Phát biểu tại cuộc làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tỉnh An Giang chiều 11/11, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh muốn sản phẩm nông nghiệp tiêu thụ tốt buộc phải có chứng nhận an toàn.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang. Ảnh: VGP/Hoàng Anh |
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, trong năm qua, kinh tế An Giang đạt tốc độ tăng trưởng 6,5% - mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 5 năm qua.
Cùng với đó, kinh tế của tỉnh có nhiều tín hiệu tích cực khi mô hình rau màu (như dưa lưới) đạt hiệu quả kinh tế gấp 5-6 lần trồng lúa. Hiện tỉnh đã hợp tác với doanh nghiệp của Mỹ để mua giống và có hướng xây dựng nhà máy để tiêu thụ sản phẩm.
An Giang hiện có 10 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và tỉnh sẽ tiếp tục nhân rộng, đồng thời tỉnh thực hiện chuyển dịch diện tích đất trồng lúa sang trồng rau màu ứng dụng công nghệ cao (như rau màu, ngô) để cung cấp cho các nhà máy.
Tuy nhiên kinh tế của An Giang vẫn phụ thuộc nhiều vào các mặt hàng nông sản chủ lực là lúa và thuỷ sản nhưng trong thời điểm hiện nay, hàng hóa đang gặp khó khăn về giá cả thị trường, hoạt động sản xuất kinh doanh ở một số lĩnh vực phục hồi chậm.
Bà Võ Thị Ánh Xuân, Bí thư Tỉnh uỷ An Giang cho biết, dù tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh có tăng nhưng so với mặt bằng chung của các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, An Giang vẫn ở mức thấp. Vì vậy, tỉnh đang nỗ lực tìm hướng đi mới, trong đó tập trung xuất khẩu 3 mặt hàng chính là lúa, cá và rau màu...
Hiện nay, trong việc thực hiện 6 chương trình trọng tâm của địa phương, An Giang quan tâm đặc biệt tới chương trình xây dựng, phát triển nông thôn mới và chương trình nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh nhằm cải thiện môi trường đầu tư.
Trở lại An Giang lần này, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ niềm vui khi An Giang có nhiều thay đổi, nhất là tăng trưởng kinh tế và nhiều năm liền xuất hiện các mô hình sản xuất mới, đồng thời huy động sự tham gia của các hợp tác xã (HTX), liên minh HTX trong phát triển nông nghiệp.
Đặc biệt quan tâm đến các sản phẩm nông sản chủ lực của An Giang như gạo, thuỷ sản, trái cây đang gặp khó khăn về giá cả, thị trường, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng để giải quyết bài toán vốn và thị trường, tỉnh cần chú trọng hình thành liên hiệp HTX tiêu thụ nông sản sạch theo nhóm: Lúa, cá, tôm và rau củ quả với mục tiêu chỉ mua từ HTX và HTX trực tiếp tiêu thụ sản phẩm, từ đó thúc đẩy phát triển sản xuất.
Về tái cơ cấu nông nghiệp, An Giang cần hướng tới sản xuất quy mô lớn với các sản phẩm chủ lực, sử dụng giống chất lượng và năng suất cao, quy trình canh tác hiện đại gắn với chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm. Trong quá trình này, chủ thể quan trọng nhất phải là các HTX.
Ảnh: VGP/Hoàng Anh |
Ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết Liên minh HTX Việt Nam vừa khai trương chuỗi siêu thị nông sản, thực phẩm sạch Việt Nam do liên hiệp HTX nông sản sạch đứng ra thu mua hàng hóa của các HTX, rồi kiểm nghiệm, chứng nhận sản phẩm an toàn và đưa sản phẩm sạch đến với người tiêu dùng trên cả nước.
Vì vậy, An Giang nên nghiên cứu, phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam đưa nông sản của tỉnh tham gia chuỗi siêu thị này vì tất cả những sản phẩm khi tham gia sẽ được chứng nhận an toàn.
“Muốn sản phẩm nông nghiệp tiêu thụ tốt, phải có chứng nhận an toàn”, Chủ tịch MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.
Chia sẻ với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ An Giang về việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng chỉ số cạnh tranh, Chủ tịch MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho rằng An Giang cần chuẩn bị tốt 4 sẵn sàng.
Theo đó, trước hết là để thu hút được đầu tư, phải hoan nghênh những doanh nghiệp có nội lực tốt, phải hỗ trợ đầu tư và có chính sách tốt trong tạo điều kiện quy hoạch khu công nghiệp. Thứ hai là sẵn sàng cung cấp đất. Thứ ba là sẵn sàng cho việc đào tạo nhân lực và thứ tư là tổ chức đối thoại giữa doanh nghiệp với lãnh đạo tỉnh.