(Congannghean.vn)-Thông thường, sau Tết Nguyên đán, giá cả các mặt hàng sẽ có chiều hướng tăng cao do nguồn cung khan hiếm và ảnh hưởng từ thị trường những ngày giáp Tết. Tuy nhiên, khác với mọi năm, sau Tết Ất Mùi 2015, dù các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đã khá dồi dào, đa dạng trên thị trường, nhưng sức mua vẫn còn hạn chế.
Theo đánh giá của người tiêu dùng, năm nay, giá cả các mặt hàng khá ổn định nên việc mua sắm cũng “dễ chịu” hơn. Trước Tết, giá cả thị trường chỉ tăng nhẹ ở một số mặt hàng như hoa quả, bánh kẹo, rượu bia và thực phẩm, còn nhìn chung, giá các mặt hàng khác chỉ “nhích” nhẹ hơn so với ngày thường. Nguyên nhân một phần là vì trên thị trường, nguồn cung cấp hàng hóa ngày càng phong phú, phần khác là vì các siêu thị “mọc” lên khá nhiều nên đã góp phần bình ổn giá. Nhưng quan trọng nhất là việc giá xăng dầu giảm mạnh nên cước vận tải hàng hóa không tăng, do đó, người tiêu dùng cũng “dễ thở” hơn.
Năm nay, ngay từ mồng 2 Tết, các siêu thị và nhiều khu chợ đã mở cửa phục vụ người dân. Đến ngày mồng 6 tháng Giêng âm lịch, tất cả mọi hoạt động đã trở lại bình thường. Tại các chợ trên địa bàn TP Vinh, hàng hóa tập trung khá nhiều, không có hiện tượng khan hiếm, từ thực phẩm tươi sống tới hàng tiêu dùng, may mặc… Điều đáng nói là, giá cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu sau Tết không tăng “chóng mặt” như trước mà vẫn giữ ở mức ổn định. Ngay như loại thực phẩm có giá “phập phù” nhất là rau xanh cũng không tăng, thậm chí, nhiều loại rau giá còn “mềm” hơn năm trước.
Rất hiếm cảnh chen lấn mua hàng vào những ngày sau Tết |
Thế nhưng, một nghịch lí diễn ra là dù hàng hóa phong phú, giá cả ổn định nhưng sức mua lại giảm mạnh. Tại các khu chợ, siêu thị, lượng giao dịch, mua bán vẫn chưa nhiều. Chị Nguyễn Thị Thảo, chủ hàng bán cá tại chợ Quán Lau (phường Trường Thi, TP Vinh) cho biết: Mặc dù số lượng cá tươi nhiều nhưng mỗi ngày, chỉ bán được vài trăm nghìn tiền hàng, bằng một nửa so với trước Tết.
Nhiều bữa ế hàng, chị Thảo phải bê cả rổ cá ra đường mời khách. Ở khu vực bán các loại thịt, trước đây, việc mua bán diễn ra khá sôi động thì nay cũng “lẹt đẹt”. Mỗi lần có khách đi qua, lời mời chào của các chủ hàng lại râm ran cả một góc chợ… Trước tình trạng đó, rất nhiều tiểu thương chỉ mở cửa hàng “lấy ngày đẹp” rồi tạm dừng kinh doanh vì không hiệu quả. Theo họ, chỉ sau Rằm tháng Giêng, việc buôn bán mới có thể “thuận buồm xuôi gió” trở lại.
Nguyên nhân chính dẫn đến sức mua ì ạch là tâm lí chơi Tết phổ biến hơn là ăn Tết. Thời tiết thuận lợi nên mọi người đi du xuân, thăm hỏi nhau là chính chứ không chú trọng tới mâm cao, cỗ đầy như trước. Vì vậy, tủ lạnh nhà nào cũng trong tình trạng “căng nứt” nên họ phải “xài” hết thực phẩm dự trữ rồi mới đi chợ mua thức ăn mới. Hơn nữa, ở trung tâm thành phố, xu hướng tự cung thực phẩm để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đang tăng mạnh. Rất nhiều gia đình tự trồng rau xanh hay tận dụng việc du xuân để mua thực phẩm sạch ở các vùng quê.
Sau Tết, chỉ duy nhất loại hàng hóa tăng giá nhẹ mà vẫn bán chạy là hàng mã. Nghệ An có rất nhiều đền, chùa nên lượng người đi lễ rất đông. Hơn nữa, do thời tiết đẹp nên tâm lý sắp xếp công việc để du xuân tại các điểm văn hóa tâm linh càng trở nên phổ biến... Điều này phản ánh mức sống của người dân đã cao hơn trước, cũng đồng nghĩa với việc nền kinh tế đang trên đà phục hồi và tăng trưởng, giúp cho người dân “dễ thở” hơn.
.