(Congannghean.vn)-Cùng với quá trình hội nhập sâu rộng quốc tế, trong những năm qua, Việt Nam đang cố gắng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng tình hình phát triển chung. Việc đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực có trình độ tay nghề, kỹ thuật hiện đại đang được các cơ sở đào tạo triển khai mạnh mẽ trên cả nước. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu thực tế, nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn gặp khó trong việc tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng cao.
Lao động ở Nghệ An chủ yếu là lao động tay nghề thấp |
Cuối năm 2015, cộng đồng kinh tế ASEAN (gọi tắt là AEC) chính thức được thành lập cùng với bản tuyên bố chung gồm lãnh đạo của 10 quốc gia trong khối Đông Nam Á tham gia ký kết, trong đó có Việt Nam. Đây là tổ chức kinh tế mở ra hướng phát triển có lợi cho các nước thành viên về việc gỡ bỏ thuế quan, tạo đà cho các DN nâng cao chất lượng sản phẩm, trình độ sản xuất… Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra cho các DN Việt Nam vấn đề phải sớm đưa ra lộ trình cải tổ, hoàn thiện quy trình sản xuất theo hướng hiện đại.
Bên cạnh đó, gia nhập AEC, DN trong nước đứng trước thách thức về cạnh tranh sản phẩm của mình với hàng hoá cùng chủng loại được nhập khẩu với thuế quan gần như bằng 0%. Đặc biệt, với nhiều mặt hàng nông nghiệp như: Gia cầm, thịt gà, trứng gia cầm, gạo, đường… được nhập khẩu vào Việt Nam với mức thuế rất thấp vào những năm tới sẽ khiến thị trường trong nước có nhiều biến động. Vấn đề này đặt ra cho DN trong nước phải sớm đưa ra lộ trình nâng cao chất lượng sản phẩm để cạnh tranh với hàng hoá nhập khẩu.
Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, để DN trong nước không bị động trước sức cạnh tranh gay gắt trong thời gian tới, ngoài việc đổi mới dây chuyền sản xuất, cần phải nâng cao trình độ nhân lực bởi đây là yếu tố quyết định sự tồn tại của các DN. Nếu DN có nguồn nhân lực yếu về chuyên môn, kém về năng lực, trình độ thì nguy cơ bị đánh bật ra khỏi thương trường là điều khó tránh khỏi.
“Chúng tôi chuyên kinh doanh, sản xuất đồ nội thất nên cần lao động có tay nghề và trình độ kỹ thuật cao để điều khiển hệ thống máy móc hiện đại. Thế nhưng, trong tổng số hơn 30 lao động thì số người có tay nghề kỹ thuật đáp ứng nhu cầu mới chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Nếu cứ tình trạng này, khi hàng hoá cùng chủng loại của các nước trong khu vực ASEAN tràn về, DN chúng tôi không biết sẽ cạnh tranh như thế nào. Hiện nay, chúng tôi đã đưa ra lộ trình cải tổ hệ thống sản xuất kinh doanh nhưng nguồn nhân lực để đáp ứng cho phù hợp lại rất khan hiếm”, ông Phạm Văn Đồng, Giám đốc Công ty cổ phần nội thất Hà Vinh cho biết.
Đây cũng là thực trạng chung đang tồn tại trên địa bàn tỉnh hiện nay, khi số lượng lao động có tay nghề kỹ thuật cao vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của DN. Chưa kể, khi Việt Nam gia nhập AEC, sự chuyển dịch lao động tự do giữa các nước trong khối ASEAN sẽ tăng nhanh. Điều này đồng nghĩa với việc, lao động Việt Nam có thể đi làm việc ở các nước trong khu vực Đông Nam Á mà không phải chịu chi phí xuất cảnh lớn và ngược lại.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra đang trở thành mối lo lắng của các cơ quan chức năng trong nước hiện nay là chất lượng nguồn nhân lực. Đây cũng là cụm từ được nhắc đi nhắc lại nhiều lần tại các hội thảo liên quan đến đào tạo nghề trong thời gian qua.
Hiện, Nghệ An có khoảng 1,8 triệu lao động nhưng nhân lực có tay nghề chỉ chiếm khoảng 48%; nhân lực chất lượng cao được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, xứng tầm với các nước trong khu vực Đông Nam Á chiếm tỉ lệ rất thấp. Để giải quyết những tồn tại về công tác đào tạo nghề, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 6980/QĐ-UBND.VXngày 12/12/2014 về việc phê duyệt Đề án “Phát triển cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020”.
Theo Đề án này thì đến năm 2020, nhu cầu lao động kỹ thuật đào tạo nghề (từ sơ cấp đến cao đẳng nghề) trên địa bàn là 1.202.849 người, chiếm tỉ lệ 84,4%. Có nghĩa là, từ nay đến năm 2020, bình quân mỗi năm Nghệ An phải đào tạo được khoảng 85 nghìn lao động có tay nghề.
Cũng trong thời gian tới, sẽ có 8 ngành nghề mà AEC đã thống nhất đưa ra ký kết chung về sự dịch chuyển lao động tự do gồm: Nha khoa, điều dưỡng, kỹ thuật, xây dựng, kế toán, kiến trúc, khảo sát và du lịch. Như vậy, việc tập trung nâng cao chất lượng đào tạo những ngành nghề này trong thời gian tới là điều cần thiết. Nếu chúng ta không đáp ứng được thì việc bị đánh bật ra khỏi thị trường lao động là điều hiển nhiên.
Ông Hồ Văn Hùng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An cho biết: Qua thống kê hàng năm mà đơn vị trực tiếp làm cầu nối để giới thiệu lao động trên địa bàn đi làm việc tại các DN thì số lao động đáp ứng được yêu cầu chiếm tỉ lệ rất thấp. Đại đa số là lao động phổ thông, có chăng cũng chỉ là sơ cấp nghề nên hiện DN cũng gặp khó trong quá trình tìm nguồn nhân lực có tay nghề cao, được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp. Bởi họ cho rằng, nếu tuyển về cũng phải bỏ ra một khoản tiền lớn để đào tạo lại nên khi người lao động phỏng vấn trực tiếp, DN đã đặt ra nhiều điều kiện rất khắt khe.
Trước thực trạng nói trên, ngoài việc tích cực nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo nghề, các cơ quan, ban, ngành liên quan cần định hướng tuyên truyền sâu rộng tới nhân dân. Đưa ra những ngành nghề dễ tìm được việc làm sau khi đào tạo hoặc chỉ cho người lao động hướng chọn nghề phù hợp là điều cần thiết. Làm tốt điều này sẽ đồng nghĩa với việc, người lao động cũng như DN trong nước có thể chủ động, tự tin khi hội nhập sâu rộng vào AEC.