Việt Nam sẽ phóng vệ tinh radar LOTUSat-1 vào năm 2019 và sau đó, năm 2022 sẽ phóng vệ tinh radar LOTUSat-2. Không chỉ giúp tiết kiệm hàng nghìn tỉ đồng mỗi năm nhờ giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, 2 vệ tinh này là minh chứng cho việc Việt Nam đang làm chủ công nghệ chế tạo vệ tinh.
Vệ tinh LOTUSat-1 và LOTUSat-2 là hợp phần quan trọng trong dự án Trung tâm Vệ tinh quốc gia-dự án khoa học và công nghệ lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay, với số tiền đầu tư là 600 triệu USD.
LOTUSat-1 và LOTUSat-2 có khối lượng 600 kg, tuổi thọ hoạt động trên quỹ đạo là 5 năm. Hai vệ tinh này sử dụng công nghệ radar, một công nghệ rất tiên tiến hiện nay.
So với công nghệ quang học được sử dụng trong vệ tinh VNRED Sat-1 (được phóng năm 2013, là vệ tinh quan sát Trái đất), công nghệ radar cho phép chụp ảnh trong mọi điều kiện thời tiết.
LOTUSat-1 và LOTUSat-2 còn có khả năng chụp ảnh các vật thể nhỏ. Nếu VNRED Sat-1 có thể phát hiện và chụp ảnh các vật thể có kích thước nhỏ nhất là 2,5 m trên Trái đất thì LOTUSat-1 và LOTUSat-2 có thể chụp được các vật thể có kích thước từ 1 m trở lên.
Việc đưa vệ tinh LOTUSat-1 và LOTUSat-2 vào hoạt động sẽ góp phần quan trọng trong việc cảnh báo sớm, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Các chuyên gia của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) từng đánh giá 2 vệ tinh này sẽ đưa ra các dữ liệu góp phần tăng hiệu quả của sản xuất nông nghiệp, tiết kiệm 150 triệu USD/năm cho Việt Nam nhờ giảm thiệt hại do thiên tai.
Để phục vụ việc chế tạo LOTUSat-1 cũng như từng bước làm chủ công nghệ chế tạo vũ trụ, 36 cán bộ Việt Nam đã được cử sang nghiên cứu, đào tạo tại Nhật Bản về công nghệ vũ trụ.
Bên cạnh việc chế tạo LOTUSat-1 và LOTUSat-2, dự án Trung tâm Vệ tinh quốc gia còn nhiều hợp phần đồng bộ khác để đưa Việt Nam tiến lên làm chủ công nghệ vệ tinh, như hợp phần đào tạo nhân lực ngành công nghệ vũ trụ, hợp phần xây dựng Trung tâm Vệ tinh quốc gia tại Khu công nghệ cao Láng Hòa Lạc.