Kết luận Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu nhiều giải pháp khơi thông tiềm năng tăng trưởng, kiểm soát lạm phát. Dành trọn một ngày làm việc về phát triển kinh tế-xã hội, Chính phủ đã nghe 19 ý kiến phát biểu, thảo luận về các mặt được, chưa được của nền kinh tế cũng như đề xuất giải pháp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu hàng loạt giải pháp khơi thông tiềm năng tăng trưởng, kiểm soát lạm phát khi kết luận Phiên họp. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Các thành viên Chính phủ nhất trí tình hình kinh tế-xã hội tháng 5 và 5 tháng qua chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến tốc độ tăng trưởng cũng như việc ổn định kinh tế vĩ mô.
Nguồn lực cho tăng trưởng
Các thành viên Chính phủ đã tập trung thảo luận, đưa ra các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội để bảo đảm các mục tiêu đã đề ra, nhất là mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Dẫn lại một số ý kiến cho rằng tăng trưởng dưới tiềm năng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đặt vấn đề, phải chăng đây là tiềm năng con người, tiềm năng thể chế và tổ chức thực hiện khi mà tiềm năng vốn khá hạn hẹp. Phó Thủ tướng đề nghị phải có tổ hợp giải pháp về tái cơ cấu, đồng thời cần xác định tiến độ hoàn thành, thời hạn đối với các đề án tái cơ cấu như tái cơ cấu nông nghiệp, đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước, các tổ chức tín dụng, ngân hàng.
Theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp vừa được Chính phủ ban hành đã củng cố niềm tin của doanh nghiệp, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong xã hội. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là phải tổ chức thực hiện, làm sao biến niềm tin đó thành kết quả cụ thể. Phó Thủ tướng đề nghị tiếp tục tập trung tháo gỡ vướng mắc, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách hành chính, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, thúc đẩy sản xuất.
Trên góc độ đối ngoại, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhìn nhận, thời gian qua, việc tận dụng lợi ích từ các FTA đạt hiệu quả chưa cao, trong khi nếu tranh thủ tốt các FTA thì sẽ có dư địa cho tăng trưởng. Phó Thủ tướng cho biết các bộ, ngành đã nỗ lực đàm phán, tiến tới ký kết nhiều FTA theo hướng bảo đảm tối đa lợi ích. Do đó, phải có cơ chế, chính sách để có thể tận dụng đầy đủ lợi thế mà các FTA mang lại.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, nguồn lực đất đai của chúng ta còn lớn, cần phải giải phóng hơn nữa nguồn lực này. Cho rằng thời gian qua, còn tình trạng thất thoát, lãng phí trong sử dụng đất, nhất là còn nhiều dự án treo, Bộ trưởng kiến nghị Thanh tra Chính phủ tích cực vào cuộc, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong công tác thanh kiểm tra vấn đề này.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thì bày tỏ băn khoăn, “tiền có rồi nhưng giải ngân chậm; nên đẩy mạnh được công tác này. Đây chính là dư địa cho tăng trưởng”.
Phải đánh giá tác động trước khi điều chỉnh giá
Phát biểu kết luận Phiên họp, Thủ tướng nhấn mạnh định hướng điều hành là ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển bền vững, bảo đảm an sinh xã hội và khẳng định lại quyết tâm: Chưa điều chỉnh các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2016 mà Quốc hội đã thông qua.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
“Cả hệ thống chính quyền từ Trung ương tới địa phương phải chuyển biến mạnh mẽ để phục vụ phát triển, phục vụ nhân dân”, Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng yêu cầu tăng cường kiểm soát lạm phát, phấn đấu không vượt mức 5% đã đề ra. Khi dự kiến điều chỉnh giá, Bộ chủ trì, cùng với các bộ liên quan phải đánh giá tác động tới mặt bằng giá, cả trực tiếp và gián tiếp. Phối hợp tốt các chính sách trong quá trình điều hành, nhất là chính sách tài khóa và tiền tệ.
Không chấp nhận tình trạng có tiền mà không giải ngân được
Về các giải pháp khơi thông tiềm năng tăng trưởng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh. Các bộ trưởng cần công bố rõ lộ trình thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo tiêu chuẩn ASEAN-4, nếu đơn vị, bộ phận nào không thực hiện đúng thì xử lý nghiêm người đứng đầu đơn vị, bộ phận đó; phải kiểm tra ở tất cả các khâu chứ không chỉ dừng ở quy định trên giấy.
