác nhận số tiền 4,2 tỉ đồng, do chưa kiểm tra lại chứng từ nên sau này phát sinh (theo kê khai từ phía ông Sỹ) là mua 1 chiếc xe ôtô, 1 ngôi nhà gỗ và một số khoản tiền mặt khác, là những tài sản không có trong thực tế tại Công ty, nên đã thống nhất chỉ còn lại số tiền là 3,316 tỉ đồng, số tiền này phía Đại Thành Lộc đã chuyển trả cho ông Sỹ theo yêu cầu. Về khoản tiền hơn 9 tỉ đồng mà ông Hồ Quốc Sỹ kiện Công ty ra tòa án, theo ông Đảm là không có thực.
“Giấy xác nhận đầu tư Công ty xác nhận cho ông Sỹ là với tư cách cá nhân chứ nó không hợp pháp. Số tiền này trên danh nghĩa là Công ty mua lại cổ phần của ông Sỹ, nhưng chúng tôi không họp hội đồng thành viên, không có sự thống nhất (lúc bấy giờ Công ty có 5 thành viên góp vốn) nên không hợp pháp, số tiền này cũng không có thật”, ông Đảm cho biết.
Ông Nguyễn Hữu Đảm cũng xác nhận, về tiến độ các dự án thì đến nay, Hồ du lịch sinh thái Thanh Thủy đã buông bỏ do không đáp ứng được nhu cầu, mặc dù tính đến nay số tiền mà Công ty đã đầu tư vào là khoảng 5 tỉ đồng. Riêng Dự án xây dựng Văn phòng làm việc và Trung tâm giới thiệu sản phẩm tại xã Nghi Phú hiện giao lại cho một đại gia trong lĩnh vực xây dựng thực hiện.
Cụ thể, Dự án Trụ sở văn phòng và Trung tâm giới thiệu sản phẩm tại xã Nghi Phú, có diện tích 7.570,4 m2, được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 từ ngày 18/7/2008. Nhưng từ đó đến nay vẫn chưa triển khai, khu đất còn để hoang. Mới đây, Công ty TNHH Đại Thành Lộc thành lập công ty con là Công ty TNHH Thương mại Hiếu Thành Lộc.
Ngày 6/10/2016, Sở Tài nguyên và Môi trường đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số CC 195507 khu đất nêu trên cho Công ty TNHH Thương mại Hiếu Thành Lộc. Ngày 28/7/2017, có mặt tại vị trí “đất vàng” này, ghi nhận của phóng viên cho thấy, nơi đây vẫn là một bãi đất hoang, chưa có bất cứ dấu hiệu nào của việc triển khai xây dựng dự án. Trong một diễn biến khác, TAND huyện Nam Đàn cho biết, đã tiếp nhận đơn khởi kiện và hồ sơ liên quan. Vụ việc đang trong quá trình thụ lý.
Thiên Thảo