(Congannghean.vn)-Về xã Hưng Yên Nam huyện Hưng Nguyên, hỏi về tấm gương vượt khó vươn lên làm kinh tế giỏi, ai cũng nhiệt tình chỉ dẫn tới nhà ông Đậu Xuân Trình, thương binh hạng 2/3 ở xóm 1. Ông còn biết tới là người tiên phong đi khai hoá ở vùng núi hoang sơ Đại Bần, "bắt" mảnh đất cằn sinh sôi, phát triển.
Mặc dù được sự chỉ dẫn nhiệt tình của mọi người, nhưng chúng tôi vẫn gặp khó khăn khi tìm đến nhà ông Đậu Xuân Trình bởi con đường khúc khuỷu với đầy "ổ trâu, ổ voi". Thấy khách tới, ông bỏ dở công việc chăm vườn cây ăn quả sau nhà, vào niềm nở tiếp đón. Trong căn nhà của ông Trình, hình ảnh đầu tiên hiện lên trước mắt chúng tôi đó là những Bằng khen, Giấy khen được treo xung quanh, ken dày trên tường nhà. Ở đó, có cả thành tích trong kháng chiến lẫn trong thời bình về phát triển kinh tế.
CCB Đậu Xuân Trình bên vườn cây ăn quả của gia đình |
Ông Trình kể, năm 1991, ông xuất ngũ trở về địa phương, với quân hàm Đại úy. Đồng lương hưu tạm đủ sống nhưng với bản tính hay làm, ông không thể ngồi yên một chỗ. Đúng lúc ấy, Nhà nước có chủ trương phủ xanh đất trống đồi núi trọc bằng Chương trình trồng rừng 327, giao đất, giao rừng cho người dân khoanh nuôi, bảo vệ.
Nhận thấy đây là điều kiện thuận lợi, vừa cho thu nhập, vừa phủ xanh đồi núi trọc, ông mạnh dạn đăng ký vay vốn ngân hàng gần 100 triệu đồng đầu tư vào cây ăn quả, thông, tràm với diện tích 7 ha. Chỉ trong một thời gian ngắn, cả khu vực rộng lớn nằm phía Đông dưới chân núi Đại Bần, thuộc dãy núi Đại Huệ trước đây còn hoang sơ với những lau lách, cây rậm… đã được ông biến thành đồi cây xanh tốt.
Chúng tôi theo ông ra vườn, tận mắt chứng kiến những cây hồng quả đỏ rực trĩu cành đu mình theo gió. Theo ông Trình, mùa hồng năm nay bán ra thị trường với giá 20.000 - 25.000 đồng/kg, cho thu hoạch gần 20 triệu đồng. Ngoài ra, vườn của ông còn trồng cây chanh (diện tích gần 3 ha). Ông cho biết, chanh mùa (từ tháng 5 - 9 âm lịch) và chanh trái (tháng 12 - 4 âm lịch) năm nay đều được mùa, tổng thu gần 15 tấn, bán với giá 10.000 - 13.000 đồng/kg (đầu mùa) và hiện tại là 22.000 đồng/kg. Giống chanh Xã Đoài vỏ mỏng, nhiều nước với hương vị đặc trưng nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Mùa thu hoạch, thương lái từ Xã Đoài (huyện Nghi Lộc) và TP Vinh trực tiếp đến thu mua.
Khi được hỏi về bí quyết chăm sóc cây chanh mang lại năng suất, ông Trình khiêm tốn: “Để cây chanh có nhiều quả thì phải chú ý đến khâu đầu tư, bón phân cho cây đúng thời kỳ. Ngoài ra, xác định đúng thời điểm để phòng tránh sâu bệnh, nhất là thời kỳ đậu quả. Giai đoạn này phải phun thuốc đúng liều lượng để xua đuổi sâu đục quả”.
Ngoài 2 loại cây trồng nói trên, ông Trình còn đầu tư phát triển gà thả vườn. Hiện đàn gà của ông có trên 1.000 con, mỗi ngày đẻ 100 - 200 quả trứng, ngoài ra ông còn bán gà thịt ra thị trường. Bên cạnh việc làm giàu cho bản thân, ông Trình còn tạo việc làm cho 7 - 8 lao động thời vụ với tiền công 180.000 đồng/ngày và lao động chính là 200.000 đồng/ngày. Trung bình mỗi năm, trừ mọi chi phí, gia đình ông thu về khoảng 200 - 250 triệu đồng.
Theo ông Trình, điều quyết định làm nên thành công của mô hình trang trại là cần phải biết tính toán. Trồng cây gì, con gì và làm như thế nào cũng phải tìm hiểu kỹ, xem có phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng hay không. Cây chanh, gà thả vườn là những cây trồng và vật nuôi mà ông tâm đắc nhất. Ông xác định, dù giá cả thị trường lên xuống thất thường nhưng chanh và gà thả vườn luôn là mặt hàng dễ bán. Cùng với đó, việc tạo uy tín về chất lượng với khách hàng cũng là điều ông luôn cân nhắc.
Giờ đây, người CCB Đậu Xuân Trình đã có thể nở nụ cười viên mãn. Ông tâm sự: “Hồi ấy mình như đánh cược, được ăn cả, ngã về không. Vợ con giờ đã hoàn toàn tin tưởng vào cách làm của tôi. May mà mọi thứ không phụ lòng người, tất cả đều nhờ sự quyết tâm, nhiệt huyết bám trụ vào quê hương thứ 2 của cả gia đình”.
“Ông Trình là một CCB gương mẫu, nhiệt tình. Từ những việc làm của ông, đã có nhiều người dân học theo phát triển mô hình kinh tế”, ông Phan Bùi Nhì, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hưng Yên Nam chia sẻ.
.