(Congannghean.vn)-Xuất thân từ hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn nhưng họ đã không ngừng nỗ lực vươn lên làm giàu bằng chính bàn tay, khối óc của mình. Nhờ mạnh dạn “dám nghĩ, dám làm”, những nông dân một thời chân lấm tay bùn đã trở thành những doanh nhân thành đạt ngay trên chính mảnh đất mà mình sinh ra và lớn lên.
Doanh nhân Phan Văn Hoà thành công với việc lai tạo, sản xuất giống lúa tím thảo dược |
1. Ở huyện Diễn Châu, khi nhắc tới doanh nhân Nguyễn Thị Toàn, Phó Giám đốc Công ty TNHH Hợp Tiến thì ai cũng biết. Sinh ra trong một gia đình nông dân có 9 người con, từ nhỏ, chị Toàn đã sớm nếm đủ khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Những năm 80 trở về trước, người dân xã Diễn Hạnh phải làm thuê, làm mướn để bươn chải cuộc sống. Ngoài bám trụ mấy sào ruộng phụ giúp bố mẹ, chị Toàn còn lo chạy ăn từng bữa. Đến bây giờ, mỗi khi nhắc lại thời cơ hàn, chị Toàn lại rưng rưng không nói nên lời.
Sau khi lập gia đình với người đàn ông cùng xã, nhiều đêm chị Toàn trằn trọc suy nghĩ phải làm sao để thoát nghèo? Năm 1990, vợ chồng chị mạnh dạn vay mượn tiền của anh em, bạn bè để thành lập tổ hợp xây dựng gồm hơn 20 người. Từ chỗ nhận thầu xây dựng những công trình nhỏ trong xã, trong vùng để tạo công ăn việc làm tại chỗ cho các tổ thợ, sau 10 năm, vợ chồng chị đã thành lập Công ty TNHH Hợp Tiến chuyên nhận thi công, đầu tư các công trình xây dựng.
Với phương châm lấy uy tín làm đầu, thương hiệu của Hợp Tiến không chỉ đứng vững trên thị trường mà còn khẳng định được niềm tin đối với đối tác gần xa. Hiện nay, công ty của vợ chồng chị không chỉ thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước mà còn trở thành “bảo mẫu” của không ít hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn trong xã hội.
Ngoài ra, Công ty TNHH Hợp Tiến còn giải quyết việc làm ổn định cho hơn 100 lao động địa phương với các chế độ xã hội đầy đủ. Doanh nghiệp của chị Toàn cũng được các cấp ghi nhận về sự vượt khó vươn lên sản xuất kinh doanh giỏi trong suốt thời gian qua.
Tấm lòng của nữ doanh nhân Nguyễn Thị Toàn cũng được nhiều tổ chức, đơn vị ghi nhận. Hàng năm, doanh nghiệp của chị đóng góp hàng chục triệu đồng vào quỹ từ thiện của địa phương cũng như tham gia giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn trong xã hội. Đặc biệt, từ năm 2014 đến nay, đều đặn thứ 3 hàng tuần, doanh nghiệp của chị đều tham gia nấu cháo miễn phí cho bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện Đa khoa huyện Diễn Châu.
2. Xuất thân từ một nông dân ở quê lúa huyện Yên Thành, từng kinh qua các chiến trường ác liệt rồi xuất ngũ trở về quê hương với chế độ bệnh binh 2/3 nhưng ông Phan Văn Hoà vẫn không chịu khuất phục trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình.
Năm 1984, sau khi về quê xã Vĩnh Thành lập gia đình sinh sống bên những mảnh ruộng hoang hoá, cằn cỗi, Phan Văn Hoà luôn đau đáu về hình ảnh người nông dân quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà vẫn nghèo đói. Phải làm sao để nâng cao năng suất giống cây trồng để giúp chính gia đình mình không phải chịu cảnh thiếu đói mỗi mùa giáp hạt? Nghĩ là làm. Ban đầu, nông dân Phan Văn Hoà tự mày mò thâm canh, tăng vụ, cải tạo đất đai trên chính thửa ruộng của mình.
