Kinh tế xã hội

Siết chặt việc giảm giá cước vận tải

09:05, 30/01/2015 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
(Congannghean.vn)-Trong năm 2014 và đầu năm 2015, giá xăng, dầu đã giảm tới 14 lần, kéo theo các loại hàng hóa cũng giảm giá, tuy nhiên, một số doanh nghiệp vẫn không chịu giảm giá cước vận tải nhằm trục lợi. Bộ Tài chính vừa có Công văn đề nghị Bộ Giao thông Vận tải, UBND tỉnh, UBND thành phố sớm chấn chỉnh thực trạng trên. Nghệ An là một trong số ít tỉnh thực hiện quyết liệt và có hiệu quả chủ trương này. 
 
Bộ Tài chính vừa có Công văn số 931/BTC-QLG gửi Bộ Giao thông Vận tải, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc quản lý giá cước vận tải. Giá xăng, dầu tiếp tục được điều chỉnh giảm sâu, đặc biệt là trong hai đợt: vào ngày 6/1/2015 và 21/1/2015. Nhưng qua kiểm tra, nắm tình hình tại một số địa phương cho thấy, vẫn còn đơn vị chưa thực hiện kê khai giảm giá. 
Các doanh nghiệp vận tải bằng ôtô ký cam kết giảm giá cước vận tải
Các doanh nghiệp vận tải bằng ôtô ký cam kết giảm giá cước vận tải
Để tiếp tục tăng cường quản lý giá cước vận tải bằng xe ôtô, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải yêu cầu các doanh nghiệp căn cứ phương án tổ chức vận tải và xu hướng giảm giá nhiên liệu để tính toán lại giá thành, kê khai với cơ quan có thẩm quyền. Trường hợp quá thời hạn quy định mà các đơn vị này không thực hiện kê khai giảm giá cước theo xu hướng thì Sở phải phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý vi phạm theo quy định.
 
Các Sở cần phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện kê khai giá cước vận tải ôtô trên địa bàn theo quy định của pháp luật. Đối với đơn vị không thực hiện kê khai giá theo quy định, sẽ xử phạt theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 109/2013/NĐ-CP và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đối với các đơn vị đã kê khai giảm giá cước, cần đôn đốc, yêu cầu các đơn vị này tiếp tục tính toán lại giá thành vận tải theo xu hướng giảm giá nhiên liệu  để kê khai lại theo đúng quy định. Trường hợp các đơn vị cố tình kê khai giảm giá chưa phù hợp, tùy theo tình hình, có thể tiến hành kiểm tra yếu tố hình thành giá của các đơn vị và xử lý theo quy định của Luật giá và các văn bản hướng dẫn. 
 
Trước đó, trong bối cảnh tình hình giá xăng, dầu giảm, qua theo dõi và tổng hợp báo cáo của các địa phương cho thấy, nhiều đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ôtô đã thực hiện giảm giá cước vận tải và kê khai lại giá với Sở Giao thông Vận tải và Sở Tài chính địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị kinh doanh vận tải ôtô chưa thực hiện kê khai giảm cước theo xu hướng giảm giá xăng, dầu.
 
Tại Nghệ An, thực hiện chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải, ngày 24/1/2015, Sở Giao thông Vận tải đã tổ chức cho các doanh nghiệp vận tải công bố giá và ký cam kết giảm giá cước vận tải trên địa bàn. Tại buổi lễ, có 52 doanh nghiệp tham gia ký cam kết giảm giá, tuy nhiên, mới chỉ có 7/52 doanh nghiệp công bố giá cước vận tải giảm so với năm 2014. Số còn lại đang tính toán để đăng ký giá cước vận tải theo xu hướng chung là giảm từ 5 - 7% so với giá năm 2014. Trước đó, ngày 24/11/2014, Sở Giao thông Vận tải cũng đã tổ chức lễ công bố và ký cam kết giảm giá cước vận tải trên địa bàn.
 
Tại buổi lễ, Hiệp hội Vận tải ôtô Nghệ An, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đã thực hiện ký cam kết đối với việc giảm giá cước. Theo đó, mức cước phí vận tải đã giảm xuống từ 6 - 7% theo giá hiện tại. Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn, các doanh nghiệp đã hai lần ký cam kết giảm giá cước vận tải trung bình từ 5 - 25%, có 16 doanh nghiệp giảm giá từ 10 - 38%. Chỉ có doanh nghiệp vận tải hành khách xe buýt Đông Bắc không giảm giá do chưa được Nhà nước trợ giá, các tuyến kinh doanh xe buýt còn gặp nhiều khó khăn. 
 
Dạo qua thị trường vé xe khách giường nằm tuyến Vinh - Hà Nội của các Công ty Văn Minh, Thạch Thành, theo ghi nhận của P.V, giá cước đã giảm khoảng 10% so với trước đây dù giá vé giáp Tết đều có xu hướng tăng đột biến. Hai doanh nghiệp taxi Vạn Xuân và Mai Linh cũng đã giảm giá cước khoảng 7%. Các doanh nghiệp vận tải hàng hóa giảm giá cước chưa rõ rệt, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ chở hàng hóa theo giá thỏa thuận. Mặt khác, các doanh nghiệp này vẫn đang nấn ná chờ sau Tết mới giảm giá do giáp Tết, hàng hóa luân chuyển mạnh nên các doanh nghiệp có cơ hội “ép giá”.
 
Thực tế, các công ty mới chỉ khai báo giảm giá trên giấy tờ, trong khi mức giá thực vẫn cao hơn mức giá đăng ký với Sở Giao thông Vận tải nên công tác thanh, kiểm tra cần được tiếp tục thực hiện quyết liệt. 

Ngọc Hùng

Các tin khác