(Congannghean.vn)-Như đã đề cập ở kỳ trước, trong thời gian qua, cả nước nói chung và địa bàn tỉnh nói riêng, tình trạng một số doanh nghiệp (DN) nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH) đang là vấn đề nhận được sự quan tâm của dư luận, bởi “bài toán” nợ đọng bảo hiểm dù đã được quan tâm giải quyết, song vẫn tồn tại những bất cập nhất định, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động (NLĐ).
Tuy nhiên, do tâm lý sợ mất việc, bị “trù dập” hay do thiếu hiểu biết về luật khiến nhiều lao động dù phải chịu thiệt nhưng vẫn còn e dè trong việc đấu tranh để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
*Kỳ 2: Người lao động cần lên tiếng để bảo vệ quyền lợi
Người lao động bị “bỏ rơi”
Việc các DN nợ đọng bảo hiểm đã khiến số lao động tại các đơn vị này có nguy cơ mất quyền lợi cơ bản về BHXH. Theo đó, các quyền lợi của NLĐ như: Ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, trợ cấp thất nghiệp, hưu trí… sẽ không được giải quyết. Bên cạnh đó, do đơn vị nợ BHXH nên cơ quan BHXH không tiến hành chốt sổ BHXH để NLĐ hoàn tất hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Thực tế, mặc dù nhận được sự quan tâm của các cơ quan, ban, ngành, song việc giải quyết “bài toán” nan giải nợ đọng BHXH vẫn còn một số vướng mắc và bất cập nhất định. Trong đó, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, biện pháp, chế tài xử phạt chưa nghiêm và chưa đủ sức răn đe chính là tác nhân trực tiếp gây nên hiệu ứng “nhờn luật” của các đơn vị DN. Cụ thể, người sử dụng lao động không đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho NLĐ thuộc diện tham gia bắt buộc, chỉ bị quy mức xử phạt tối đa 75 triệu đồng.
Bởi vậy, theo ông Mai Đức Chính, Phó Tổng Liên đoàn Lao động: Một DN có thể lựa chọn không đóng, trốn đóng, thậm chí chiếm dụng vốn từ chính nguồn tiền trích đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho NLĐ của DN mình làm chi phí quay vòng sản xuất kinh doanh khi tình hình kinh tế khó khăn. Đồng thời, do quy định mức lãi suất chậm đóng BHXH thấp hơn mức lãi suất vay ngân hàng nên đại bộ phận DN cố tình nợ BHXH, chấp nhận chịu phạt để chiếm dụng quỹ BHXH. Mặt khác, theo quy định, cơ quan BHXH lại không được quyền xử phạt, nên hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, xử lý không cao.
Người lao động chịu thiệt thòi khi DN nợ đọng BHXH |
Phải đấu tranh bảo vệ quyền lợi
Thực trạng nợ đọng bảo hiểm đang gia tăng, tất yếu dẫn đến hệ lụy là quyền lợi thiết thực của NLĐ bị xâm phạm, nhất là các DN đang trong diện nợ đọng, DN đã hoặc đang đứng trước nguy cơ phá sản. “Vấn nạn” này nếu không được giải quyết, sớm muộn, NLĐ sẽ phải đối phó với nhiều nguy cơ, mà nhãn tiền là không có việc làm (do DN giải thể, ngừng hoạt động), không chốt được sổ bảo hiểm, khó giải quyết các chế độ theo quy định như thai sản, ốm đau, hưu trí...
Thực tế, bên cạnh những DN, đơn vị nợ đọng BHXH dai dẳng thì cũng có rất nhiều đơn vị khác thực hiện tốt việc đóng đầy đủ các chế độ BHXH cho NLĐ. Tuy nhiên, nếu đơn vị không thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH cho NLĐ thì bản thân họ cần phải tự bảo vệ và đấu tranh cho quyền lợi của mình.
Theo đó, nếu người sử dụng lao động thu tiền đóng các chế độ BHXH nhưng không đóng hoặc chậm đóng BHXH làm ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ thì NLĐ cần kịp thời phản ánh vấn đề đó qua tổ chức công đoàn của công ty, DN. Theo chương IX: Khiếu nại, tố cáo về BHXH của Luật BHXH, nếu thông qua tổ chức công đoàn nhưng vẫn không hiệu quả thì NLĐ có thể báo cáo lên cơ quan chức năng liên quan để can thiệp, thanh, kiểm tra, giải quyết vấn đề. Họ cũng có quyền khởi kiện DN nếu DN đã thu tiền đóng BHXH nhưng chậm đóng hoặc không đóng BHXH cho NLĐ…
Mới đây, vào tháng 6/2014, Quốc hội đã ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT. Luật này có quy định tăng mức xử phạt đơn vị, doanh nghiệp nợ BHXH và có hiệu lực vào năm 2015. Theo đó, cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng BHYT mà không đóng hoặc đóng không đầy đủ thì không những phải đóng đủ số tiền chưa đóng mà còn phải nộp số tiền lãi bằng hai lần mức lãi suất liên ngân hàng (tăng gấp đôi so với trước đây).
Ngoài ra, người sử dụng lao động còn phải hoàn trả toàn bộ chi phí cho NLĐ trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng BHYT mà NLĐ đã chi trả trong thời gian chưa có thẻ BHYT. Hy vọng rằng, với việc siết chặt chế tài xử lý vi phạm pháp luật BHXH, đảm bảo tính răn đe và sự đấu tranh tích cực, quyết liệt của NLĐ, quyền lợi chính đáng của họ sẽ được đảm bảo, góp phần ổn định cuộc sống để thực hiện các mục tiêu an sinh xã hội.
.