Thành công từ thửa ruộng nhỏ được hợp tác xã giao khoán cho gia đình, đến năm 1990, ông bàn với vợ mạnh dạn làm đơn xin chính quyền xã nhận cải tạo 5 ha đầm hoang Hói Sác để làm mô hình lúa - cá. Tuy nhiên, chỉ được một mùa thu hoạch thắng lợi, vụ thứ 2 thả cá, ông trắng tay vì đất nhiễm mặn, cá chết trắng đồng.
Không chịu bó tay trước thất bại, khi cơ chế của Nhà nước mở cửa, khuyến khích cá nhân, hộ gia đình, Phan Văn Hòa đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng để đầu tư máy móc, thuê nhân công cải tạo ruộng, đắp bờ ngăn mặn để trồng lúa nước. Thế nhưng, với cây lúa truyền thống, năng suất vừa thấp lại không có giá trị trên thị trường khi bán ra, ông lại phải suy nghĩ tìm hướng đi mới trên chính ruộng lúa của mình.
Đến năm 2004, qua tìm hiểu sách báo, ông Hòa ra tận Viện Giống cây trồng ở Hà Nội để tìm giống lúa mới cho năng suất cao. Tìm gặp GS.VS Vũ Tuyên Hoàng, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, nài nỉ mãi, Phan Văn Hòa đã mua được 0,5 kg lúa AC5 rồi hăm hở về quê trong niềm tin khát vọng khảo nghiệm. Thế rồi, từ những hạt giống quý giá ấy, Phan Văn Hòa đem gieo trồng thành công cho năng suất 3,2 tạ/sào, vượt trội so với các loại lúa thông thường nhập ngoại. Khi thu hoạch, gạo AC5 có ưu điểm hạt mẩy, nấu lên thơm, dẻo được nhiều người ưa thích. Năm sau, ông mạnh dạn nhân giống gieo trồng đại trà trên cánh đồng của mình.
Chưa dừng lại ở đó, Phan Văn Hòa còn tự mình đến từng đồng ruộng các xã trong huyện Yên Thành và các huyện lân cận như Đô Lương, Diễn Châu, Quỳnh Lưu… để tư vấn cho bà con cách gieo trồng giống lúa chất lượng cao AC5. Thương hiệu “Lúa gạo xứ Nghệ” sau khi được Công ty TNHH KHCN Vĩnh Hòa do ông Phan Văn Hòa làm Giám đốc ký mua bản quyền giống lúa AC5 với Viện Cây lương thực, khách hàng trong và ngoài nước tìm đến ngày một đông.
Và, cái quan trọng nhất là ông Phan Văn Hòa đã giúp người nông dân có một loại giống lúa nội ưu Việt, không phải lệ thuộc vào giống lúa nhập khẩu từ Trung Quốc như trước đây. Không chỉ thuần hoá được giống lúa nội, hiện nay, doanh nhân Phan Văn Hoà còn lai tạo thành công giống lúa thảo dược được khách hàng gần xa ưa chuộng, tìm về đặt mua.
3. Đó là 2 trong số hàng trăm doanh nhân xuất thân từ nông dân trên quê hương xứ Nghệ trở thành tấm gương sáng về sản xuất kinh doanh để mọi người học tập, noi theo. Tuy nhiên, để có được thành công như ngày hôm nay, ít ai biết được những con người ấy đã trải qua một thời gian khốn khó, túng thiếu trăm bề. Bằng nghị lực, chịu khó mày mò, sự sáng tạo, họ đã vượt lên tất cả để khẳng định bản thân trong cơ chế thị trường. Đặc biệt, ngoài việc tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương, bằng tấm lòng bao dung, nhân hậu của mình, những doanh nhân xuất thân từ nông dân đã giúp đỡ, cưu mang nhiều hoàn cảnh khó khăn, kém may mắn trong xã hội.