(Congannghean.vn)-Không hợp đồng lao động, không bảo hiểm y tế, không bảo hộ lao động… Người lao động tự do (LĐTD) đang ngày ngày phải đánh đổi sức khỏe, thậm chí là tính mạng của mình để mưu sinh với công việc nặng nhọc, trong môi trường độc hại, nguy hiểm. Đa phần các LĐTD làm các công việc liên quan đến xây dựng đều từ các vùng thôn quê lên thành phố kiếm sống, làm theo kinh nghiệm nên ý thức, điều kiện để bảo vệ bản thân còn hạn chế, tiềm ẩn rủi ro, là nguyên nhân dẫn đến nhiều tai nạn lao động đáng tiếc.
Dạo một vòng quanh TP Vinh, không khó để bắt gặp cảnh tượng các LĐTD không được trang bị bảo hộ lao động đang làm việc tại các công trình xây dựng dân sinh. Thực tế cho thấy, rất ít công trình được trang bị giàn giáo bằng khung thép chắc chắn, nhiều công trình chỉ sử dụng gỗ tạp, tre, lót thêm vài tấm ván làm chỗ đi lại. Vì vậy, chỉ một chút sơ sẩy thì người lao động sẽ phải gánh chịu hậu quả rất lớn.
siết chặt, quản lý, lao động, tự do |
Chị Nguyễn Thị Lài (32 tuổi), quê ở xã Thanh Tùng, huyện Thanh Chương, là thợ hồ đang làm việc tại TP Vinh cho biết: “Cánh thợ hồ chúng tôi khi đi làm thuê, ai có đồ bảo hộ lao động gì thì dùng cái đó. Chủ đầu tư gần như không quan tâm đến việc trang bị bảo hộ lao động cho công nhân. Không chỉ riêng tôi mà chồng tôi và những lao động thôn quê cũng đều chung tình trạng như vậy”. Tuy nhiên, dù đã có 8 năm làm việc tại TP Vinh, nhưng chủ thầu và cả vợ chồng chị vẫn chưa hề có ý định mua các thiết bị bảo hộ lao động cần thiết.
Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong 6 tháng đầu năm 2014, cả nước xảy ra 3.454 vụ tai nạn lao động (TNLĐ), làm 3.505 người bị nạn. Đặc biệt, số vụ TNLĐ gây chết người trong lĩnh vực xây dựng đang ngày càng tăng. Có tới 30% trên tổng số vụ TNLĐ hiện nay rơi vào lĩnh vực xây dựng (trong đó 55% do ngã, 24% vướng các vấn đề về điện, 10% do sập đổ thiết bị trên công trình, 10% liên quan đến phương tiện bảo vệ cá nhân). |
Không chỉ người lao động mà chủ sử dụng lao động cũng thiếu quan tâm đến vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh lao động. Nếu có thì cũng chỉ dừng lại ở việc trang bị một số vật dụng cơ bản như: Quần áo, găng tay, khẩu trang…, còn đa phần, khi làm việc, các LĐTD vẫn đội mũ mềm, mũ cối. Thậm chí có nhiều lao động làm việc ở độ cao hàng chục mét nhưng vẫn không có đai bảo vệ... Phần lớn các chủ thầu chỉ quan tâm đến quá trình thi công nhanh hay chậm và hiệu suất làm việc. Trong khi đó, thu nhập mà LĐTD nhận được từ các công việc này là quá thấp, chưa đủ chi trả các khoản sinh hoạt gia đình nên phải rất tiết kiệm trong chi tiêu.
Theo bà Hoàng Thị Hường, Chánh Thanh tra Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nghệ An: Hiện nay, trong Luật Lao động cũng chưa có những quy định cụ thể về bảo vệ quyền lợi của LĐTD. Mặc dù chưa thống kê, song lực lượng LĐTD trên địa bàn vẫn đang chiếm số lượng tương đối lớn và cũng chưa hề có cơ quan nào chính thức chịu trách nhiệm quản lý, đào tạo những kỹ năng cần thiết cho nhóm đối tượng này.
Trong 6 tháng đầu năm 2015, toàn tỉnh Nghệ An xảy ra 16 vụ tai nạn lao động, khiến 3 người chết, 9 người bị thương. Tuy nhiên, đây chỉ là các con số được các chủ đầu tư báo cáo và trên thực tế, số vụ việc xảy ra có thể lớn hơn. Nguyên nhân tai nạn chủ yếu là do người lao động chưa được trang bị hoặc đã được trang bị các kiến thức về an toàn vệ sinh lao động nhưng chưa đầy đủ; lao động không có quy trình hoặc biện pháp làm việc không an toàn. Điều này đang đặt ra mối quan ngại về vấn đề đảm bảo an toàn cho bộ phận LĐTD đang làm việc tại các công trình xây dựng trên địa bàn.
Để hạn chế những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra, cần sự phối hợp đồng bộ giữa chủ đầu tư và người lao động. Về phía chủ đầu tư, ngoài trách nhiệm trong sử dụng, đào tạo lao động thì việc giám sát lao động phải được thực hiện thường xuyên, liên tục; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, trước khi có các quy định cụ thể của Nhà nước, bộ phận LĐTD phải tự nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe, tính mạng của bản thân trước nhiều rủi ro cận kề.