Kinh tế xã hội
Giải đáp nhiều ý kiến của cử tri
(Congannghean.vn)-Sau hơn 2 ngày làm việc, với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm, sáng 13/7, HĐND tỉnh đã tổ chức phiên bế mạc Kỳ họp thứ tư, HĐND tỉnh khóa XVII. Tại Kỳ họp, nhiều nội dung quan trọng đã được trao đổi, chất vấn và quyết định thông qua.
Các đại biểu trao đổi bên lề Kỳ họp |
Giám đốc Công an tỉnh trả lời nhiều vấn đề liên quan đến ANTT
Trong khuôn khổ nội dung làm việc của Kỳ họp thứ tư, HĐND tỉnh khóa XVII, đồng chí Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh đã trả lời nhiều vấn đề mà các đại biểu HĐND tỉnh và cử tri quan tâm. Theo đó, trong các phiên thảo luận tại tổ và tại hội trường, có 2 vấn đề chính mà đại biểu và cử tri quan tâm là: Tình hình một số loại tội phạm tăng và công tác phòng ngừa của lực lượng chức năng; về việc thực hiện Nghị quyết 56 của HĐND tỉnh trong giải tỏa hành lang ATGT. Để làm rõ vấn đề này, đồng chí Giám đốc Công an tỉnh đã trao đổi, cung cấp một số nội dung liên quan.
Theo thống kê của Công an tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2017, tất cả các chỉ số về tình hình tội phạm đều ở mức thấp so với toàn quốc, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng giảm nhiều. Tuy nhiên, có 3 loại tội phạm tăng: Tội phạm mua bán người, tội phạm đánh bạc và tội phạm cố ý gây thương tích.
Về tội phạm mua bán người, nguyên nhân chính là do một số đối tượng trước đây bị bán sang Trung Quốc, giờ về dụ dỗ các nạn nhân khác để bán kiếm lợi nhuận. Địa bàn xảy ra chủ yếu ở các huyện miền núi, nơi điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Thứ hai là tội phạm cố ý gây thương tích tăng 12 vụ so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân được xác định là do bột phát và có sự lệch chuẩn trong lối sống của giới trẻ hiện nay. Trong thời gian qua, Cảnh sát 113 và Cảnh sát Cơ động đã triển khai đồng bộ các kế hoạch để ngăn chặn kịp thời nhiều vụ việc.
Về tội phạm đánh bạc cũng tăng so với cùng kỳ. Trong 6 tháng đầu năm 2017, Công an Nghệ An đã phát hiện 731 vụ (tăng 32 vụ), bắt 2.870 đối tượng, thu 5,6 tỉ đồng. Nguyên nhân chính là người dân không có việc làm, lại sẵn tâm lý thích “trò đỏ đen”. Trong khi đó, pháp luật ngày càng nới lỏng hành vi đánh bạc. Luật Hình sự năm 1999, tại Điều 248 quy định, tang số 2 triệu đồng trở lên sẽ khởi tố hình sự. Tuy nhiên, Bộ luật năm 2015, tại Điều 321 quy định phải 5 triệu đồng trở lên mới bị xử lý hình sự.
Đại biểu HĐND chất vấn tại Kỳ họp |
Về biện pháp phòng ngừa, theo Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, phải thực hiện đồng bộ giữa phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ. Trong đó, cần tập trung tuyên truyền, giáo dục, cam kết, giúp đỡ người lầm lỗi, xây dựng các mô hình tại cộng đồng theo phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.
Hiện nay, nhiều mô hình tại các địa phương đã phát huy hiệu quả như mô hình “Cựu chiến binh đảm bảo ANTT” tại huyện Quỳnh Lưu; mô hình “Giáo họ bình yên không có tội phạm và tệ nạn xã hội” ở xã Nghi Quang, huyện Nghi Lộc; mô hình camera cộng đồng tại TP Vinh; mô hình phòng, chống mua bán người ở các huyện miền núi…
Về kết quả thực hiện Nghị quyết 56 của HĐND tỉnh về giải tỏa hành lang ATGT, theo Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, trong thời gian qua, các lực lượng chức năng đã triển khai rất quyết liệt, nhưng để đạt kết quả toàn diện, bền vững, phải có sự tham gia tích cực hơn nữa của chính quyền địa phương.
