Kinh tế xã hội

Đề án nhà ở công nhân: Bao giờ thành hiện thực?

14:19, 26/04/2017 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Người xưa có câu “An cư mới lạc nghiệp”. Thế nhưng, trong nhiều năm qua, đại đa số công nhân tại các khu công nghiệp và của các doanh nghiệp trên địa bàn Nghệ An vẫn đang phải sống trong những mái nhà chật hẹp, ẩm thấp, không đảm bảo điều kiện sinh hoạt. Ước mong của công nhân về một mái nhà ổn định vẫn còn khá xa vời...

Nhiều công nhân đang phải ở trong những căn nhà trọ ẩm thấp
Nhiều công nhân đang phải ở trong những căn nhà trọ ẩm thấp

Chị Nguyễn Thị Hương trước đây là công nhân Công ty Matrix Vinh. Quê chị Hương ở huyện Thanh Chương, điều kiện kinh tế có nhiều khó khăn. Năm 2010, chị xuống TP Vinh rồi chuyển việc qua 3, 4 công ty, nhà máy. Nguyên nhân chính vẫn là do chế độ đãi ngộ thấp. Năm 2012, chị vào làm việc tại Công ty Matrix Vinh. Cũng như bao nữ công nhân khác, chị lập gia đình rồi sinh con. Chồng chị cũng làm công nhân thợ hàn. Kể từ khi có con, cuộc sống với nhiều khoản chi tiêu càng khiến gia đình thêm khó khăn.

2 vợ chồng thuê nhà trọ gần Công ty. Nói là nhà chứ thực ra chỉ là chỗ “chui ra chui vào”. Diện tích chưa đến 15 m2, chỉ đủ kê 1 chiếc giường, cái bàn và ít vật dụng lặt vặt. Không biết có phải vì điều kiện sinh hoạt thiếu thốn hay không mà con gái chị rất hay ốm yếu. Cực chẳng đã, chị phải gửi bé về quê cho bà ngoại chăm sóc. Được thời gian, chị đành nghỉ việc để có thời gian chăm sóc con, nhất là khi bé thứ hai chuẩn bị chào đời.

Tâm sự về chuỗi ngày trên, chị Hương cho biết: “Xóm trọ chật chội, lại đông người nên việc tắm giặt, thậm chí lúc đi vệ sinh cũng phải xếp hàng chờ đến lượt. Người lớn đã bất tiện, nhà nào có trẻ con, nhất là khi mùa đông rét mướt càng khổ hơn. Mỗi phòng trọ có giá từ 500 - 700 nghìn đồng/tháng. Lương công nhân chúng tôi khoảng 3,5 - 4 triệu đồng/tháng, ngoài tiền ăn uống, sinh hoạt, tiền đóng học cho con, tiền thuê nhà thì còn lại không được bao nhiêu. Bởi vậy, phần lớn công nhân thuê trọ ở đây đều ở 2 người/phòng để tiết kiệm chi phí”.

Theo thông tin từ Tổng LĐLĐ Việt Nam, sắp tới, Tổng Liên đoàn sẽ triển khai xây dựng 15 khu nhà ở tại các khu chế xuất - khu công nghiệp để bán cho công nhân với mức giá khoảng 500 triệu đồng/căn. Riêng tầng một được dành làm nhà trẻ, văn phòng tư vấn pháp luật, siêu thị công đoàn… để phục vụ các tiện ích cho người lao động. Đây là một hợp phần trong tổng thể đề án xây nhà ở xã hội dành cho công nhân đã được Thủ tướng phê duyệt.

Theo đề án trên, trong năm 2017, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ triển khai tại 5 tỉnh, thành gồm: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Nam, Hà Nam và Tiền Giang. Trong đó, 3 tỉnh đã có sẵn nguồn đất sạch từ 1 - 3 ha gồm Quảng Nam, Hà Nam và Tiền Giang sẽ ưu tiên triển khai sớm.

Sau thời gian dài, việc quy hoạch xây dựng nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp vẫn chưa đi vào thực tế. Hiện tại, Khu kinh tế Đông Nam có hơn 4.500 lao động có nhu cầu về nhà ở, trong đó tập trung nhiều ở Khu công nghiệp Nam Cấm. Do khó khăn vì quy hoạch vướng vào một dự án khác nên đến nay, việc tìm quỹ đất, huy động nguồn lực để triển khai quy hoạch trên vào thực tế đang gặp không ít vướng mắc.

Trên thực tế, vẫn xảy ra tình trạng công nhân thuê nhà trọ với chi phí cao nhưng lại hạn chế về điều kiện sinh hoạt, không an toàn, không ổn định và không đảm bảo vệ sinh cho người ở. Bên cạnh đó, việc tổ chức cho công nhân tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí, sinh hoạt cộng đồng rất bế tắc sẽ ảnh hưởng đáng kể đến đời sống, sức khỏe, tâm lý của công nhân…

Để khắc phục tình trạng trên, bên cạnh việc quan tâm xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp, tỉnh cũng cần có những cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các nhà đầu tư xây dựng nhà ở xã hội với mục đích nhằm hỗ trợ giá mua nhà cho công nhân như: Hỗ trợ 100% chi phí lập, thẩm định, quy hoạch chi tiết và khảo sát, lập dự án, thiết kế bản vẽ thi công - dự toán công trình; được miễn lệ phí địa chính khi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; nhận ưu đãi giao đất đã bồi thường giải phóng mặt bằng... Với những cố gắng, nỗ lực trên, tin rằng, tình hình nhà ở của công nhân sẽ được cải thiện.

Theo phía Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Nghệ An, UBND tỉnh cũng có trao đổi về nội dung này với mong muốn nâng cao chất lượng cuộc sống cho công nhân viên. Theo đó, đồng chí Huỳnh Thanh Điền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng khẳng định sẽ huy động các nguồn lực, tìm quỹ đất, kêu gọi thêm các nguồn kinh phí để triển khai xây dựng, nhằm tạo chỗ ở ổn định cho công nhân trên địa bàn. Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng sẽ có hỗ trợ kinh phí. Tuy nhiên, đến nay, kế hoạch đó vẫn chưa thể triển khai.

Tuệ Trang

Các tin khác