(Congannghean.vn)-Hiện nay, tỉnh Nghệ An đang có hàng nghìn trạm phát sóng thông tin liên lạc (trạm BTS) phục vụ cho nhu cầu thông tin của các cơ quan, đơn vị cũng như quần chúng nhân dân. Các trạm đều được xây dựng ở những vị trí cao, nằm xen kẽ trong khu dân cư nên tiềm ẩn nguy cơ đổ, gãy khi mùa mưa bão đến. Hàng năm, Sở Thông tin Truyền thông đều phối hợp với các cơ quan chức năng, doanh nghiệp sử dụng trạm BTS kiểm tra, đôn đốc việc đảm bảo an toàn tại các trạm này.
Toàn tỉnh Nghệ An hiện có 1.862 vị trí trạm BTS với 3.670 trạm BTS. Trong đó, 439 vị trí trạm xây dựng trước thời điểm Thông tư liên tịch số 12/2007/TT-BXD-BTTTT có hiệu lực, 135 vị trí trạm lắp dựng trên công trình xây dựng có sẵn không nằm trong khu vực phải xin cấp giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, vẫn còn một số trạm chưa được cấp phép xây dựng do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Được biết, xây dựng hạ tầng thông tin di động - hệ thống các trạm BTS là một lĩnh vực mới có nhiều đặc thù riêng biệt. Vì vậy, Bộ Thông tin Truyền thông và Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư liên tịch số 12/2007/TT-BXD-BTTTT để hướng dẫn thực hiện việc cấp phép các công trình xây dựng trạm BTS. Tuy vậy, trên thực tế, việc triển khai thực hiện các thủ tục về thuê đất, mặt bằng xây dựng trạm BTS vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Đây là khó khăn, vướng mắc chung cho việc xây dựng và phát triển hạ tầng thông tin di động trong cả nước. Nhưng bằng sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, đến cuối tháng 10/2014, toàn tỉnh Nghệ An đã được phủ sóng thông tin di động, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh - quốc phòng.
Lãnh đạo Sở Thông tin Truyền thông kiểm tra trạm BTS ở huyện Hưng Nguyên khi bão chuẩn bị đổ bộ |
Các công trình xây dựng trạm BTS đều được các đơn vị tư vấn khảo sát, thiết kế theo các mẫu cột với độ cao chủ yếu từ 45 m trở xuống, được cơ quan có thẩm quyền quyết định, có độ cao an toàn, chịu được gió cấp 15. Các doanh nghiệp cũng đã tuân thủ nghiêm túc các quy định quản lý Nhà nước về xây dựng đối với các trạm BTS. Ngoài ra, UBND tỉnh Nghệ An cũng có Thông báo 132/TB.UBND và Chỉ thị 05/2014/CT-UBND giao trách nhiệm cho các doanh nghiệp đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người và công trình lân cận và chịu trách nhiệm hoàn toàn về sự cố chất lượng công trình trạm BTS. Đồng thời, chịu trách nhiệm khắc phục hoặc tháo dỡ, di dời đối với các trạm không đảm bảo điều kiện hoạt động.
Trên thực tế, các doanh nghiệp chủ động rà soát các công trình trạm BTS và thường xuyên thực hiện công tác gia cố, duy tu, bảo dưỡng, tháo dỡ các dàn ăng - ten trước khi bão đến để giảm tải trọng cho các cột ăng - ten trạm BTS. Thực hiện nghiêm thông báo trên, Sở Thông tin Truyền thông, Sở Xây dựng và Sở Tài nguyên Môi trường đã và đang phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp để triển khai thực hiện. Tại một số địa phương, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng đang từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Với chức năng quản lý, Sở Thông tin Truyền thông thường xuyên tổ chức kiểm tra, nhắc nhở các doanh nghiệp trong công tác gia cố, duy tu, bảo dưỡng các vị trí trạm BTS. Đối với những trạm xuống cấp, có nguy cơ mất an toàn, Sở đều yêu cầu khắc phục, sửa chữa. Trước mùa mưa bão, Sở Thông tin Truyền thông đều lập kế hoạch, phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn, tiêu chí kỹ thuật và phương án dự phòng của các vị trí trạm BTS. Trước những cơn bão lớn có gió giật mạnh, Sở đều yêu cầu các vị trí trạm hạ tải ăng - ten để đảm bảo an toàn. Chính sự quản lý nghiêm, chỉ đạo sâu sát, xử lý kịp thời nên trong những năm qua, hầu như các trạm BTS đều phát huy hiệu quả, không để xảy ra các sự cố, tai nạn ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.
Năm nay, để đối phó với mùa mưa bão dự kiến là diễn biến phức tạp, Sở Thông tin Truyền thông đã xây dựng những phương án kiểm tra, chỉ đạo các doanh nghiệp sử dụng trạm BTS, cũng như những phương án đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trong mùa mưa bão. Sở cũng đã có công văn nhắc nhở các doanh nghiệp, địa phương có trạm BTS chủ động kiểm tra, xây dựng phương án phòng chống, tránh những thiệt hại không đáng có.
.