Trên thực tế, trên địa bàn hiện nay đã xuất hiện một số biểu hiện, tồn tại như: Lực lượng chức năng giải quyết việc lấn chiếm vỉa hè thì đường giao thông lại bị chật hẹp hơn; việc tái lấn chiếm vỉa hè vào ban đêm tại địa bàn TP Vinh và công tác tuyên truyền về vấn đề này vẫn chưa hiệu quả. Nguyên nhân là do cấp ủy, chính quyền một số địa phương còn né tránh và có biểu hiện chững lại. Vì thế, theo Giám đốc Công an tỉnh, cần nêu cao trách nhiệm của cấp cơ sở; đồng thời, phải sớm có quy chế cụ thể về việc xử lý trách nhiệm của tập thể và cá nhân để xảy ra tình trạng tái lấn chiếm hành lang ATGT.
Đồng chí Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an Nghệ An trao đổi một số vấn đề liên quan đến ANTT mà đại biểu và cử tri quan tâm |
Hai lãnh đạo sở nhận trách nhiệm về những tồn tại
Sáng 13/7, HĐND tỉnh đã bế mạc Kỳ họp thứ tư, HĐND tỉnh khóa XVII. Các đại biểu đã biểu quyết thông qua 25 báo cáo, 22 nghị quyết. Trong đó, có nhiều nội dung quan trọng: Nghị quyết quy định mức thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoảng sản trên địa bàn Nghệ An; Nghị quyết điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Nghị quyết nội dung và mức chi cho công tác quản lý Nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh Nghệ An… |
Tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ tư HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVII, chiều 12/7, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh đã thẳng thắn nhận trách nhiệm về những tồn tại, yếu kém trong lĩnh vực quản lý Nhà trước mà ngành phụ trách.
Ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An thừa nhận những bất cập trong việc quản lý quy hoạch, dự báo dẫn đến hiện tượng khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; từ lợn, trâu bò cho đến vịt, chanh leo…, nhiều mô hình sản xuất dàn trải, manh mún. Vì công tác quy hoạch chưa tốt nên trong thời gian qua, ngành Nông nghiệp và chính quyền địa phương đã tập trung thực hiện hỗ trợ, “giải cứu” nông sản nhưng hiệu quả vẫn chưa cao. Trong khi đó, 20% các mô hình sản xuất tại một số địa phương đã không thể nhân rộng được.
Ông Hoàng Nghĩa Hiếu - Giám đốc sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn trả lời chất vấn |
Giám đốc Sở NN&PTNT cũng đã nhận trách nhiệm của cơ quan chủ quản trong việc để xảy ra những tồn tại, hạn chế; đồng thời, đưa ra những giải pháp mang tính tổng thể, chiến lược. Trong đó, tập trung vào việc quy hoạch và quản lý quy hoạch, nâng cao mối liên kết giữa 4 “nhà”, đẩy mạnh mối liên kết trong sản xuất tại các địa phương.
Cũng trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn, ông Nguyễn Bằng Toàn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cũng thừa nhận những tồn tại trong công tác dạy nghề và xuất khẩu lao động trên địa bàn.
Ông Nguyễn Bằng Toàn cho biết, trên địa bàn có 50 doanh nghiệp, văn phòng đại diện của các công ty xuất khẩu lao động. Hàng năm, đưa được khoảng 12.000 - 13.000 người đi xuất khẩu lao động. Công tác quản lý các đơn vị này cơ bản chặt chẽ. Vừa qua, tại huyện Quế Phong có doanh nghiệp mạo danh, không có giấy giới thiệu của Sở LĐ-TB&XH nhưng địa phương vẫn đồng ý cho hoạt động, dẫn đến một số người dân bị lừa. Sở LĐ-TB&XH đã làm việc, yêu cầu khắc phục hậu quả, trả lại tiền cho người dân. Nếu doanh nghiệp không chấp hành sẽ hoàn thiện hồ sơ chuyển cơ quan Công an tiếp tục xử lý.
Ông Nguyễn Bằng Toàn – Giám đốc Sở LĐTB-XH báo cáo trả lời chất vấn của Sở Lao động Thương binh và Xã hội. |
Ông Toàn cũng cho biết, có hiện tượng “cò mồi”, trục lợi trong xuất khẩu lao động, tuy nhiên, đã giảm so với trước. Về giải pháp trong thời gian tới, ngành LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người lao động từ bỏ đi XKLĐ bất hợp pháp, không được cơ quan pháp lý Nhà nước bảo hộ; đồng thời, khuyến cáo người dân chỉ đi XKLĐ ra nước ngoài khi có cơ quan bảo hộ và có cơ quan Nhà nước đủ thẩm quyền giới thiệu về địa phương tuyển dụng.
Mai Hậu