(Congannghean.vn)-Phát triển, nhân rộng diện tích rừng trồng là chủ trương đang được các cấp, ngành quan tâm, chỉ đạo đến từng cơ sở trong suốt thời gian qua. Chính vì vậy, nhu cầu cần nguồn giống cây con để phát triển sản xuất trên đất lâm nghiệp hàng năm rất lớn. Thế nhưng, có một thực tế đang tồn tại hiện nay là vấn đề quản lý đầu vào lẫn đầu ra đối với các loại giống cây con nói trên đang còn diễn ra phức tạp theo kiểu “mạnh ai nấy làm”.
Nhiều cơ sở ươm giống theo kiểu tự phát
Để đáp ứng nhu cầu trồng rừng, mở rộng diện tích đất lâm nghiệp, trong những năm qua đã xuất hiện nhiều cá nhân, tập thể đầu tư phát triển vườn ươm. Vì vậy, nguồn giống cây con như keo, tràm, lim, sến… hàng năm được tung ra thị trường rất lớn. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là bên cạnh nguồn cây con phục vụ trồng rừng do chính những đơn vị lâm nghiệp ươm được cấp giấy phép theo quy định thì cũng có khá nhiều cá nhân, tổ chức ươm giống tự phát cung cấp.
Người dân xã Ngọc Sơn, huyện Quỳnh Lưu ươm giống cây lâm nghiệp |
Với kinh nghiệm ươm giống cây từ gần 10 năm nay nhưng khi được hỏi về nguồn gốc hạt giống và các thủ tục giấy phép liên quan, gia đình bà Trần Thị Hoa ở xóm 2, xã Ngọc Sơn, huyện Quỳnh Lưu lại trả lời một cách lúng túng. “Ban đầu chỉ xác định ươm giống cây keo, tràm để phục vụ trồng rừng của gia đình mình. Thế nhưng, khi thấy nhu cầu của nhiều người tại địa phương đặt mua nên gia đình tôi cũng mạnh dạn khoanh đất để tuyển lựa hạt giống rồi ươm. Sau nhiều năm, thấy nghề này cũng cho thu nhập khá nên nhiều người ở đây đã làm theo, học hỏi kinh nghiệm của nhau để ươm giống cây. Bây giờ, giống cây con của địa phương chúng tôi được nhiều khách hàng ở khắp nơi tìm về mua”, bà Hoa cho biết.
Theo bà Hoa, chỉ cần bỏ vài trăm nghìn đồng là có thể mua được 1 kg hạt keo, tràm để về ươm với số lượng hàng nghìn cây con. Chi phí bỏ ra thấp, kỹ thuật ươm trồng không phức tạp, nguồn nhân công tại chỗ nhiều nên trong những năm qua, phong trào nhân giống cây lâm nghiệp ở xã Ngọc Sơn phát triển khá nhanh. Nếu như gần 10 năm trước chỉ có lác đác vài hộ thì đến nay, tại các xóm 2 và 3 đã có hơn 30 hộ chuyên làm nghề này trên tổng diện tích đất ươm giống khoảng 5 ha. Nhờ đó, những hộ ươm giống cây lâm nghiệp ở đây có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Qua khảo sát, tìm hiểu ở nhiều địa phương như: Đô Lương, Thanh Chương, Quỳnh Lưu, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, TX Thái Hoà… xuất hiện hàng nghìn hộ dân ươm giống cây con theo kiểu tự phát. Có nghĩa là những cơ sở này không có giấy phép đăng ký kinh doanh sản xuất các loại giống cây con mà chỉ tự mày mò ươm giống rồi bán ra thị trường.
Ngoài ra, nguồn gốc về mô để nhân giống, giâm hom cũng được người dân tự mua trôi nổi trên thị trường. Vì vậy, hàng năm trên địa bàn toàn tỉnh đã có hàng triệu giống cây lâm nghiệp được sản xuất từ những “lò” ươm tự phát. Và, giá cả đầu ra đối với những loại giống cây như vậy sẽ rẻ hơn tại những cơ sở hợp pháp vì không phải chịu bất cứ loại phí thuế nào theo quy định của pháp luật. Điều này đã làm cho thị trường giống cây lâm nghiệp bị đảo lộn trong thời gian qua.