Dẫn trường hợp Indonesia giải quyết thủ tục cấp phép đầu tư chỉ trong 3 tiếng đồng hồ, Thủ tướng lưu ý, “nếu chúng ta không cải cách, không đổi mới, không giải quyết nhanh thủ tục thì sẽ tụt hậu”.
Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư, vốn ngân sách, ODA khi mà hiện nay, tỉ lệ giải ngân vốn ngân sách nhà nước mới đạt khoảng 20%. “Không chấp nhận tình trạng có tiền mà không giải ngân được”, Thủ tướng nêu rõ và lưu ý, hiện còn trên 22 tỷ USD vốn ODA cam kết chưa được giải ngân. Thủ tướng giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét các thủ tục giải ngân, báo cáo Thường trực Chính phủ trong tháng 6 này.
Huy động nguồn lực nhân dân cả trong và ngoài nước là giải pháp mà Thủ tướng yêu cầu bởi đây là nguồn lực rất lớn, chỉ tính kiều hối, mỗi năm có trên 10 tỷ USD. Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan đề xuất phương án huy động nguồn lực trong dân để đầu tư phát triển kinh tế-xã hội.
Không để doanh nghiệp “hụt hơi” do chi phí vốn
Thủ tướng chỉ đạo, Ngân hàng Nhà nước cần xây dựng phương án giảm dần lãi suất cho vay gắn liền với xử lý nợ xấu, không để doanh nghiệp “hụt hơi” do chi phí vốn, chi phí không chính thức. Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, khẩn trương hoàn thiện, trình dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước mà Nhà nước không cần chi phối vốn theo cách thức công khai, minh bạch, chống lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, tránh tình trạng lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước lập ra các doanh nghiệp sân sau; đẩy mạnh xã hội hóa đơn vị sự nghiệp công lập. Đoàn thanh niên, hội sinh viên cần tiếp tục phát động cao trào khởi nghiệp trong sinh viên các trường đại học, cao đẳng.
Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, sớm trình Chính phủ.
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, trong đó chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thích ứng với biến đổi khí hậu. “Cần đổi mới mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp. Nếu có mô hình tốt thì dư địa tăng trưởng trong nông nghiệp rất lớn”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng yêu cầu khẩn trương ban hành các văn bản quy định chi tiết pháp luật, nhất là đối với các luật có hiệu lực từ 1/7, bảo đảm chất lượng để giải phóng sức sản xuất, huy động nguồn lực cho phát triển.
Về lĩnh vực xã hội, bên cạnh yêu cầu bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện đầy đủ chính sách ưu đãi người có công, Thủ tướng nêu rõ, không để nhân dân ở Tây Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, các tỉnh miền Trung bị đứt bữa, con cái thất học, bệnh tật do ảnh hưởng của thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn.
Xử lý việc hội họp, đi nước ngoài gây lãng phí
Thủ tướng yêu cầu tháo gỡ mạnh mẽ hơn nữa điểm nghẽn trong phát triển nguồn nhân lực; đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, trước hết tổ chức tốt kỳ thi THPT quốc gia 2016; quan tâm bảo vệ môi trường, xử lý nghiêm mọi tổ chức, cá nhân vi phạm phát luật về môi trường, xử lý nghiêm vi phạm an toàn thực phẩm; tăng cường phòng chống tham nhũng, lãng phí.
Thủ tướng giao Bộ Tài chính tiếp tục rà soát để phát hiện, xử lý nghiêm, nhất là việc hội họp, xây dựng trụ sở, tổ chức đi nước ngoài và một số mục chi ngân sách không hợp lý, không đúng quy định.
Yêu cầu tăng cường kỷ luật kỷ cương trong bộ máy hành chính, Thủ tướng nêu rõ, yếu kém trong lĩnh vực này sẽ gây mất niềm tin trong nhân dân, là nguyên nhân của sự trì trệ trong phát triển. Thủ tướng cũng chỉ đạo sớm công bố kết thúc quy hoạch treo ở các địa phương
Đối với công tác thông tin truyền thông, Thủ tướng nêu yêu cầu phải định hướng đúng đắn dư luận, tạo đồng thuận vì sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh các bộ, ngành phải phát huy tinh thần chủ động, trách nhiệm, phải hành động quyết liệt, sáng tạo, phối hợp tốt với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội cũng như trực tiếp lắng nghe ý kiến nhân dân để phục vụ người dân tốt hơn.