Chậm nhất trước 16 giờ chiều nay 21/1, giá xăng RON 92 sẽ giảm tối thiểu 1.897 đồng/lít. Đây là lần thứ 2 liên tiếp kể từ đầu năm 2015, giá xăng giảm.
Bộ Công Thương vừa có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối giảm giá bán lẻ trong nước từ 16 giờ ngày 21/1.
Hiện tại đang có mức chênh lệch giá cơ sở và giá bán lẻ, do đó các doanh nghiệp xăng dầu sẽ phải quyết định điều chỉnh giảm với mức tối thiểu bằng mức chênh lệch. Các mặt hàng khác như dầu diesel 0,05 sẽ giảm tối thiểu 1.459 đồng/lít; dầu hỏa giảm 1.494 đồng/lít và dầu mazut giảm 1.078 đồng/kg.
Như vậy đối chiếu với mức trên, giá xăng A 92 sẽ giảm từ 17.570 đồng/lít xuống còn 15.673 đồng/lít. Dầu diesel giảm từ 16.630 đồng/lít xuống còn 15.171 đồng/lít. Dầu mazut hạ từ 12.730 đồng/kg chỉ còn 11.652 đồng/kg.
Đây là lần giảm giá xăng dầu thứ 2 liên tiếp kể từ đầu năm 2015 đến nay và là lần giảm thứ 17 liên tiếp kể từ giữa tháng 7/2014.
Trước đó, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 06/2015 quy định biểu thuế xăng dầu nhập khẩu mới có hiệu lực từ ngày 21/1. Theo đó, trong bối cảnh giá dầu thế giới tiếp tục lao dốc xuống ngưỡng 47 USD/thùng, Bộ Tài chính quyết định tăng thuế nhập khẩu xăng từ 35% lên mức 40% (ở mức kịch trần), dầu diesel từ 30% lên 35%. Với mức điều chỉnh lần này, thuế nhập khẩu các loại xăng đã lên mức tối đa theo khung quy định của Quốc hội và cam kết WTO (0-40%).
Kể từ đầu năm 2015 đến nay, mặt hàng xăng dầu đã giảm 2 lần liên tiếp với tổng mức giảm 2.207 đồng/lít (đối với xăng A92). Còn tính từ ngày 28/7, xu hướng hạ giá xăng dầu đang kéo dài đến nay, giá xăng dầu đã 15 lần điều chỉnh giảm liên tiếp.
Nếu tính riêng trong năm 2014, giá xăng dầu đã có tới 24 lần điều chỉnh, trong đó 5 lần điều chỉnh tăng và 19 lần điều chỉnh giảm. Đây cũng là năm có sự thay đổi về giá xăng dầu nhiều nhất từ trước tới nay.
Trong cuộc gặp mặt báo chí mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định: Thị trường xăng dầu của Việt Nam nếu hoạt động theo thị trường thì không nhất thiết phải 15 ngày mới điều chỉnh mà có thể tăng giảm hằng ngày. Việc giá xăng dầu liên tục giảm thời gian qua là nhanh, phù hợp với xu thế thị trường.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng lưu ý có một số phân tích cho rằng với giá dầu giảm, nhiều dự báo chu kỳ mới của tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ bùng nổ, điều này có lợi cho Việt Nam.
Ngày 22/1 tới, Bộ Tài chính sẽ cùng các bộ, ngành điều hành kinh tế vĩ mô sẽ họp bàn đưa ra các kịch bản cho nền kinh tế trước biến động của giá dầu thế giới. Việc điều hành phải đảm bảo quyền lợi của Nhà nước, doanh nghiệp và cả người tiêu dùng.
.