Các cơ quan hoạch định chính sách cần thận trọng trong việc điều chỉnh chính sách tiền tệ, chú trọng đến tốc độ tăng trưởng. Đặc biệt, cần linh động điều chỉnh kế hoạch tăng trưởng tín dụng trong quý IV và đầu năm 2017.
Đây là nhận định của ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) tại buổi tọa đàm Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam 2016 do VEPR tổ chức ngày 11/10.
Ảnh minh họa |
Theo ông Thành, kinh tế thế giới có những yếu tố biến động như: Cục Dự trữ liên bang Mỹ tiếp tục để ngỏ khả năng tăng lãi suất, Nhật Bản rơi vào trạng thái giảm phát, trong khi đó Anh và Liên minh châu Âu vẫn chưa có quyết định gì về cách thức tiến hành Brexit.
Đồng thời, trong quý III cũng chứng kiến sự thay đổi ngược chiều về giá của các loại hàng hóa cơ bản trong khi giá các loại ngũ cốc chính giảm nhẹ, giá năng lượng vẫn đang trên đà phục hồi vững chắc. Những yếu tố bất trắc này có thể khiến cho việc dự báo ảnh hưởng của kinh tế thế giới tới Việt Nam trong ngắn hạn trở nên khó khăn hơn.
Ông Thành đánh giá, kinh tế trong nước phục hồi nhẹ so với nửa đầu năm nhờ những yếu tố tích cực đến từ khu vực công nghiệp chế biến chế tạo. Tuy nhiên, sự hồi phục này không đủ bù đắp suy giảm của ngành nông nghiệp và công nghiệp khai khoáng.
Lãnh đạo VEPR cũng có cùng quan điểm với Chính phủ về việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thay vì quá chú trọng vào mục tiêu tăng trưởng.
Ông Thành nhận định, lạm phát tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm là không thể tránh khỏi, khi giá dịch vụ y tế mới được điều chỉnh tại 16 tỉnh, thành phố trong quý IV. Giá năng lượng hồi phục, trong khi giá lương thực thế giới vẫn là một ẩn số, có thể tạo áp lực lên mặt bằng giá trong nước. Trong khi đó, cung tiền vẫn đang được điều chỉnh tăng nhanh hơn so với cùng kỳ năm 2015. Những yếu tố này khiến lạm phát hoàn toàn có khả năng chạm mức mục tiêu 5% mà Quốc hội đã đặt ra.
Do vậy, VEPR vẫn giữ vững quan điểm cho rằng, các cơ quan hoạch định chính sách cần thận trọng trong việc điều chỉnh chính sách tiền tệ. Đặc biệt, cần linh động trong điều chỉnh kế hoạch tăng trưởng tín dụng trong quý IV và đầu năm 2017, trong trường hợp có thể gây rủi ro lạm phát.
Hơn nữa, chi ngân sách đang có xu hướng gia tăng trong những tháng cuối năm và không kịp điều chỉnh xuống tương ứng với mức tăng trưởng kinh tế trên thực tế, trong khi thu ngân sách, đặc biệt là ngân sách Trung ương, lại gặp nhiều khó khăn vì phản ánh đúng thực tế tăng trưởng chậm hơn so với dự báo từ đầu năm. Việc thực hiện mục tiêu duy trì bội chi ngân sách dưới 5% GDP trong năm 2016 sẽ gặp nhiều khó khăn.
“Cần có một chiến lược tổng thể và hữu hiệu cắt giảm bộ máy hành chính và chi thường xuyên trong cả nhiệm kỳ. Ngoài ra, những biện pháp mang tính kỹ thuật khác như thoái vốn dứt khoát tại các doanh nghiệp (DN) Nhà nước như đã đề cập trong báo cáo trước cũng cần được xem xét”, ông Nguyễn Đức Thành nhận định.
Tăng cường hỗ trợ DN hợp lý
Điểm đáng khích lệ là vừa qua DN có điều kiện phát triển thuận lợi khi Chính phủ mới thể hiện rõ mối quan tâm trong cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh. Nghị quyết 19 và 35 của Chính phủ trong năm 2016 được kỳ vọng là sẽ giúp giảm bớt các thủ tục hành chính không cần thiết, cũng như hỗ trợ và phát triển DN, đặc biệt là khối DN tư nhân.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy cần có thời gian để đạt được sự phối hợp và nhất trí giữa các cơ quan thực thi 2 Nghị quyết này. Qua đây, cũng cho thấy thị trường và các nhà đầu tư đang theo dõi chặt chẽ quyết tâm cũng như khả năng của Chính phủ mới trong việc thực thi những chính sách mới một cách khả thi và hiệu quả.
Vấn đề lãi suất cũng được các chuyên gia quan tâm, coi đây là một yếu tố quan trọng liên quan đến tăng trưởng và lạm phát.
Lãnh đạo VEPR cho rằng, nguồn huy động dồi dào trong khi tăng trưởng tín dụng duy trì ở mức vừa phải tạo điều kiện cho mặt bằng lãi suất hạ nhiệt.
Thực tế, lãi suất bình quân liên ngân hàng, cả qua đêm và một tuần đều giảm liên tục trong ba tháng vừa qua. Nguồn huy động dồi dào đã tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại lớn hạ lãi suất huy động, sau một thời gian dài giữ ở mức kịch trần. Cuối tháng 9, một số ngân hàng như Vietcombank, Vietinbank và BIDV đã đồng loạt điều chỉnh giảm các mức lãi suất kỳ hạn dưới một năm.
Đây là thời điểm thích hợp để các ngân hàng có thể cắt giảm từng bước lãi suất cho vay, khi mà áp lực chạy đua lãi suất không còn diễn ra như những quý trước. Điều này kỳ vọng góp phần tạo ra một cú huých cho DN trong những quý tiếp theo, bên cạnh nỗ lực hỗ trợ cải thiện môi trường kinh doanh hiện nay. Như vậy, đà tăng trưởng trở lại của nền kinh tế có thể được củng cố vững chắc hơn.
Còn TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, việc Bộ Tài chính vừa thực hiện khoán xe công đưa đón lãnh đạo là dấu hiệu tích cực. Tuy số tiền tiết kiệm hiện tại không lớn, nhưng đây là “bước đi nhỏ nhưng ý nghĩa lớn”, thay đổi tư duy về chi tiêu công. Khi có tác dụng, cả bộ máy sẽ phải tiết kiệm chi thường xuyên hơn, không chạy theo hình thức là công chức lãnh đạo thì phải đi xe “biển xanh”.
Chuyên gia Trương Đình Tuyển nhấn mạnh, cần gấp rút xử lý vấn đề nợ xấu, đặc biệt nợ xấu trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, các dự án BOT… để khơi thông vốn tín dụng với lãi suất hợp lý hơn cho DN.
“Nếu không giảm được nợ xấu thì rất khó giảm được lãi suất cho vay DN”, ông Tuyển chia sẻ.
Tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ tháng 9/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rõ: Không phải chỉ có quyết tâm, mà cần phải có giải pháp cụ thể để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6,3-6,5%, nhưng quan trọng là phải cải thiện chất lượng, tăng trưởng bền vững.
Với tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu việc kiểm điểm tình hình cần chú ý các bất cập, nhất là phản ứng chính sách cần thiết trong điều kiện kinh tế thị trường ở Việt Nam, những tác động của chính sách đã ban hành để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; chú trọng không chỉ tăng trưởng, mà phải chú ý cả các chỉ tiêu xã hội, môi trường; không chỉ quan tâm chỉ tiêu năm 2016, mà cả chỉ tiêu năm 2017 và kế hoạch trung hạn 2016-2021.