(Congannghean.vn)-Liên tiếp trong các ngày 8 - 9/11, đại diện của Ngân hàng Thế giới đã có các buổi làm việc với UBND TP Vinh và UBND tỉnh Nghệ An về tiến độ Tiểu dự án phát triển đô thị Vinh. Qua kiểm tra thực tế tại hiện trường về tiến độ thi công các gói thầu của Dự án, thêm một lần nữa đại diện nhà tài trợ ra “tối hậu thư” nếu đến ngày 31/12/2016, chủ đầu tư không có mặt bằng sạch trên tất cả các gói thầu để bàn giao cho đơn vị thi công thì sẽ cắt vốn.
Giải ngân nhanh, thi công chậm
Cải tạo, nâng cấp hồ Cửa Nam - một trong những hợp phần chậm tiến độ |
Dự án phát triển đô thị Vinh được khởi công xây dựng từ tháng 6/2013 và dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng vào tháng 8/2017. Với mục đích sẽ góp phần làm thay đổi diện mạo của thành phố theo hướng quy mô văn minh, hiện đại, Dự án do Ngân hàng Thế giới tài trợ này là một trong những công trình được cho là lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn TP Vinh khi được thực hiện trên địa bàn 16 phường và 9 xã ngoại thành.
Trong đó, bao gồm 4 hợp phần: Cải thiện dịch vụ và nâng cấp cơ sở hạ tầng cơ bản; cải thiện vệ sinh môi trường; xây dựng cầu, đường đô thị và tăng cường năng lực hạ tầng kỹ thuật. Tổng mức đầu tư của dự án là 152,922 triệu USD, tương đương 3.180 tỉ đồng, trong đó vốn vay của Ngân hàng Thế giới là 98 triệu USD, phần còn lại nguồn vốn đối ứng trong nước.
Tính đến thời điểm hiện nay, trong số 16 gói thầu, chỉ mới hoàn thành 5 gói, gồm cải thiện vệ sinh trường học, nâng cấp và cải tạo mương kênh Bắc giai đoạn 1, nâng cấp và cải tạo mương số 3, nâng cấp và cải tạo kênh Bắc đoạn 2 và xây dựng khu tái định cư xóm 5, xã Nghi Phú. Trong số 11 gói thầu còn lại đang gấp rút triển khai thi công thì có đến 8 gói thầu đang vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB).
Thậm chí, theo đánh giá thì trong số này có đến 5 gói thầu còn vướng GPMB không có khả năng hoàn thành theo tiến độ, bao gồm: Gói thầu nâng cấp, cải tạo hào xung quanh Thành cổ Vinh; 3 gói thầu xây dựng đường Vinh - Hưng Tây và gói thầu xây dựng đường nối Quốc lộ 46 với đường ven sông Lam.
Theo báo cáo của Ban quản lý Tiểu dự án phát triển đô thị Vinh thì tính đến thời điểm hiện nay, tiến độ giải ngân nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới là trên 42 triệu USD, đạt 50% tổng vốn dự án, nguồn vốn đối ứng đã giải ngân là 745/805 tỉ đồng, đạt 92,5%. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện các gói thầu đang thi công lại tỉ lệ nghịch với tiến độ giải ngân, khi khối lượng các công trình mới chỉ đạt từ 30 - 35%, trong khi đó thời gian thực hiện đã trên 77%.
Cụ thể, theo báo cáo, đến thời điểm hiện nay, một số hợp phần của Dự án đang rất ì ạch, đơn cử gói thầu xây dựng đường Vinh - Hưng Tây và cầu vượt đường sắt ký hợp đồng ngày 29/2/2016, cam kết hoàn thành ngày 14/7/2017. Tuy nhiên, khối lượng thi công ước đạt 30%, trong khi thời gian đã triển khai khoảng 50%; gói thầu nâng cấp, cải tạo mương xung quanh Thành cổ Vinh, được ký hợp đồng ngày 27/1/2016, kế hoạch hoàn thành vào ngày 10/8/2017 song đến nay khối lượng thi công ước đạt khoảng 30%, trong khi thời gian đã triển khai hơn 50%; gói thầu xây dựng đường nối Quốc lộ 46 với đường ven sông Lam ký hợp đồng ngày 28/1/2016, hoàn thành ngày 11/6/2017, đến nay khối lượng thi công ước đạt 35%, trong khi thời gian đã triển khai khoảng 64%.
