(Congannghean.vn)-Nhằm phục vụ nhiệm vụ phát triển KT-XH, trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã và đang đầu tư xây dựng nhiều công trình thủy điện, hồ thủy lợi... Vì vậy, công tác di dân tái định cư đến nơi ở mới được tiến hành một cách đồng bộ. Tuy nhiên, tại các huyện như Quế Phong, Tương Dương, Thanh Chương (Nghệ An)…, sau khi đến nơi ở mới, người dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Tại huyện Quế Phong (Nghệ An), mặc dù công trình thủy điện Hủa Na với công suất thiết kế 180MW đã hòa lưới điện Quốc gia từ nhiều năm nay nhưng đến tháng 12/2015, “bài toán” hậu tái định cư cho hàng nghìn bà con nơi đây vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm.
Đến thời điểm hiện nay, Công ty Cổ phần thủy điện Hủa Na đã tiến hành giao đất cho tất cả 878 hộ thuộc 13 điểm tái định cư với diện tích trích đo là 159,3 ha. Tuy nhiên, diện tích đất giao ngoài thực địa mới chỉ chiếm gần 40% (394 hộ) trong tổng số hộ thuộc các điểm tái định cư và mới chỉ giao tạm thời ngoài thực địa được 1,06 ha đất sản xuất lúa nước tại bản Xốp Cọ - Nậm Niên, xã Tiền Phong, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An. Ngoài ra, tại 13 điểm tái định cư chỉ mới xây dựng, lắp đặt, đưa vào sử dụng được 11 công trình nước tự chảy.
Theo người dân ở đây phản ánh, do thiếu đất sản xuất, các công trình thủy lợi hoạt động kém hiệu quả nên tình trạng thiếu đói mùa giáp hạt vẫn còn tồn tại trong những năm qua. Chính vì vậy, mặc dù được đầu tư xây dựng nhà ở kiên cố nhưng người dân vẫn chưa thể yên tâm sinh sống. Tại nhiều điểm sạt lở vẫn còn xảy ra tình trạng tài sản, phương tiện sản xuất của bà con dân bản bị cuốn trôi.
Cán bộ khuyến nông huyện Thanh Chương hướng dẫn bà con vùng tái định cư thủy điện Bản Vẽ kỹ thuật trồng lúa nước |
Vấn đề tái định cư tại thủy điện Bản Vẽ đến nay vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm. Mặc dù dự án đã được triển khai hơn 10 năm qua nhưng đằng sau câu chuyện hậu tái định cư vẫn còn nhiều tồn tại, vướng mắc.
Tại cuộc họp giữa Ban quản lý thủy điện 2 và UBND tỉnh Nghệ An vào đầu tháng 10/2015 do đồng chí Huỳnh Thanh Điền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì, đã có nhiều ý kiến đưa ra nhằm tháo gỡ tình trạng nói trên. Đến nay, tiến độ cấp giấy CNQSDĐ cho các hộ dân khi di chuyển từ lòng hồ thủy điện Bản Vẽ đến các xã Hạnh Lâm, Ngọc Lâm của huyện Thanh Chương (Nghệ An) còn chậm. Nhiều hộ dân vẫn chưa được hỗ trợ tiền đền bù đến nơi ở mới vì sai tên hộ, nhân khẩu…?!
Các dự án hỗ trợ phát triển nông nghiệp nông thôn tại vùng tái định cư triển khai còn chậm, thậm chí chưa phát huy hiệu quả kinh tế. Tình trạng người dân “hồi hương” quay trở về sinh sống tại vùng lòng hồ Bản Vẽ vẫn còn xảy ra khá phổ biến. Thậm chí, tại nhiều bản làng vùng tái định cư, nhiều cặp vợ chồng phải nhờ ông bà trông coi con cái để trở lại lòng hồ mưu sinh bằng nghề cũ như phát nương làm rẫy, đánh bắt cá... theo lối sống du canh, du cư.
Được biết, để giải quyết vấn đề ổn định cuộc sống cho người dân tái định cư, thời gian qua, các cấp, ngành đã vào cuộc một cách đồng bộ, đưa ra nhiều giải pháp khắc phục. Thế nhưng, để người dân yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống lâu dài thì còn nhiều vấn đề phải giải quyết theo hướng bền vững.
Về vấn đề này, tại phiên chất vấn Kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 15, khóa XVI vào ngày 19/12/2015, ông Moong Văn Hợi, Trưởng Ban dân tộc tỉnh cho rằng, công tác ổn định cho người dân vùng tái định cư, trong đó có các dự án thủy điện trên địa bàn hiện nay vẫn chưa được giải quyết. Nhiều dự án còn dang dở, thậm chí không phát huy được hiệu quả, gây lãng phí tài sản của Nhà nước. Công tác hỗ trợ vốn để định canh, định cư vẫn còn thiếu, gây khó khăn cho người dân.
Thiết nghĩ, để sớm ổn định cuộc sống cho người dân vùng tái định cư thủy điện Hủa Na, Bản Vẽ, các cơ quan, ban, ngành cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa. Bên cạnh đó, vấn đề giải quyết đất sản xuất, hỗ trợ trồng trọt và chăn nuôi cho người dân cần được quan tâm kịp thời và có giải pháp bền vững. Đặc biệt, công tác đôn đốc nhà đầu tư giải quyết dứt điểm những nội dung đã cam kết trước đó đối với vấn đề hậu tái định cư cần phải được sớm triển khai, tránh tình trạng “chắp vá”, gây khó khăn cho đời sống người dân khi đến nơi ở mới.