(Congannghean.vn)-Thực tế hiện nay, nhiều nhà đầu tư sau khi đã được phê duyệt cho thuê đất nhưng lại không triển khai dự án theo như đăng ký trước đó. Và cũng có không ít nhà đầu tư thứ cấp tại các khu công nghiệp (KCN) có dấu hiệu đầu cơ đất để chuyển nhượng, thậm chí xây dựng dang dở rồi bỏ hoang. Điều này đã gây ra nhiều bất cập trong công tác quản lý đất đai, ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trong những năm qua, việc cải thiện môi trường đầu tư luôn được tỉnh Nghệ An quan tâm, tạo mọi điều kiện để thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Công tác giải phóng mặt bằng, mở rộng quỹ đất “sạch” cũng được tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành nhanh chóng triển khai tại các KCN đã được quy hoạch.
Có dấu hiệu đầu cơ, “găm” đất tại KCN Hoàng Mai dẫn tới KCN bị bỏ hoang |
Trong thời gian qua, việc nâng cao công tác thẩm định, sàng lọc năng lực của nhà đầu tư được các cơ quan chức năng tiến hành một cách chặt chẽ. Qua đó, nhiều hồ sơ đăng ký đầu tư ban đầu đã bị loại bỏ nhằm tránh tình trạng dự án “treo”, gây bức xúc cho nhân dân cũng như chính quyền địa phương. Chính vì vậy, tình trạng doanh nghiệp không đủ năng lực về tài chính tham gia đăng ký đầu tư vào các dự án ngày càng giảm.
Thế nhưng, có một số doanh nghiệp đã đăng ký đầu tư vào các KCN lại triển khai chậm tiến độ, đầu cơ đất để chuyển nhượng, thậm chí gây xáo trộn trong thị trường bất động sản. Nhiều nhà đầu tư đã cố tình “lách” luật để chia nhỏ diện tích đất đã được phê duyệt rồi tiến hành sử dụng sai mục đích, gây khó khăn cho công tác quản lý. Bên cạnh đó, nhiều dự án dù đã được phê duyệt nhưng nhà đầu tư lại bỏ hoang nhiều năm liền, gây lãng phí nguồn tài nguyên đất, ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trong năm 2014, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu, trình UBND tỉnh tiến hành thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra 74 dự án trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu chậm triển khai hoặc có dấu hiệu đầu cơ đất, cố tình không tiến hành xây dựng như đăng ký ban đầu. Qua đó, đoàn kiểm tra phát hiện 31 dự án đã giao đất nhưng vẫn chưa tiến hành đầu tư xây dựng đúng tiến độ.
Đoàn kiểm tra liên ngành đã tham mưu, trình Chủ tịch UBND tỉnh thu hồi 6 dự án không triển khai theo đúng tiến độ, không có khả năng thực hiện việc đầu tư xây dựng. Tính từ đầu năm 2015 đến nay, qua kiểm tra 21 dự án đã đăng ký đầu tư, đoàn kiểm tra liên ngành phát hiện 2 dự án gần như không thực hiện theo đúng những gì đã cam kết. Thực tế cũng cho thấy, nhiều dự án có số vốn đầu tư hàng trăm tỉ đồng nhưng sau lễ khởi công rầm rộ, hoành tráng chỉ một thời gian ngắn đã “cửa đóng then cài” vì thiếu vốn. Nhiều dự án “chết yểu” ngay từ giai đoạn đầu.
Trao đổi về vấn đề này, ông Vĩnh Đức, Phó Trưởng phòng Kế hoạch đầu tư thuộc Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam cho biết: Cách đây 4 - 5 năm, tình trạng nhà đầu tư thứ cấp đầu cơ đất rồi chuyển nhượng, bỏ hoang khiến cơ quan chức năng rất khó xử lý. Tuy nhiên, trong 1 - 2 năm trở lại đây, tình trạng này đã giảm do cơ chế thẩm định cũng như quá trình sàng lọc năng lực đầu tư ngay từ ban đầu được tiến hành chặt chẽ. UBND tỉnh cũng đã ban hành nhiều văn bản nhằm hạn chế tối đa các dự án “ảo”, xử lý các dự án thi công chậm tiến độ so với cam kết ban đầu.
Còn theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đây, Luật Đất đai năm 2003 quy định, nhà đầu tư thứ cấp muốn chuyển nhượng dự án thì phải tiến hành xây dựng nhà xưởng. Thế nhưng, theo Luật Đất đai năm 2013 thì quy định này đã không còn tồn tại. Vì vậy, đây là “kẽ hở” để các nhà đầu tư bỏ hoang đất, dẫn tới nhiều dự án “treo”, gây khó khăn cho việc xử lý của các cơ quan chức năng. Mặt khác, theo quy định tại Điểm i, Khoản 1, Điều 64, Luật Đất đai năm 2013 thì chỉ áp dụng đối với các dự án bất động sản nhưng với các nhà đầu tư thứ cấp thì lại chưa có chế tài xử lý.
Được biết, liên quan đến vấn đề nhà đầu tư thứ cấp “ôm” đất, chuyển nhượng mà không tiến hành xây dựng, thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ có kế hoạch rà soát để bổ sung các nghị định thi hành Luật Đất đai dự kiến sẽ ban hành vào cuối năm nay. Đây được xem là động thái tích cực trong việc đưa ra chế tài xử lý đối với thực trạng nói trên. Từ đó tạo hành lang pháp lý giúp các địa phương trong cả nước phát huy hiệu quả các dự án thu hút đầu tư, góp phần ngăn chặn tình trạng lãng phí quỹ đất đã được quy hoạch tại các KCN.