Bộ Công Thương đã chính thức có báo cáo gửi Chính phủ đề nghị chấm dứt hoàn toàn việc bán xăng khoáng truyền thống RON 92 kể từ 31-12-2017 để thực hiện lộ trình bán 100% xăng E5 trên toàn quốc. Điều này kéo theo việc các đầu mối sẽ phải khẩn trương chuẩn bị hạ tầng cũng như lo đủ nguồn ethanol để phối trộn.
Với đặc trưng phổ cập E5 chỉ làm được 1 lần, bởi nếu có sự cố, lòng tin của người tiêu dùng sẽ khó quay trở lại, việc chuẩn bị sẵn sàng cho lộ trình đầy tham vọng này cần tính toán đầy thận trọng.
Theo nguồn tin của chúng tôi, để chuẩn bị cho lộ trình xóa sổ RON 92 vào đầu 2018, Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo PVN, Petrolimex và các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu đảm bảo nguồn cung ethanol E100; mở rộng thêm trạm phối trộn xăng E5; xây dựng kế hoạch thực hiện sản xuất và kinh doanh E5 đáp ứng tiến độ, lộ trình và báo cáo về Bộ Công Thương trước 31-3-2017.
E5 sẽ chỉ có được lòng tin của người tiêu dùng nếu sẵn sàng để ra mắt suôn sẻ vào đầu 2018.
Cùng với đó, tất cả các cửa hàng kinh doanh xăng dầu cải tạo và xây dựng mới từ ngày 1-4 này chỉ được kinh doanh xăng E5 thay cho xăng khoáng RON92. Tất nhiên, những điều này chưa phải bắt buộc, vì Thủ tướng chưa có ý kiến chính thức gì về lộ trình này. Hầu hết các DN đều vẫn đang trong trạng thái hồi hộp nghe ngóng.
Trao đổi với PV Báo Công an nhân dân chiều 31-3, lãnh đạo một đầu mối xăng dầu lớn cho biết: Để cải tạo bồn bể, hạ tầng phối trộn, cột bơm, DN cần 8 – 9 tháng. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, thời gian không còn nhiều nên các DN đều đang ngóng chờ ý kiến chính thức từ Thủ tướng.
Vị này cũng cho biết việc cải tạo cơ sở vật chất sẽ tốn kém, nhưng không đáng ngại bằng nguồn cung, bởi hiện nay chỉ có một nguồn duy nhất từ công ty Tùng Lâm từ miền Nam ra nên triển khai đồng loạt chắc chắn sẽ quá tải. Nguồn cung ethanol là nỗi lo số 1 của các đầu mối, hơn cả xử lý kỹ thuật đối với E5 (vì ethanol có đặc tính ngậm nước mạnh, nếu tồn kho lâu có thể ảnh hưởng đến chất lượng) hay cải tạo hạ tầng.
Nỗi lo này là hoàn toàn có cơ sở, bởi cả nước hiện có 5 dự án sản xuất ethanol thì có 2 nhà máy của công ty Tùng Lâm ở Quảng Nam và Đồng Nai đang sản xuất cầm chừng, còn 3 dự án lớn khác đang ngừng hoạt động. Riêng nhà máy ethanol Phú Thọ còn chưa hoàn thành đầu tư do chậm tiến độ. Cả 3 dự án ethanol Dung Quất, Phú Thọ và Bình Phước đều có mặt trong danh sách 12 đại dự án của ngành công thương chờ xử lý vì đầu tư không hiệu quả.
Theo động thái mới đây nhất, Chính phủ đang xem xét để tái khởi động dự án ethanol Dung Quất, nhưng lộ trình cũng chưa rõ ràng. Bởi vậy, nỗi lo nguồn cung là một nỗi lo vô cùng chính đáng.
Sau nỗi lo về số lượng thì ethanol sản xuất trong nước cũng vấp phải vấn đề giá cả - khi giá thành sản xuất trong nước hiện nay cao hơn nhiều so với giá nhập khẩu và còn cao hơn so với giá xăng RON92 truyền thống.
Theo điều hành của Bộ Tài chính, giá ethanol được đưa vào tính giá cơ sở của 3 tháng đầu năm 2017 là 13.833,08 đồng/lít (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), trong khi giá xăng khoáng đã bao gồm thuế nhập khẩu, chi phí vận chuyển về đến Việt Nam mới ở khoảng trên 10.000 đồng/lít.
Với mức chênh lệch quá lớn này, dù không phải chịu thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ có 8% thay vì mức 10% của xăng khoáng; thuế bảo vệ môi trường thấp hơn 150 đồng; không phải trích quỹ bình ổn xăng dầu 300 đồng/lít; chi phí định mức cao hơn 200 đồng/lít... xăng E5 vẫn không thể có mức giá cạnh tranh để thu hút người tiêu dùng.
Thậm chí, theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, giá thành sản xuất ethanol của nhà máy Dung Quất năm 2013 (trước khi chính thức dừng hoạt động) còn lên tới 21.500 đồng/lít, gấp đôi xăng khoáng, sẽ không thể có cửa cạnh tranh nào.
Nguyên nhân chính gây ra khó khăn cho sản xuất ethanol là giá sắn nguyên liệu tăng cao, trong khi các nước khác trên thế giới đã dùng được những nguồn nguyên liệu rẻ hơn để sản xuất. Giá sắn lát khô trước khi có các nhà máy sản xuất ethanol, đầu năm 2009 khoảng 1.500 đồng/kg – 1.700 đồng/kg; nhưng từ khi nhà máy sản xuất ethanol sinh học đầu tiên bắt đầu đi vào hoạt động đến nay giá sắn lát luôn trên mức 3.500 đồng/kg, có thời điểm giá lên đến 4.500 đồng/kg – 5.000 đồng/kg.
Trong khi đó, giá dầu thô giảm liên tục từ 147,27 USD/thùng vào giữa năm 2008 xuống đến dưới 30 USD/thùng vào cuối năm 2015. Đến thời điểm này, giá dầu thô đã nhích lên trên 50 USD/thùng, mang lại cho ethanol trong nước chút lợi thế tốt hơn, nhưng vẫn chưa đủ để cạnh tranh. Điều này cũng mang lại thiệt thòi cho người tiêu dùng khi luôn phải tiêu thụ ethanol giá cao.
Theo nguồn tin chúng tôi có được, Bộ Tài chính đã được đề nghị nghiên cứu xây dựng và ban hành chính sách thuế nhập khẩu ethanol nhiên liệu phù hợp để “chống độc quyền của các DN sản xuất ethanol trong nước”; cùng với đánh thuế xuất khẩu sắn nguyên liệu để đảm bảo nguồn cung cho các nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học. Tuy nhiên, do Thủ tướng chưa có chỉ đạo cuối cùng, nên chưa rõ Bộ Tài chính sẽ thực hiện việc này ra sao.
Bộ Tài chính còn được giao phối hợp với Bộ Công Thương tính toán để đảm bảo xăng E5 thấp hơn xăng RON95 từ 700-1000 đồng/lít để thu hút người tiêu dùng... Tuy nhiên, theo trao đổi của chúng tôi với một số đầu mối, giá cả không phải vấn đề đáng lo với E5. Vấn đề là thời gian chuẩn bị phải đủ để sẵn sàng về nguồn cung, hạ tầng và các giải pháp kỹ thuật, bởi cơ hội cho E5 sẽ chỉ có 1 lần.
.