(Congannghean.vn)-Như một quy luật, trước và sau mỗi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, hàng nghìn người lại hối hả ngược xuôi Bắc, Nam để học tập và làm việc. Và như một thông lệ không thể không đề cập tới, đó là việc các nhà xe đua nhau tăng giá vé vẫn còn tái diễn trong dịp này.
Thực trạng nói trên đã được phản ánh trong dịp trước Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, đặc biệt là khi Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng bất ngờ kiểm tra tại các bến xe khách ở TP Hồ Chí Minh và ga Sài Gòn vào ngày 3/2/2015. Qua đợt kiểm tra tại các bến xe, Bộ trưởng đã chỉ đạo các ban, ngành liên quan cần giám sát chặt chẽ việc nhà xe tự ý tăng giá vé trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi. “Cần thiết thì kêu gọi hành khách tẩy chay những hãng xe không giảm giá cước.
Giá vé thực tế có khi bị “hét” lên gấp đôi so với giá niêm yết công khai trên bảng khiến hành khách “méo mặt” |
Sở GTVT phải phối hợp với Sở Tài chính kiểm tra, yêu cầu tất cả doanh nghiệp chưa giảm giá vé phải giảm ngay. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ việc phụ thu chiều rỗng, không để nhà xe tùy tiện thu bao nhiêu cũng được”, Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ đạo. Tuy nhiên, thực tế thì việc kiểm soát giá cước vận tải hành khách trong dịp Tết vẫn chưa triệt để. Điều đáng nói là, có những nhà xe chạy tuyến đường dài vẫn “âm thầm” tăng giá vé khi hành khách lên xe. Trong khi đó, giá vé niêm yết tại các bến xe hoàn toàn khác với giá vé thực tế.
“Trước khi được công ty cho nghỉ Tết, em mua vé xe để về quê thì hãng xe H.N ở Bến xe miền Đông niêm yết giá là 770.000 đồng. Tuy nhiên, khi liên hệ với nhà xe để mua vé thì họ nói, vào ngày 20/12/ 2014 AL, giá vé từ TP Hồ Chí Minh về Nghệ An là 1.300.000 đồng. Vì không còn cách nào khác, em phải chấp nhận để kịp về quê đón Tết với gia đình. Bởi nếu về muộn, giá vé sẽ còn cao hơn nữa”, chị Trần Thị Duyên, quê ở xã Ngọc Sơn, huyện Quỳnh Lưu, làm công nhân ở TP Hồ Chí Minh phản ánh. Cũng theo chị Duyên thì sau kỳ nghỉ Tết, dự tính, ngày 10/1 AL (tức ngày 28/2/2015), để vào TP Hồ Chí Minh làm việc trở lại, chị đã liên lạc với nhà xe nói trên, họ trả lời giá vé đi là 1.300.000 đồng.
Vào những ngày sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, chúng tôi đã có cuộc khảo sát dọc các bến cóc, bến dù ở các địa phương có QL1A đi qua như huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu thì các nhà xe chạy tuyến Bắc - Nam đều đưa ra giá vé khác xa so với giá vé đã được niêm yết theo quy định từ trước đó. Với giá vé dao động từ 1.300.000 - 1.500.000 đồng từ Nghệ An đi TP Hồ Chí Minh, nhiều người dân khi được hỏi đã rất bức xúc, nhưng không đi thì lại lỡ chuyến vì tâm lý ngày Tết, xe nào cũng tăng giá như vậy.
Vì thế, nhiều người dân về quê nay trở lại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam học tập, làm việc đều “méo mặt” vì nhà xe ép giá, tăng giá vé lên từ 30 - 50%. Giá vé xe tăng mạnh sau mỗi kỳ nghỉ Tết khiến nhiều công nhân, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đã chấp nhận phải ăn Tết xa gia đình.
Sáng mồng 6 Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 (tức ngày 24/2/2015), chúng tôi có mặt tại Bến xe Vinh để khảo sát giá vé đi các tuyến đường dài và tình hình ANTT tại đây. Nhìn chung, tình hình ANTT ở Bến xe Vinh khá ổn định, công tác tuần tra, kiểm soát của lực lượng Công an được thực hiện 24/24 giờ. Hiện tượng chèo kéo khách cơ bản đã được kiềm chế, không để xảy ra tình trạng lộn xộn như các năm trước. Lực lượng CSGT, Cảnh sát trật tự… cũng được tăng cường bố trí túc trực ngay ở cổng bến xe, các điểm nóng trên địa bàn để sẵn sàng xử lý mọi tình huống. Theo người dân phản ánh, tình hình ANTT tại Bến xe Vinh năm nay không còn đáng lo ngại như mọi năm.
Hình ảnh các chiến sĩ Công an túc trực ngay tại bến xe, ga tàu cũng đã giúp họ phần nào yên tâm hơn. Trong vai một người dân mua vé xe đi Huế, chúng tôi thấy trên bảng niêm yết giá vé của hãng xe B.M. với giá vé đi Huế là 170.000 đồng đối với ghế nằm. Tuy nhiên, khi liên lạc với nhà xe B.M. để đặt vé đi Huế vào ngày 28/2 (tức 10/1 AL) thì giá vé lại là 270.000 đồng?!. Khi chúng tôi liên lạc với một nhà xe khác ở huyện Quỳnh Lưu để đi Huế, giá vé đi cùng thời điểm nói trên là 400.000 đồng. Tương tự, giá vé xe từ TP Vinh đi TP Hồ Chí Minh cũng tự động “đội” lên gần gấp đôi so với giá vé đã được niêm yết công khai. Khi bị phản ánh tại sao giá công khai là vậy, nhưng thực tế lại thu vượt quy định, các nhà xe chạy tuyến phía Nam đều trả lời: “Không đi thì cứ chờ đó!”.
Theo tìm hiểu, vào thời điểm trước, sau Tết Nguyên đán, giá vé xe của một số hãng uy tín như Văn Minh, Thạch Thành vẫn giữ nguyên mức giá so với giá niêm yết. Còn lại, các nhà xe đều đua nhau tăng giá theo kiểu “mạnh ai nấy làm” một cách vô tội vạ. Khi được hỏi về tình trạng các nhà xe niêm yết giá công khai một đường nhưng lại thu tiền một nẻo, đại diện của Bến xe Vinh trả lời: “Hiện nay, đơn vị chỉ quản lý giá vé tại bến xe, còn việc tự ý tăng giá vé thì không kiểm soát được vì đây là sự thỏa thuận của 2 bên?!”.
Như vậy, việc tự ý tăng giá vé vận chuyển hành khách của các hãng xe vượt so với giá quy định đã được niêm yết công khai là có thật. Đề nghị các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm các nhà xe tự ý tăng giá vé theo tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng trong đợt kiểm tra đột xuất các bến xe tại TP Hồ Chí Minh vào thời điểm trước đó.
.