(Congannghean.vn)-Đã thành thông lệ, cứ đến cuối tháng 10 hàng năm, thị trường hàng hóa lại trở nên sôi động hơn do nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao. Đây cũng là thời điểm và cơ hội để các hàng hóa kém chất lượng, hàng cấm, hàng giả trà trộn vào thị trường. Để ngăn ngừa và hạn chế thấp nhất tình trạng này, hiện nay, cơ quan chức năng trên địa bàn Nghệ An đang tích cực tổ chức các đợt kiểm tra nhằm phát hiện và xử lý những trường hợp gian lận thương mại, góp phần bình ổn thị trường những tháng cuối năm.
Cán bộ Quản lý thị trường Nghệ An kiểm tra hàng hóa không rõ nguồn gốc thu giữ được |
Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh, Nghệ An là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi để các đối tượng lợi dụng hoạt động buôn bán, tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng. Trong thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, chỉ thị, chỉ đạo nhằm tăng cường công tác QLTT. Các văn bản, quy định pháp luật về lĩnh vực QLTT đã được phổ biến sâu rộng tới người dân, giúp người dân tự nguyện giám sát, phát hiện, tố giác; cùng với chính quyền và các ngành chức năng chủ động phòng, chống các vi phạm lên lĩnh vực này. Lãnh đạo tỉnh cũng yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường quản lý biên giới, kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh, kinh doanh xuất nhập khẩu, trao đổi hàng hoá của cư dân vùng biên.
10 tháng đầu năm 2016, lực lượng chức năng đã xử lý 9.793 vụ buôn lậu hàng giả, gian lận thương mại; tổng giá trị thu phạt ước đạt 315 tỉ 762 triệu đồng. Trong đó: Phạt hành chính 86 tỉ 771 triệu đồng; phạt và truy thu thuế 151 tỉ 490 triệu đồng; trị giá hàng vi phạm ước tính 77 tỉ 501 triệu đồng. |
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, các cơ quan chức năng đã lên kế hoạch, phương án kiểm tra, theo dõi, nắm tình hình hoạt động vận chuyển, tập kết, phương thức, thủ đoạn trong vận chuyển, trung chuyển hàng hóa tại các địa điểm dọc Quốc lộ 1. Chính vì xử lý tốt các nguồn thông tin, nhận định đúng tình hình và đưa ra phương án xử lý kịp thời, hiệu quả nên số vụ kiểm tra, xử phạt hành chính... được nhìn nhận và đánh giá là khá tốt so với một số tỉnh có điều kiện địa hình, địa lý tương tự.
Theo đó, lực lượng chức năng tập trung kiểm soát những mặt hàng là những nhu yếu phẩm có nhu cầu tiêu dùng lớn trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý... tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở chế biến thực phẩm, các kho chứa hàng hóa đông lạnh. Đặc biệt, những mặt hàng lâu nay được xem là nổi cộm, mất an toàn vệ sinh thực phẩm tái diễn nhiều lần như bánh, mứt, kẹo, hàng gia dụng giả... sẽ được tập trung kiểm tra triệt để hơn nữa.
Theo đánh giá, nhìn chung, hiện nay, tình hình giá cả thị trường trên địa bàn tương đối ổn định, một số nhóm hàng công nghệ thực phẩm và rau quả tăng từ 5 - 10%. Các lực lượng chức năng đang tập trung kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết đối với các sản phẩm chủ lực như: Bánh, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, thuốc tân dược, xăng dầu, vật liệu xây dựng...
Qua kiểm tra cho thấy, tình hình vận chuyển, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, không dán nhãn hàng hóa vẫn còn xảy ra, tập trung ở nhóm hàng: Công nghệ thực phẩm, hóa mỹ phẩm, đồ điện gia dụng, quần áo, phụ tùng ôtô, đồ điện gia dụng... Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, sẽ có không ít hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng lậu... vẫn bày bán và tìm cách "qua mặt" các cơ quan chức năng, nhất là việc ghi nhãn mác hàng hóa và niêm yết giá bán, hàng lậu, hàng giả, hàng nhái chưa nhận được sự quan tâm đúng mức từ phía khách hàng.
Trong các phiên chợ quê, các sạp hàng hóa ở vùng nông thôn vẫn có sự nhập nhằng giữa hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa không có xuất xứ, hóa đơn, hàng nhái.... Trên thực tế, hàng giả, hàng nhái được làm khá tinh vi, nếu chỉ nhìn bằng mắt thường và cảm quan thì rất khó phát hiện, gây nhiều khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát.
Để ngăn chặn có hiệu quả các hành vi vi phạm, từ nay đến cuối năm, lực lượng chức năng cần bám sát địa bàn, nắm bắt tình hình thị trường, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm về vận chuyển, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng cấm, hàng giả và gian lận thương mại; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành các quy định của pháp luật cho các tổ chức, cá nhân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Từ đó tạo ra sự chuyển biến tích cực, rõ nét về nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức sản xuất, kinh doanh cũng như người tiêu dùng.
.