Theo báo chí Nga ngày 20/1, các nhà khoa học tại Đại học Bách khoa Tomsk, miền Tây Siberia, đang hoàn chỉnh hệ thống quang điện tử mới, có khả năng nhận biết các tổn thương não.
Thiết bị tương đối nhỏ gọn, không quá đắt tiền này có thể thay thế cho các máy cộng hưởng từ (MRI) và chụp cắt lớp vi tính (CT), cho phép xác định nhanh chóng và chính xác chỗ “có vấn đề”, chẳng hạn như hậu quả nghiêm trọng sau sang chấn là vết bầm tụ huyết, kích thước hoặc mức độ của điểm tổn hại.
Hiện nay, các bác sĩ chỉ có thể phát hiện tụ máu não khi bệnh nhân đến bệnh viện hoặc phòng khám. Mà để làm được công đoạn này đòi hỏi qui trình tốn kém và chụp scan MRI hoặc CT là phần việc chỉ chuyên viên có trình độ mới thực hiện được. Ngoài ra, những phương pháp này có nhóm chống chỉ định khá lớn là các bệnh nhân dùng máy tạo nhịp tim, qua cấy ghép hoặc bị béo phì thừa cân.
Với phương pháp mới này, việc nghiên cứu không chỉ cung cấp thông tin, mà còn đảm bảo an toàn. Phương pháp mới dùng hệ thống quang điện tử không gây cho cơ thể bất kỳ tác hại nào dù nhỏ nhất và không có chống chỉ định. Thiết bị hoạt động trên cơ sở phản hồi bức xạ: tiếp nhận và phân tích tín hiệu trở lại của não bộ. Nguồn phóng xạ là tia laser hai bước sóng nằm trong dải tần màu đỏ và hồng ngoại, thâm nhập sâu đến 3 cm. Do vết bầm tụ máu có màu đỏ, nó hấp thụ tia quang phổ màu đỏ và hồng ngoại với phản hồi kém. Với cùng tín hiệu thì những mô não khỏe mạnh phản ánh mạnh hơn nhiều. Sau khi nghiên cứu cường độ của bức xạ phản hồi, các chuyên viên sẽ dễ dàng kết luận về tình trạng não bộ của bệnh nhân.
.