Chưa kể, nguồn đầu vào lẫn đầu ra đối với những cơ sở ươm giống tự phát không được kiểm soát chặt chẽ về mặt chất lượng sẽ kéo theo nhiều hệ quả đối với thực trạng diện tích rừng lâm nghiệp sau này.
Cần siết chặt quản lý chất lượng cây giống
Theo thống kê của Chi cục Lâm nghiệp, đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn Nghệ An có 32 cơ sở của các cá nhân, tổ chức (chủ yếu là ban quản lý rừng phòng hộ, tổng đội thanh niên xung phong, công ty lâm nghiệp, hợp tác xã lâm nghiệp các huyện) được cấp phép ươm giống cây lâm nghiệp. Những cơ sở này đã cung cấp ra thị trường gần 30 triệu cây giống các loại để trồng trên diện tích đất lâm nghiệp. Trong khi đó, nhu cầu cây giống để trồng rừng hàng năm trên địa bàn Nghệ An hiện vẫn chưa đáp ứng được đủ, kịp thời.
Chỉ tính riêng trong năm 2016, Nghệ An cần khoảng gần 40 triệu cây giống các loại để trồng trên 16 nghìn ha đất lâm nghiệp. Đặc biệt, trong tổng số cây giống lâm nghiệp cần trồng trong năm 2016 thì hiện nay mới có khoảng hơn 20 triệu giống cây được kiểm soát về mặt chất lượng sinh trưởng cũng như phát triển, chủng loại theo yêu cầu đặt ra. Điều đáng lo ngại là số lượng cây giống chưa được kiểm soát về mặt chất lượng lại do những cá nhân, tổ chức chưa đăng ký giấy phép hoạt động theo quy định cung cấp ra thị trường.
Được biết, trước thực trạng nói trên, ngày 15/7/2016, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh đã có Công văn số 1972/SNN về việc “Tăng cường công tác kiểm soát, nâng cao chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp”. Theo đó, Sở NN&PTNT yêu cầu UBND các huyện, thị xã khẩn trương chỉ đạo các phòng NN&PTNT có giải pháp kiểm soát chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp trong thời gian tới.
Cùng với đó, việc các đơn vị trực tiếp trồng rừng lấy giống cây con từ các cơ sở sản xuất trôi nổi, kém chất lượng sẽ bị ngăn cấm. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng như địa phương cần tuyên truyền, hướng dẫn các hộ dân, tổ chức tham gia ươm giống cây lâm nghiệp phải được đăng ký giấy phép theo quy định và kiểm soát chặt chẽ chất lượng mô giống đầu vào.
Ông Hoàng Quốc Việt, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Thực trạng giống cây con lâm nghiệp được các hộ dân, tổ chức sản xuất tự phát trên địa bàn trong thời gian qua diễn ra khá phức tạp. Chất lượng đầu vào lẫn nguồn giống tung ra trên thị trường không được kiểm soát chặt chẽ sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển của rừng trồng sau này. Chính vì vậy, thời gian tới, đơn vị sẽ có giải pháp tăng cường công tác quản lý về vấn đề này. Ngoài ra, đối với những đơn vị tham gia trực tiếp công tác trồng rừng cũng phải thực hiện nghiêm ngặt việc kiểm định chất lượng giống cây trước khi xuất trồng.
Với diện tích đất rừng cần phủ trống hàng năm trên địa bàn Nghệ An rất lớn nên nhu cầu về giống cây con cũng không phải là nhỏ. Tuy nhiên, thực tế các cơ sở ươm giống hiện nay lại chưa đáp ứng được so với yêu cầu đặt ra. Chính vì vậy, việc tăng cường công tác giám sát chặt chẽ chất lượng giống cây lâm nghiệp trước khi xuất trồng, các cơ quan chức năng cũng như địa phương cần phải tích cực tuyên truyền sâu rộng hơn nữa. Mặt khác, công tác xây dựng vùng quy hoạch ươm giống khoa học, đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật cũng cần đẩy mạnh, nhân rộng.