Nguyên nhân chủ yếu, theo UBND TP Vinh là do một số hộ dân không đồng thuận các phương án bồi thường, việc xác định nguồn gốc sử dụng đất, tài sản trên đất còn nhiều khó khăn và với tiến độ như hiện tại, rất khó để hoàn thành 11 hạng mục còn lại trước tháng 8/2017 theo như cam kết.
Gói thầu đường 72 m Vinh - Hưng Tây đang bị vướng mặt bằng |
Vì đâu nên nỗi?
Tại buổi làm việc với UBND TP Vinh cũng như UBND tỉnh Nghệ An, đại diện Ngân hàng Thế giới yêu cầu UBND TP Vinh và các phòng, ban, chính quyền các phường, xã cần đẩy nhanh tiến độ GPMB, chậm nhất đến ngày 31/12/2016 phải bàn giao mặt sạch cho các đơn vị thi công ở tất cả các gói thầu. Nếu không kịp tiến độ sẽ cắt vốn tài trợ đối với các gói thầu không hoàn thành.
Trước đó, vào ngày 15/6/2016, tại buổi làm việc với UBND tỉnh, đại diện Ngân hàng Thế giới cũng đưa ra yêu cầu, đến ngày 30/9/2016, nếu Nghệ An không hoàn thành việc bàn giao mặt bằng cho tất cả các gói thầu Dự án thì nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới sẽ có quyết định về việc không tiếp tục giải ngân. Song từ đó đến nay, việc GPMB vẫn đang rất ì ạch.
Đến ngày 26/10/2016, đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Nguyễn Xuân Đường, Chủ tịch UBND tỉnh dẫn đầu đi kiểm tra tiến độ Dự án, sau khi thị sát tại hiện trường, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND TP Vinh và huyện Hưng Nguyên khẩn trương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan, kể cả làm việc vào các ngày thứ 7 và chủ nhật để chậm nhất phải bàn giao xong mặt bằng vào ngày 30/11/2016.
Ngoài chậm trễ về GPMB, một nguyên nhân khác mà chủ đầu tư đưa ra khiến Dự án chậm tiến độ là vốn đối ứng giải ngân chậm. Tuy nhiên, nếu so sánh với con số 745 tỉ đồng đã giải ngân trong tổng số vốn đối ứng là 805 tỉ đồng (92%) thì không thể nói là chậm, trong khi khối lượng công việc thi công chỉ mới đạt gần 40%.
Hai lần để đại diện Ngân hàng Thế giới ra “tối hậu thư” cắt vốn, và trước đó tại một số gói thầu, UBND tỉnh Nghệ An cũng có động thái tương tự, thì cần phải nhìn nhận vào thực tế, liệu năng lực nhà thầu mà Ban quản lý Tiểu dự án phát triển đô thị Vinh lựa chọn có đủ năng lực để thực hiện?
Cụ thể, tại Dự án tái định cư Quán Bàu, ngoài Công ty Hà Huy, hai đơn vị còn lại là Công ty TNHH Quang Minh và Công ty CPXL tổng hợp Trường Long, gần như chưa được ai biết đến ở lĩnh vực xây dựng. Tương tự, một số đơn vị khác như Công ty TNHH Thịnh Hưng (gói cải tạo hào Thành cổ Vinh); Công ty TNHH Tân An (gói cải tạo kênh Bắc 2)… đều là những cái tên rất “lạ lẫm”. Liệu đây có phải là một trong nguyên nhân dẫn đến Dự án chậm tiến độ nhưng lại được chủ đầu tư ưu ái “né tránh”?